26/12/2024

Mỹ, EU trong vòng xoáy đất hiếm

Mỹ, EU trong vòng xoáy đất hiếm

Mỹ và Liên minh Châu Âu đang chuẩn bị cho kịch bản có thể bị gián đoạn nguồn cung đất hiếm để sản xuất các dòng sản phẩm công nghệ cao, trong bối cảnh căng thẳng chính trị luôn chực chờ.
Khai thác đất hiếm ở Mountain Pass (Mỹ) năm 2020 /// REUTERS
Khai thác đất hiếm ở Mountain Pass (Mỹ) năm 2020 REUTERS
Điều gì sẽ xảy ra nếu các quốc gia cung cấp đất hiếm chủ chốt đơn phương cắt đứt nguồn cung cho Mỹ và châu Âu, làm gián đoạn dây chuyền sản xuất nhiều ngành công nghiệp then chốt của nền kinh tế? Trong giai đoạn căng thẳng thường xuyên xảy ra, Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) đang tích cực đầu tư vào thị trường 17 nguyên liệu và khoáng chất thuộc nhóm đất hiếm để tránh phụ thuộc, theo AFP.

Quan trọng như đất hiếm

Đất hiếm là nhóm vật liệu đóng vai trò quan trọng trong khâu sản xuất nam châm dùng cho các ngành công nghiệp như ô tô điện, tua bin quạt gió và thiết bị bay không người lái. Chúng cũng hiện diện trong các sản phẩm tiêu dùng hằng ngày như điện thoại thông minh, màn hình máy tính. Đất hiếm từ lâu cũng xác lập vai trò khó thay thế trong những ngành truyền thống hơn, chẳng hạn cerium để đánh bóng kính thủy tinh và lanthanum làm chất xúc tác cho ô tô hoặc chế tạo ống kính quang học. Có thể khẳng định đây là nhóm nguyên liệu then chốt trong dây chuyền sản xuất sản phẩm công nghệ cao của thế giới.
Năm 2019, khoảng 80% số nguồn cung đất hiếm của Mỹ đến từ Trung Quốc, theo số liệu của Cục Khảo sát địa chất Mỹ (USGS). Về phần mình, Ủy ban Châu Âu xác nhận Trung Quốc đáp ứng đến 98% nhu cầu đất hiếm của EU năm ngoái. Trước đó, Trung Quốc chiếm gần 90% hoạt động sản xuất đất hiếm và 87% sản lượng nam châm từ đất hiếm trên toàn cầu trong năm 2018. Trong bối cảnh các nền kinh tế phương Tây đang chuyển tiếp đầu tư sang năng lượng xanh, đất hiếm càng trở nên quan trọng và việc buộc phải dựa vào nguồn cung từ Trung Quốc trở thành thách thức lớn với Mỹ lẫn châu Âu.
Tuần trước, Thượng viện Mỹ thông qua dự thảo đạo luật Cạnh tranh và Đổi mới, theo Đài CNN. Thông qua dự luật này, giới thượng nghị sĩ lưỡng đảng Mỹ kêu gọi đầu tư hơn 200 tỉ USD (4,59 triệu tỉ đồng) cho công nghệ, khoa học và nghiên cứu trong nước bao gồm thoát tình trạng phụ thuộc đất hiếm. Chính quyền Washington cũng đẩy mạnh quá trình sản xuất đất hiếm và pin lithium, trong khi bắt tay với các đồng minh và đối tác trên toàn cầu để đảm bảo chuỗi cung ứng và giảm sự phụ thuộc vào các đối tượng cạnh tranh địa chính trị, Reuters dẫn cam kết của Phó giám đốc Sameera Fazili của Hội đồng Kinh tế quốc gia Mỹ hôm 8.6.

Lối thoát cho Mỹ, EU

Hiện Mỹ đặt kỳ vọng vào khu mỏ Mountain Pass ở bang California. Thuộc sở hữu của Tập đoàn MP Materials, đây là cơ sở khai thác và chế biến đất hiếm duy nhất đang hoạt động trên đất Mỹ. Mountain Pass từng được Công ty Molycorp khai thác từ năm 1952 tới năm 2015, thời điểm công ty này nộp đơn xin phá sản. Đến năm 2017, MP Materials mua lại rồi mở lại khu mỏ với mục tiêu biến nó thành biểu tượng của sự hồi sinh các ngành công nghiệp Mỹ, theo trang Quartz.
Tập đoàn Mỹ lên kế hoạch tách rời các khoáng chất đất hiếm bằng quy trình hóa học, và đến năm 2025 sẽ sản xuất nam châm dùng trong công nghiệp. Chính phủ Mỹ tuyên bố ủng hộ dự án này, thông qua các khoản đầu tư ngân sách từ kênh của Bộ Năng lượng. Trong một dấu hiệu cho thấy sự khởi sắc, Mountain Pass cung cấp 15,8% sản lượng đất hiếm trên thế giới trong năm 2020, theo số liệu của USGS.
Trong khi đó, con đường của EU lại cam go hơn, theo nhận xét của chuyên gia David Merriman thuộc Công ty tư vấn Roskill (trụ sở tại London, Anh). “EU dự kiến tiếp tục dựa vào nguồn cung vật liệu thô hoặc bán thô, và trở thành khu vực xử lý hoặc tái chế”, AFP dẫn lời ông Merriman. Dù muốn hay không, Trung Quốc vẫn sẽ thống trị thị trường cung cấp đất hiếm cho EU. Thế nhưng nếu các thành viên của khối đẩy mạnh nỗ lực tái chế, chuyên gia Anh cho rằng EU có thể tự cung cấp 20 – 30% số nam châm cần thiết để sản xuất sản phẩm công nghệ cao trong năm 2030 thay vì con số 0 như hiện nay.
Sức ép từ năng lượng xanh
“Sự tăng trưởng dự kiến theo cấp số nhân của nhóm đất hiếm cần thiết cho năng lượng xanh đang gia tăng áp lực đối với Mỹ và EU, buộc họ phải tìm ra những vấn đề cần thay đổi và từ đó lên kế hoạch cho những bước tiến khả thi trong thời gian tới”, Hãng tin AFP hôm qua dẫn lời chuyên gia Jane Nakano của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, trụ sở tại Washington D.C, Mỹ).
THUỴ MIÊN
TNO