22/01/2025

EU, Anh, Nhật, Singapore, Hàn… quan ngại vụ bỏ quyền sở hữu trí tuệ vắc xin COVID-19

EU, Anh, Nhật, Singapore, Hàn… quan ngại vụ bỏ quyền sở hữu trí tuệ vắc xin COVID-19

Một quan chức thương mại ở Geneva (Thụy Sĩ) tiết lộ một số quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp tục bày tỏ lo ngại về đề xuất từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm liên quan đến COVID-19, chẳng hạn như vắc xin.

 

EU, Anh, Nhật, Singapore, Hàn... quan ngại vụ bỏ quyền sở hữu trí tuệ vắc xin COVID-19 - Ảnh 1.

Các nước vẫn đang thảo luận về đề xuất từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin COVID-19 – Ảnh: REUTERS

Theo Hãng tin AFP, các nước đã thảo luận cụ thể về đề xuất này tại cuộc họp không chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về Hiệp định TRIPS ngày 31-5.

TRIPS là hiệp định quốc tế giữa thành viên WTO, đề cập đến các khía cạnh của quyền sở hữu trí tuệ.

Mỹ, Trung Quốc, Ukraine và New Zealand đã thúc đẩy lược bỏ một số điều khoản của TRIPS, liên quan đến công cụ phòng ngừa, ngăn chặn hay điều trị COVID-19.

Tuy nhiên, một số thành viên khác “tiếp tục bày tỏ lo ngại về thời điểm đàm phán và yêu cầu thêm thời gian” để xem xét đề xuất. Các thành viên này bao gồm Liên minh châu Âu, Úc, Brazil, Anh, Nhật Bản, Na Uy, Singapore, Hàn Quốc, Thụy Sĩ và Đài Loan.

Các thỏa thuận tại WTO đòi hỏi sự đồng thuận của tất cả 164 thành viên.

Ấn Độ và Nam Phi đã đưa ra ý tưởng ban đầu về việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin COVID-19 vào tháng 10-2020. Hai nước này đã đệ trình một bản đề xuất sửa đổi, hiện đang nhận được sự ủng hộ của 63 nước thành viên WTO.

Theo đó, bản sửa đổi đề xuất từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ không chỉ với vắc xin, mà còn cho các phương pháp điều trị, chẩn đoán, thiết bị y tế, thiết bị bảo vệ, cũng như vật liệu cần thiết để sản xuất chúng.

Đề xuất cũng nói rằng việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ sẽ kéo dài “ít nhất 3 năm” kể từ ngày có hiệu lực, sau đó WTO sẽ xem xét liệu có duy trì hay không.

Mỹ cho biết sẵn sàng đàm phán về bất kỳ đề xuất nào có thể giải quyết nhu cầu tức thời về tăng cường sản xuất và phân phối vắc xin trên toàn cầu.

EU cho rằng mục tiêu trước mắt là phải tăng cường sản xuất vắc xin, đồng thời dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu đối với nguyên liệu vắc xin.

Theo số liệu của Hãng tin AFP, đã có hơn 1,9 tỉ liều vắc xin COVID-19 đã được tiêm ở ít nhất 213 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Tuy nhiên, chỉ 0,3% trong 1,9 tỉ liều trên được tiêm ở 29 quốc gia có thu nhập thấp nhất, vốn là nơi sinh sống của 9% dân số thế giới.

Những quốc gia ủng hộ đề xuất cho rằng việc tạm thời từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ sẽ thúc đẩy sản xuất vắc xin ở các nước đang phát triển và giải quyết tình trạng bất bình đẳng trong phân phối vắc xin.

Quan điểm này từ lâu đã vấp phải sự phản đối từ các hãng dược lớn và các quốc gia sở tại của họ, cho rằng bằng sáng chế vắc xin không phải là rào cản chính để mở rộng quy mô sản xuất và cảnh báo động thái này có thể cản trở sự đổi mới.

Vào đầu tháng này, quan điểm dường như đã đổi chiều ở một số nước. Mỹ bắt đầu ủng hộ đề xuất, còn một số thành viên khác bày tỏ sự cởi mở khi thảo luận về từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản xuất vắc xin.

Hội đồng Hiệp định TRIPS sẽ có cuộc họp chính thức để thảo luận thêm vào ngày 8 và 9-6.

MINH KHÔI
TTO