Kháng thể sau đợt nhiễm Covid-19 nhẹ có thể bảo vệ con người bao lâu?

Kháng thể sau đợt nhiễm Covid-19 nhẹ có thể bảo vệ con người bao lâu?

Nghiên cứu mới cho thấy kháng thể có được sau đợt nhiễm Covid-19 nhẹ có thể tiếp tục bảo vệ con người một thời gian dài sau đó, đồng thời những trường hợp tái nhiễm ở nhóm này là không phổ biến.
Khả năng miễn dịch tự nhiên sau khi nhiễm Covid-19 vẫn còn nhiều tranh cãi /// REUTERS
Khả năng miễn dịch tự nhiên sau khi nhiễm Covid-19 vẫn còn nhiều tranh cãi REUTERS
Cụ thể, nghiên cứu do nhóm học giả từ Trường Y Đại học Washington (Mỹ) thực hiện được đăng tải hôm 24.5 trên tạp chí Nature khẳng định nhiều tháng sau khi bệnh nhân mắc Covid-19 nhẹ phục hồi, các tế bào miễn dịch trong cơ thể họ vẫn tạo ra kháng thể chống lại SARS-CoV-2 (vi rút gây ra đại dịch Covid-19). Hơn nữa, những tế bào này cũng có thể tồn tại suốt đời, tạo ra kháng thể liên tục.
“Mùa thu năm ngoái, có nghiên cứu cho rằng các kháng thể của người mắc Covid-19 có thể suy yếu nhanh chóng sau khi hồi phục và một số phương tiện truyền thông quốc tế đã đưa tin điều đó có nghĩa là khả năng miễn dịch của người từng mắc Covid-19 là không tồn tại lâu. Tuy nhiên, đó là sự diễn tả sai lệch”, phó giáo sư-tiến sĩ Ali Ellebedy, chuyên gia miễn dịch học và vi sinh học phân tử thuộc Trường Y Đại học Washington, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.
“Mức độ kháng thể giảm xuống sau đợt nhiễm trùng cấp là điều bình thường, nhưng chúng không giảm xuống 0. Nghiên cứu của chúng tôi đã tìm thấy các tế bào sản xuất kháng thể ở những người đã phục hồi được 11 tháng sau khi mắc Covid-19. Những tế bào này sẽ tiếp tục tồn tại và tạo ra kháng thể trong suốt quãng đời còn lại của người đó. Đây là bằng chứng mạnh mẽ cho khả năng miễn dịch lâu dài”, chuyên gia Ellebedy cho biết.
Giải thích về hiện tượng mức độ kháng thể suy giảm khi một người hồi phục sau đợt nhiễm Covid-19 được một thời gian, chuyên gia Ellebedy nói rõ trong quá trình nhiễm vi rút, tế bào miễn dịch sẽ liên tục sản xuất kháng thể để chống lại mầm bệnh, khiến mức độ kháng thể đo được lúc này sẽ tăng vọt. Tuy nhiên, khi tình trạng nhiễm trùng được giải quyết, hầu hết các tế bào này sẽ chết đi và lượng kháng thể trong máu từ từ giảm xuống.
Nhóm tế bào sản xuất kháng thể còn lại thì di chuyển đến tủy xương và lưu trú lại đó. Tại đây, chúng vẫn liên tục tiết ra một lượng kháng thể thấp vào máu để giúp cơ thể sẵn sàng cho cuộc chạm trán tiếp theo với vi rút.
Chuyên gia Ellebedy cũng cho hay những người mắc Covid-19 ở mức độ nhẹ sẽ đào thải vi rút khỏi cơ thể sau từ 2-3 tuần kể từ khi bị nhiễm. Do đó, sẽ không còn vi rút nào có thể thúc đẩy phản ứng miễn dịch hoạt động trong 7 hoặc 11 tháng sau khi nhiễm. “Những tế bào này không phân chia. Chúng yên lặng nằm trong tủy xương và tiết ra kháng thể”, ông Ellebedy nói.
Ngoài ra, nghiên cứu mới của Trường Y Đại học Washington cũng nhận định những người bị nhiễm Covid-19 không biểu hiện triệu chứng cũng có khả năng mang miễn dịch lâu dài. Tuy nhiên, vẫn chưa có bằng chứng khoa học cụ thể chứng minh được liệu hệ miễn dịch của người từng mắc Covid-19 thể nặng có thể bảo vệ họ khỏi nguy cơ tái nhiễm hay không.
TRÀ LINH
TNO