Những hạn chế do dịch Covid-19 gây ra đã ảnh hưởng đến hoạt động hiến máu. Hệ quả là khiến lượng máu hiến ở nhiều quốc gia giảm đáng kể, theo trang Healthy Living.
Tại Mỹ, Hiệp hội Ngân hàng Máu (AABB), Trung tâm Máu Mỹ và Hội Chữ thập đỏ Mỹ đã ra tuyên bố chung cảnh báo lượng máu hiến trên cả nước đang sụt giảm.
Một câu hỏi đặt ra là liệu sau khi tiêm vắc xin Covid-19 thì có thể hiến máu không. Theo Hội Chữ thập đỏ Mỹ, người đã tiêm vắc xin Covid-19 hoàn toàn có thể
hiến máu. Thậm chí, chúng ta có thể hiến máu ngay sau khi tiêm vắc xin, miễn là cơ thể cảm thấy ổn.
Hội Chữ thập đỏ Mỹ thông báo người dân Mỹ có thể hiến máu bất kỳ lúc nào sau khi họ đã được tiêm vắc xin Covid-19 của các hãng AstraZeneca, Johnson & Johnson, Moderna, Novavax và Pfizer. Điều kiện là họ phải thông báo là mình đã tiêm loại vắc xin nào trước khi hiến máu.
Thông thường, những người được tiêm vắc xin sống giảm độc lực, tức vắc xin được làm từ virus gây bệnh nhưng đã làm cho yếu đi, phải đợi ít nhất 2 tuần sau khi tiêm mới được hiến máu. Những loại vắc xin giảm độc lực điển hình là vắc xin sốt vàng da, sởi hay
thủy đậu, theo trang
Healthy Living.
Người đã tiêm vắc xin Covid-19 chỉ nên hiến máu khi cơ thể cảm thấy khỏe và không bị ảnh hưởng của tác dụng phụ ẢNH: SHUTTERSTOCK
|
Tuy nhiên, các loại vắc xin Covid-19 mà Mỹ đã cấp phép của các hãng AstraZeneca, Johnson & Johnson, Moderna, Novavax và Pfizer lại không có loại nào là vắc xin sống giảm độc lực.
Do đó, những người đã tiêm các loại vắc xin này hoàn toàn có thể đi hiến máu. Tuy nhiên, nếu người tiêm vắc xin xuất hiện các tác dụng phụ sau khi tiêm thì họ không nên hiến máu ngay lúc đó, ông Amesh Adalja, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins (Mỹ), giải thích.
Hiện tại, các nhà khoa học vẫn chưa biết rõ là liệu người tiêm vắc xin Covid-19 và sản sinh kháng thể có thể truyền kháng thể đó cho người khác qua việc hiến máu hay không. Một giả thuyết đặt ra cho câu hỏi này là có.
Tuy nhiên, lượng máu hiến sẽ hòa chung vào cơ thể người nhận. Kháng thể có thể sẽ loãng đi và không giúp miễn dịch tốt như khi tiêm vắc xin, theo trang Healthy Living.
NGỌC QUÝ
TNO