23/01/2025

Kỳ vọng vào vắc xin COVID-19 của Nga

Kỳ vọng vào vắc xin COVID-19 của Nga

Với việc sở hữu trong tay ‘bảo bối’ vắc xin COVID-19 tự phát triển, giờ đây nước Nga có thể yên tâm hơn khi tình hình dịch bệnh của nước này có thể chuyển sang giai đoạn ‘bước ngoặt’.

Kỳ vọng vào vắc xin COVID-19 của Nga - Ảnh 1.

Một bà mẹ và con trai ngồi trên bãi cỏ cạnh tượng nhà vật lý, viện sĩ Nga Andrei Sakharov (người được trao Giải Nobel hòa bình năm 1975) trong công viên ở Matxcơva, hôm 2-6 – Ảnh: AFP

Nga nằm trong số những nước bị ảnh hưởng nặng nhất vì đại dịch COVID-19 và đang đứng thứ 6 thế giới về tổng số ca bệnh với hơn 5 triệu ca. Ngày 3-6, nước này ghi nhận thêm 8.933 ca nhiễm và 393 ca tử vong vì COVID-19.

Dù dịch vẫn còn căng, song vắc xin đã mang lại niềm tin và hy vọng cho cuộc chiến chống COVID-19 ở xứ sở bạch dương.

Không có làn sóng thứ ba

Đến nay hầu như tất cả các biện pháp hạn chế chống dịch đã được nới lỏng tại những trung tâm đô thị chính của Nga như Matxcơva và St. Petersburg, theo Đài RT.

Kết quả thăm dò mới nhất của Trung tâm Levada (Nga) công bố hôm 2-6 cho thấy khoảng 55% trong số 1.620 người được hỏi trên toàn nước Nga cho biết họ không sợ mắc COVID-19, khoảng 42% lo sợ nguy cơ này.

Phát biểu bên lề Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg (SPIEF-2021) đang diễn ra từ ngày 2 tới 5-6, Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko nhận định sẽ không có đợt bùng dịch COVID-19 thứ ba ở Nga.

“Sẽ không có làn sóng dịch thứ ba và mọi thứ đang yên tĩnh. Tỉ lệ mắc bệnh ở Nga nhìn chung đang giảm và các khu vực đang bước ra khỏi đại dịch theo những cách khác nhau” – ông Mikhail Murashko nói.

Cũng tại diễn đàn này hôm 2-6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nga – ông Oleg Gridnev – đánh giá tình hình COVID-19 tại Nga đang ở giai đoạn “bước ngoặt”. Điều này không chỉ nhờ vào năng lực chữa trị COVID-19 mà còn nhờ cơ hội ngăn ngừa dịch bệnh.

“Tiêm vắc xin hiện là biện pháp ngăn ngừa chính”, ông Oleg Gridnev nói.

Hôm 2-6, Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục thúc giục người dân Nga đi tiêm vắc xin COVID-19.

“Như các bạn biết, tôi đã được tiêm và tôi kêu gọi tất cả người dân cũng làm như vậy” – ông Putin nói, nhấn mạnh tiêm vắc xin COVID-19 là “một điều cực kỳ quan trọng”.

Theo Hãng tin Tass, chương trình tiêm chủng trên diện rộng với dân số trưởng thành trên 18 tuổi đã được khởi động tại các khu vực của Nga từ ngày 18-1 năm nay.

Giống như một số nước, đến nay Nga vẫn không bắt buộc người dân tiêm vắc xin COVID-19 mà chỉ kêu gọi, khích lệ. Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Matviyenko hôm 2-6 cũng nói việc bắt buộc tiêm vắc xin COVID-19 là “vi phạm trắng trợn luật pháp” ở Nga.

Niềm tự hào Sputnik V

Đến nay có 4 loại vắc xin COVID-19 đã được phê duyệt sử dụng tại Nga. Trong đó, nổi tiếng nhất là vắc xin Sputnik V do Trung tâm Nghiên cứu quốc gia Gamaleya phát triển.

“Tất cả những vắc xin này đều đạt hiệu quả rất cao” – Thứ trưởng Bộ Y tế Nga Oleg Gridnev cho biết.

Theo Hãng tin Bloomberg, với vắc xin Sputnik V, Nga đã đạt được bước đột phá khoa học lớn nhất kể từ thời Liên Xô.

Vắc xin này được đặt theo tên vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới được Liên Xô phóng lên quỹ đạo vào năm 1957.

“Những gì từng là thắng lợi của Liên Xô trong vũ trụ giờ đây là (tên của) vắc xin COVID-19 và là niềm tự hào của người Nga” – nhật báo The Times (Anh) bình luận.

Dù vắc xin Sputnik V chưa được Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) phê duyệt nhưng Hungary đã là nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đầu tiên sử dụng vắc xin này. Hôm 26-5, Slovakia là quốc gia EU thứ hai phê duyệt Sputnik V.

Theo Bloomberg, nhiều nước đã “xếp hàng” để được cung cấp vắc xin Sputnik V sau khi kết quả thử nghiệm giai đoạn cuối vắc xin này được công bố trên tạp chí y khoa uy tín The Lancet hồi tháng 2 cho thấy đạt hiệu quả phòng bệnh 91,6%.

Ngày 3-6, đại sứ Syria tại Nga Riad Haddad cho biết Tổng thống Bashar al-Assad của Syria đã được tiêm vắc xin Sputnik V.

Phát biểu tại diễn đàn SPIEF-2021, Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết đến nay vắc xin Sputnik V của Nga đã đạt hiệu quả lên tới hơn 96%. Bộ Y tế Nga hy vọng EMA và Tổ chức Y tế thế giới sẽ phê duyệt vắc xin Sputnik V trong thời gian tới.

Tổng thống Putin cho biết Nga đặt mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng vào khoảng mùa thu năm nay, khi dự kiến đã tiêm vắc xin cho 70% dân số. Tuy nhiên, theo báo Moscow Times, với tốc độ tiêm chủng hiện nay, mục tiêu này có thể phải sang năm 2022 hoặc đầu năm 2023 mới đạt được.

Tính tới hôm 1-6, Nga đã phân phối ít nhất 29,3 triệu liều vắc xin COVID-19. Vì mỗi người cần 2 liều nên số vắc xin này ước tính đủ tiêm cho khoảng 10,2% trong tổng số 144 triệu dân Nga, theo Hãng tin Reuters.

66

Đến nay vắc xin Sputnik V của Nga đã được phê duyệt dùng khẩn cấp ở 66 quốc gia, trong đó có nhiều nước tại châu Á và khu vực Mỹ Latin, với tổng dân số hơn 3,2 tỉ người.

Vấn đề “tích trữ” và chuyển giao công nghệ

Trong cuộc họp trực tuyến của các ngoại trưởng trong khối Nhóm năm nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đầu tuần này, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã cáo buộc một số nước phát triển đang “tích trữ” vắc xin COVID-19. Ông Vương ca ngợi các nước trong khối BRICS đã làm điều ngược lại: cung cấp vắc xin cho các nước khác.

Ông hy vọng các nước trong khối BRICS sẽ tiếp tục tuân thủ nguyên tắc phân phối vắc xin công bằng và hợp lý. “Chúng tôi ủng hộ các nhà sản xuất vắc xin chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển khác để cùng sản xuất vắc xin” – ông Vương nói.

BẢO ANH
TTO