22/01/2025

Chấn động nghi án Mỹ do thám đồng minh châu Âu

Chấn động nghi án Mỹ do thám đồng minh châu Âu

Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ bị tố bí mật theo dõi các quan chức cấp cao ở châu Âu từ năm 2012 – 2014 với sự hỗ trợ của giới tình báo Đan Mạch.
Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Hội nghị G7 ở Hà Lan năm 2014 /// Ảnh: Times
Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Hội nghị G7 ở Hà Lan năm 2014  ẢNH: TIMES
AFP hôm qua (31.5) dẫn lại thông tin từ Đài phát thanh Đan Mạch (DR) cho hay Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã nghe lén từ các dây cáp internet của Đan Mạch để theo dõi nhiều chính trị gia và quan chức cấp cao ở Đức, Na Uy, Thụy Điển và Pháp. Để làm việc này, NSA đã tận dụng sự hợp tác giám sát với đơn vị tình báo quân sự FE của Đan Mạch, vốn có nhiều trạm quan trọng dành cho các dây cáp internet dưới biển đến và từ Thụy Điển, Na Uy, Đức, Hà Lan và Anh, theo DR.

“Không thể chấp nhận”

DR tiết lộ thông tin trên theo sau cuộc điều tra do đài này dẫn đầu cùng với Đài SVT của Thụy Điển, NRK của Na Uy, NDR, WDR cùng tờ Suddeutsche Zeitung của Đức và tờ Le Monde của Pháp.
Theo đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel và ông Frank-Walter Steinmeier khi còn làm ngoại trưởng (hiện là tổng thống Đức), nằm trong số những quan chức cấp cao và chính trị gia châu Âu bị NSA do thám. NSA đã có thể tiếp cận các tin nhắn, cuộc gọi điện thoại và dịch vụ liên lạc khác. Hoạt động do thám của NSA được mô tả chi tiết trong một báo cáo nội bộ bí mật của FE và được trình cho giới lãnh đạo FE vào tháng 5.2015. DR cho hay thông tin đài này có được đến từ 9 nguồn khác nhau. FE chưa có bình luận về thông tin do DR tiết lộ.
Cũng theo DR, Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Trine Bramsen đã được thông tin về vụ NSA do thám vào tháng 8.2020 và nhấn mạnh rằng “việc nghe lén các đồng minh mang tính hệ thống là không thể chấp nhận”. Hiện không rõ Đan Mạch có ủy quyền cho Mỹ sử dụng hệ thống giám sát của mình để do thám các nước láng giềng hay không. NSA chưa có phản ứng, còn Văn phòng Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ thì từ chối bình luận. Khi được hỏi về thông tin từ DR, một phát ngôn viên chính phủ Đức cho hay nước này chỉ biết về cáo buộc mới khi được giới phóng viên đề cập và từ chối bình luận thêm.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Frank Bakke-Jensen cho hay bộ này “xem xét nghiêm túc cáo buộc đó”, còn Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Peter Hultqvist nói rằng đã “yêu cầu điều tra rốt ráo về những việc này”, theo Đài NRK và SVT. Tại Pháp, Bộ trưởng Phụ trách các vấn đề châu Âu Clement Beaune nói rằng thông tin từ DR cần được kiểm tra và nếu được xác nhận thì đó là vấn đề “nghiêm trọng”.
Chấn động nghi án Mỹ do thám đồng minh châu Âu - ảnh 1

Giám đốc Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) Paul Nakasone phát biểu tại Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ ngày 15.4  ẢNH: REUTERS

Không phải lần đầu ?

Nếu được xác nhận, việc Mỹ do thám các nước khác tiếp tục diễn ra trong lúc và sau sự kiện Edward Snowden năm 2013 gây chấn động thế giới.
Trong năm đó, nhân viên Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden tiết lộ hàng ngàn tài liệu tối mật từ NSA, cho thấy chính quyền Mỹ thực hiện nhiều chương trình giám sát toàn cầu, trong đó có việc nghe lén điện thoại của Thủ tướng Merkel. Gần đây nhất là vào tháng 11.2020, Đài DR loan tin Mỹ đã sử dụng các dây cáp của Đan Mạch để do thám các ngành công nghiệp quốc phòng của Đan Mạch và châu Âu trong giai đoạn từ năm 2012 – 2015, theo Reuters.
Trước đó, vào tháng 6.2015, trang WikiLeaks công bố một số báo cáo tình báo mật và tài liệu kỹ thuật cho thấy NSA đã ngầm theo dõi hoạt động của các tổng thống Pháp ít nhất từ năm 2006 đến tháng 5.2012. Phản ứng về thông tin bị do thám, tổng thống Pháp khi đó là ông Francois Hollande đã triệu tập cuộc họp khẩn cùng thủ tướng, các bộ trưởng và quan chức quốc phòng rồi ra tuyên bố: “Pháp sẽ không tha thứ cho bất kỳ hành động nào gây nguy hiểm đến an ninh quốc gia”.
Đến tháng 7.2015, WikiLeaks tiếp tục công bố tài liệu cho thấy chính phủ Mỹ do thám cả các quan chức và công ty của Nhật Bản, trong đó có cả ông Shinzo Abe (người từng giữ chức thủ tướng Nhật Bản trong giai đoạn từ tháng 9.2006 – 9.2007 và tháng 12.2012 – 9.2020), theo AP. Số tài liệu này bao gồm 5 văn bản dường như là báo cáo của NSA, cung cấp thông tin tình báo về các lập trường của Nhật liên quan thương mại quốc tế và tình trạng biến đổi khí hậu. Thời gian các báo cáo đưa ra được xác định là từ năm 2007 – 2009. Sau khi tài liệu được công bố, thư ký báo chí của Bộ Ngoại giao Nhật Yasuhisa Kawamura lúc đó cho biết, Nhật và Mỹ có liên lạc với nhau về vấn đề “thu thập thông tin” của NSA, nhưng từ chối tiết lộ chi tiết.
VĂN KHOA
TNO