30 lãnh đạo NATO dùng từ mạnh mẽ chưa từng thấy: Trung Quốc là ‘thách thức mang tính hệ thống’
30 lãnh đạo NATO dùng từ mạnh mẽ chưa từng thấy: Trung Quốc là ‘thách thức mang tính hệ thống’
Thông cáo chung của 30 nhà lãnh đạo NATO đã mô tả Trung Quốc bằng ngôn từ mạnh mẽ chưa từng thấy. Đó có thể là một cột mốc mới của tổ chức vốn được tạo ra để bảo vệ châu Âu và chống lại Liên Xô trong chiến tranh lạnh.
Thông cáo chung ngày 14-6 của các nhà lãnh đạo NATO đã cảnh báo Trung Quốc đang đặt ra “những thách thức mang tính hệ thống” đối với trật tự quốc tế và các vấn đề an ninh toàn cầu.
Mặc dù không gọi Trung Quốc là “mối đe dọa” như đã làm với Nga, các nhà lãnh đạo NATO tuyên bố ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh và các chính sách của nước này buộc NATO “phải cùng nhau giải quyết với tư cách là một liên minh”.
Khối này khẳng định sẽ tăng cường quan hệ với các nước Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và cập nhật lại khái niệm chiến lược năm 2010, trong đó Trung Quốc chưa được xem là “thách thức” với NATO như Nga.
Đây là điều mà báo New York Times và Hãng tin Reuters mô tả là “sự dịch chuyển trọng tâm cơ bản” của NATO. Tổ chức này ra đời trong giai đoạn đầu của chiến tranh lạnh nhằm đối phó với Liên Xô (cũ) và bảo vệ châu Âu, chứ không phải chống lại Trung Quốc hay bảo vệ châu Á.
Tổng thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg, dẫn chứng bằng những con số khiến khối này lo ngại. Trung Quốc có ngân sách quân sự lớn thứ hai, chỉ sau Mỹ, nhưng sở hữu lực lượng hải quân lớn nhất thế giới.
Bắc Kinh đang tăng cường kho dự trữ hạt nhân, phát triển các tên lửa, tàu chiến tối tân hơn và đang ngày càng tự tin áp sát NATO.
Trung Quốc đã đưa tàu chiến vào Địa Trung Hải, tiến hành các cuộc tập trận quân sự với Nga ở gần NATO, xây dựng các căn cứ ở châu Phi và sở hữu cơ sở hạ tầng quan trọng ở châu Âu, bao gồm cả cảng Piraeus của Hy Lạp.
Quan hệ Trung Quốc – châu Âu nói riêng và phương Tây nói chung đã thay đổi nhanh chóng từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Theo New York Times, lần đầu tiên NATO đề cập tới Trung Quốc là trong một tuyên bố nhỏ vào năm 2019. Hai năm sau, khối này đã xem Bắc Kinh là mối thách thức mới nổi có tiềm năng vượt cả mối đe dọa hiện hữu là Nga.
Việc NATO nhắc đến Trung Quốc trong thông cáo chung phản ánh khối này đang nhất trí xem Bắc Kinh là “một thách thức”. Bởi lẽ thông cáo chung sẽ không được thông qua nếu không có sự đồng thuận của tất cả các nhà lãnh đạo NATO.
Theo giới phân tích, có thể xem thông cáo chung NATO lần này là một mở đầu tốt đẹp cho nhà lãnh đạo Mỹ Joe Biden. Trước NATO, Hội nghị thượng đỉnh G7 (trong đó có 4 nước ở châu Âu), cũng đã lên án Trung Quốc trong các vấn đề COVID-19, Tân Cương, Đài Loan và Hong Kong.
Mặc dù các nước đã thể hiện sự “đoàn kết chính trị”, vẫn còn một số vấn đề các nhà lãnh đạo NATO và Mỹ cần xem xét.
Thứ nhất, không phải tất cả các quốc gia trong NATO đều muốn đối đầu với Trung Quốc. Một số thành viên NATO, đặc biệt là những nước ở gần Nga nhất, đã lo lắng rằng việc chuyển trọng tâm sang Trung Quốc sẽ khiến họ “phơi lưng” trước Matxcơva, theo New York Times.
Thứ hai, không ít nước thành viên NATO là thành viên Liên minh châu Âu (EU), và sự chồng chéo này dẫn tới sự miễn cưỡng trong cách tiếp cận với Bắc Kinh.
Với tư cách là thành viên NATO, các nước này miễn cưỡng theo nước lớn và xem an ninh là ưu tiên hàng đầu. Nhưng với tư cách là thành viên EU, các nước này lại chú trọng quan hệ thương mại với Trung Quốc.
Ngay cả Anh, một đồng minh thân cận với Mỹ, cũng không muốn có một cuộc chiến tranh lạnh mới với Trung Quốc. Khi được hỏi về vấn đề này trong hội nghị NATO, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã thừa nhận rằng sự trỗi dậy của Bắc Kinh là “một thực tế to lớn”.
Các học giả đã nhiều lần cảnh báo Washington về tính bền vững và hấp dẫn của một chiến lược đối phó Trung Quốc. Để thu hút các nước, cần ít nhất 2 trụ cột chính là an ninh và kinh tế.
Nhiều quốc gia có thể cảm thấy lo lắng khi nghe Mỹ và phương Tây cảnh báo về những “cạm bẫy của Trung Quốc”. Tuy nhiên, họ cũng cần giải quyết các nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng, thương mại và tạo ra việc làm trong nước.
Hôm 13-6, các nhà lãnh đạo G7 đã công bố một sáng kiến mới về cơ sở hạ tầng nhằm cạnh tranh với sáng kiến “Vành đai – Con đường” của Trung Quốc. Khi thống nhất về ý chí chính trị, vấn đề còn lại chỉ là cụ thể hóa những ý tưởng đã được nêu ra.
Trung Quốc cam kết “phát triển hòa bình”
Phái bộ Trung Quốc tại EU đã phản ứng mạnh trước thông cáo chung của NATO, gọi những gì được nêu ra là “một sự vu khống” và cho rằng các nhà lãnh đạo phương Tây đang mang tâm lý chiến tranh lạnh.
Thông cáo của phía Trung Quốc tuyên bố nước này sẽ “phát triển hòa bình”, nhưng sẽ đồng thời không làm ngơ trước các hành động đe dọa lợi ích của Bắc Kinh.
“Chúng tôi sẽ không đặt ra ‘thách thức hệ thống’ cho bất kỳ ai, nhưng nếu bất kỳ ai muốn đặt ra ‘thách thức hệ thống’ cho chúng tôi, chúng tôi sẽ không làm ngơ”.