18/11/2024

Hàng trăm triệu USD rót vào dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn ở Việt Nam

Hàng trăm triệu USD rót vào dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn ở Việt Nam

Các tổ chức tài chính quốc tế và ngân hàng tiếp tục thể hiện cam kết đầu tư một tương lai năng lượng sạch, khi thông qua nhiều khoản vay lớn dành cho các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn ở Việt Nam.

 

Hàng trăm triệu USD rót vào dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn ở Việt Nam - Ảnh 1.

Công trường thi công Nhà máy điện gió Lợi Hải 2 công suất 29 MW, tỉnh Ninh Thuận

Các dự án được phê duyệt trong mảng phát triển điện gió do tư nhân thực hiện, trong bối cảnh Việt Nam chuyển dịch sản xuất điện theo hướng phát thải lượng carbon thấp để đáp ứng nhu cầu điện năng ngày càng tăng.

 

Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), một khoản vay xanh trị giá 116 triệu USD được ký kết với Công ty cổ phần Điện gió Liên Lập, Công ty cổ phần Điện gió Phong Huy và Công ty cổ phần Điện gió Phong Nguyên hôm 27-5, để xây dựng và vận hành 3 trang trại điện gió công suất 48MW, tổng công suất 144MW, tại tỉnh Quảng Trị.

Dự án này sẽ làm tăng công suất điện gió của Việt Nam thêm 30%, giúp Việt Nam đáp ứng nhu cầu về năng lượng đang gia tăng nhanh chóng.

Khoản vay này là một phần của gói tài trợ cho khoản vay xanh của dự án trị giá 173 triệu USD do ADB thu xếp, và hợp vốn với vai trò là bên chủ trì sắp xếp khoản vay và người bảo lãnh chính.

Đây là khoản tài trợ đầu tiên của ADB cho một dự án điện gió ở Việt Nam, được chứng nhận bởi Sáng kiến trái phiếu khí hậu, đơn vị quản lý chương trình tiêu chuẩn và chứng nhận trái phiếu khí hậu quốc tế. Gói tài trợ gồm 35 triệu USD, do ADB cấp vốn trực tiếp và 81 triệu USD khoản vay hợp vốn loại B.

Trước đó, IFC, thành viên của nhóm ngân hàng thế giới, cũng đã công bố sẽ tài trợ 2 dự án điện gió tại miền Trung Việt Nam với gói tài trợ trị giá 57 triệu USD cho Công ty cổ phần Phong điện Thuận Bình (TBW), công ty con của Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE).

Gói tài trợ này dành cho việc xây dựng hai nhà máy điện gió trên bờ – Phú Lạc 2 ở tỉnh Bình Thuận và Lợi Hải 2 ở tỉnh Ninh Thuận – với tổng công suất 54,2 megawatt. Khi bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2021, 2 nhà máy sẽ sản xuất khoảng 170 triệu kWh năng lượng sạch mỗi năm.

Theo dự báo, Việt Nam sẽ cần tăng gấp đôi công suất lắp đặt vào năm 2030 để đáp ứng nhu cầu điện năng ngày càng tăng. Công suất năng lượng tái tạo, bao gồm năng lượng mặt trời mái nhà, dự kiến ​​tăng khoảng 19GW lên trên 36GW trong thập kỷ tới, với chi phí ước tính khoảng 20 tỉ USD, phần lớn ​​sẽ do khu vực tư nhân tài trợ.

N.BÌNH
TTO