23/12/2024

Đổ vỡ đàm phán EU – Thuỵ Sĩ: Đôi bên đều khó xử

Đổ vỡ đàm phán EU – Thuỵ Sĩ: Đôi bên đều khó xử

Sau 7 năm đàm phán về hiệp định thương mại toàn diện với EU, Thuỵ Sĩ bất ngờ quyết định chấm dứt tiến trình đàm phán này.
Cả EU và Thụy Sĩ đều bị khó xử khi đàm phán bị chấm dứt. /// Reuters
Cả EU và Thụy Sĩ đều bị khó xử khi đàm phán bị chấm dứt.  REUTERS
Như thế đồng nghĩa với việc giữa hai bên không thể có được thỏa thuận quan trọng trên trong thời gian tới và cũng chưa rõ việc đàm phán, ký kết hiệp định thương mại này có còn được hai bên tiếp tục theo đuổi nữa hay không.
Nếu được thỏa thuận và ký kết, hiệp định thương mại toàn diện này thay thế cho tất cả 7 thỏa thuận hợp tác đã được ký kết và thực hiện cho tới nay giữa EU và Thụy Sĩ. Nó mở đường cho Thụy Sĩ dẫu không phải là thành viên của EU mà vẫn có thể tham gia thị trường nội địa chung và liên minh thuế quan chung của EU, có lợi rất nhiều cho Thụy Sĩ về kinh tế và thương mại trong khi quan trọng và cần thiết về chính trị trước hết và hơn hết đối với EU.
Ba bất đồng quan điểm chính giữa hai bên khiến đàm phán không thành công là bất đồng quan điểm về quy định đối với trợ cấp tài chính của nhà nước cho giới kinh tế, cân bằng mức lương lao động ở EU và ở Thụy Sĩ cũng như lao động người nước ngoài tiếp cận các quỹ phúc lợi xã hội ở Thụy Sĩ.
Cả EU và Thụy Sĩ đều bị khó xử khi đàm phán bị chấm dứt. EU muốn liên kết chặt chẽ như có thể được với Thụy Sĩ và mục tiêu này trở nên cấp thiết, quan trọng đối với EU hơn trước rất nhiều từ sau khi nước Anh ra khỏi EU. EU còn muốn dùng khuôn khổ và mức độ quan hệ hợp tác với Thụy Sĩ làm mô hình mẫu cho khuôn khổ quan hệ hợp tác giữa EU với các đối tác khác không phải là thành viên EU ở châu Âu. Với hiệp định thương mại toàn diện này, Thụy Sĩ có thể tận lợi được tối đa từ tình trạng chân trong chân ngoài EU. Vì bất đồng quan điểm trong nội bộ mà cả hai bên không thể thỏa hiệp được với nhau. Trong nỗi khó xử với nhau xem ra còn có cả chút cay đắng, ngậm ngùi.
PHAM LỮ
TNO