18/11/2024

Hội đàm với Việt Nam, Nhật nêu lo ngại về luật hải cảnh Trung Quốc

Hội đàm với Việt Nam, Nhật nêu lo ngại về luật hải cảnh Trung Quốc

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo trong cuộc đối thoại đầu tiên với người đồng cấp Việt Nam Phan Văn Giang, đã bày tỏ quan ngại về luật hải cảnh mà Trung Quốc áp dụng từ đầu năm nay.

 

Hội đàm với Việt Nam, Nhật nêu lo ngại về luật hải cảnh Trung Quốc - Ảnh 1.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo trong cuộc hội đàm ngày 3-6 – Ảnh: Bộ Quốc phòng Nhật Bản

Đài NHK dẫn tuyên bố từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết ông Kishi Nobuo có cuộc hội đàm trực tuyến với Bộ trưởng Phan Văn Giang ngày 3-6.

Tại cuộc hội đàm, ông Kishi nói cần phải tăng cường sự phản đối của cộng đồng quốc tế đối với “bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm cưỡng ép thay đổi hiện trạng”, bày tỏ “lo ngại sâu sắc” về luật hải cảnh của Trung Quốc.

Luật hải cảnh được Trung Quốc ban hành ngày 22-1 và có hiệu lực từ 1-2 năm nay.

Luật này cho phép hải cảnh Trung Quốc áp dụng “tất cả biện pháp cần thiết, gồm sử dụng vũ khí” khi cái mà Bắc Kinh gọi là “chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và quyền tài phán Trung Quốc” bị xâm phạm.

Luật mới còn cho phép hải cảnh Trung Quốc phá hủy các công trình mà nước ngoài xây dựng ở vùng biển hoặc trên các đảo Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền.

Hội đàm với Việt Nam, Nhật nêu lo ngại về luật hải cảnh Trung Quốc - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang hội đàm với người đồng cấp Nhật Bản ngày 3-6 – Ảnh: Bộ Quốc phòng Nhật Bản

Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng cho biết bộ trưởng hai nước tái khẳng định “tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không” trong việc thảo luận các vấn đề an ninh khu vực, bao gồm các vấn đề liên quan biển Hoa Đông và Biển Đông.

Hai bên nhất trí về việc cần phải “tuân thủ luật pháp quốc tế”, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS), và sẽ “duy trì sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quốc phòng của hai nước”.

Theo báo Quân Đội Nhân Dân, tại hội đàm, hai bộ trưởng trao đổi về tình hình khu vực, quốc tế; thông báo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 của mỗi nước.

Ngay sau khi dịch COVID-19 được khống chế, hai bên sẽ triển khai các nội dung hợp tác quốc phòng song phương và đa phương, trong đó bao gồm duy trì hiệu quả các cơ chế đối thoại, tham vấn, tổ chức giao lưu các lực lượng, triển khai các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực.

TRẦN PHƯƠNG
TTO