Đăng ký ‘siêu doanh nghiệp’ có phạm pháp?
Quy định phải đăng ký vốn điều lệ khiến những cá nhân muốn gây sự chú ý, muốn PR chỉ việc đăng ký thành lập doanh nghiệp với số vốn khủng. Nếu không góp đủ, cũng chỉ phạt từ 10 – 20 triệu đồng…
Chủ “siêu doanh nghiệp” khẳng định không có vốn ảo
Ngày 2.6, trao đổi vớiThanh Niên, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh, Tổng giám đốc – người đại diện pháp luật cho Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư công nghệ tự động Toàn Cầu (Auto Investment Group, tại TP.HCM), khẳng định sẽ gom đủ vốn điều lệ đã đăng ký thể hiện trên giấy đăng ký kinh doanh, mặc dù cho đến lúc này bản thân ông không có đồng nào. Trước hàng loạt nghi ngại của dư luận làm thế nào để huy động số tiền tương đương gần 22 tỉ USD chỉ trong thời gian ngắn, ông Quốc Anh vẫn quả quyết: “Đến giữa tháng 6 tới tôi sẽ trình làng dự án, lúc đó thông tin về chủ đầu tư, người thật, việc thật sẽ rõ ràng và không hề ảo. Hiện tại, tôi không hề bị áp lực vì số vốn 500.000 tỉ đồng mình đưa ra ban đầu là quá nhỏ so với giá trị dự án tôi mang lại”.
Theo giấy phép đăng ký kinh doanh, vốn điều lệ của Auto Investment Group đăng ký là 500.000 tỉ đồng. Đây không phải là lần đầu tiên có đơn vị đăng ký vốn “khủng”. Trước đó, đầu năm 2020, dư luận từng xôn xao trước thông tin Sở KH-ĐT Hà Nội cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (DN) cho một DN có vốn điều lệ là 144.000 tỉ đồng (tương đương khoảng 6,5 tỉ USD) trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng. Tại thời điểm đó, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh đã gọi điện trực tiếp để hỏi xem DN có ghi nhầm không, song phía DN khẳng định và cam kết sẽ góp đủ số vốn điều lệ này trong vòng 90 ngày theo đúng quy định. Tuy nhiên, chưa tới 1 tháng sau đó, một trong 3 cổ đông đứng tên thành lập bảo bị nhầm, công ty này được thành lập từ căn cước công dân giả và cơ quan quản lý đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Khẳng định công ty 22 tỉ USD của mình không có sự nhầm lẫn, ông Quốc Anh nói: “Điểm yếu của người Việt mình là quá chú trọng con số mà không xem xét thực tế tập đoàn của tôi có tồn tại hay không. Nó có thực và định hướng toàn cầu là chuyển đổi số cho DN và dùng công cụ số để marketing sản phẩm giúp DN tăng lợi nhuận lên. Hiện tại, chúng tôi mới mở 4 công ty liên quan chuyển đổi số, 1 công ty chuyên nhập khẩu và bán lẻ những mặt hàng cao cấp từ Mỹ. Kế hoạch trong năm nay sẽ mở thêm 12 công ty nữa, tổng cộng là 17 công ty, mỗi công ty có một chức năng, ngành nghề riêng, song quan trọng là bổ trợ cho nhau. Nó là một platform (kinh doanh dựa trên việc kích hoạt tương tác tạo nên giá trị giữa các nhà sản xuất bên ngoài với người tiêu dùng – NV) hỗ trợ nhau giúp tập đoàn lớn mạnh. Đưa con số 500.000 tỉ đồng là có sự tính toán dựa trên chiến lược sẽ làm việc với các ngân hàng, quỹ đầu tư, nhà đầu tư trong và ngoài nước…”.
|
Nên bỏ quy định “vốn điều lệ”
Tuy nhiên, vấn đề là sau khi có ý kiến Bộ KH-ĐT yêu cầu theo dõi tiến độ góp vốn của “siêu DN” nói trên, Sở KH-ĐT TP.HCM đã gửi báo cáo nhờ cơ quan công an “để mắt” giúp. Động thái này, theo các luật sư là vô tình “hình sự hóa” một hành vi dân sự và được pháp luật cho phép, không cấm.
Ông Nguyễn Vũ Quốc Anh, Tổng giám đốc – người đại diện pháp luật cho Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư công nghệ tự động Toàn Cầu, cũng cho biết ý tưởng thành lập “siêu doanh nghiệp này do ông nghĩ ra cách đây… 3 tháng
Luật sư (LS) Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Hãng luật IAM nói ngay: “Theo luật DN, các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN. Sau 90 ngày, nếu DN không góp đủ vốn và không đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, chiếu theo điều 28 Nghị định 50, sẽ bị phạt từ 10 – 20 triệu đồng. Cũng theo luật này, cá nhân/DN được phép tự kê khai, tự chịu trách nhiệm về tất cả nội dung khi đăng ký thành lập. Sở KH-ĐT các tỉnh thành không can thiệp. Việc góp vốn phải được thực hiện trong vòng 90 ngày kể từ ngày đăng ký, nếu cá nhân nào chưa góp đủ vốn thì không được chuyển nhượng. Việc “nhờ” công an tham gia trong vụ việc này là không nên, nếu không nói là không đúng luật”.
Đồng quan điểm, LS Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, bổ sung lỗi của hệ thống ở đây là bắt phải đăng ký vốn điều lệ, điều này không đúng bản chất của nhiều DN. “500.000 tỉ đồng hay triệu tỉ đồng cũng là bình thường, vì điều quan trọng của cơ quan quản lý là xem DN này tên tuổi ở đâu, trụ sở hoạt động thế nào… Trong thời gian đó, họ không đủ vốn, hoặc không chịu đăng ký giảm vốn, mức phạt cao nhất cũng chỉ 20 triệu đồng. Như vậy, hiện tại và cho đến sau 90 ngày DN đăng ký mà chưa đổ đủ tiền về thì chủ DN đó vẫn chưa có hành vi nào phạm luật để phải nhờ đến cơ quan công an”, ông Đức nói.
“Vấn đề của luật DN là nên bỏ hẳn quy định vốn điều lệ, người thành lập DN khỏi phải suy nghĩ vốn bao nhiêu mới hoạt động được. Rất nhiều LS và ban soạn thảo luật này cũng muốn bỏ quy định này lâu rồi theo cách làm của các nước… Quy định vốn điều lệ trong đăng ký thành lập DN cũng như quy định con dấu vậy. Muốn bỏ, lại bỏ không được, sửa đi sửa lại nhiều lần trong khi có nhiều ý kiến khoa học được ghi nhận là con dấu không cần thiết vì công nghệ làm con dấu giả quá tinh vi”, LS Trương Thanh Đức nêu quan điểm.
NGUYÊN NGA
TNO