23/01/2025

Mỹ – Hàn đồng minh, chưa đồng điệu

Mỹ – Hàn đồng minh, chưa đồng điệu

Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae In đã có những tuyên bố mạnh mẽ về vấn đề Triều Tiên nhưng lại yếu ớt về Trung Quốc. Tại sao vậy?

 

Mỹ - Hàn đồng minh, chưa đồng điệu - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae In trong cuộc họp báo chung ở Nhà Trắng hôm 21-5 – Ảnh: Reuters

“Nếu bạn định làm thứ gì đó với Triều Tiên, bạn phải có quan hệ tốt với Trung Quốc.

Giáo sư David Kang tại Đại học Nam California (Mỹ) cho rằng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In sẽ “rất cẩn thận” trong các phát ngôn về Trung Quốc.

Ngày 21-5 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đón tiếp người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae In tại Nhà Trắng. Ông Moon là lãnh đạo nước ngoài thứ hai – sau Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga – đến thăm Mỹ kể từ lúc ông Biden nhậm chức hồi tháng 1.

Bạn cũ và chuyện cũ

Sau cuộc gặp, Tổng thống Moon Jae In cho biết ông và ông Biden đã có “một cuộc đối thoại rất thẳng thắn giống như những người bạn cũ” và nhấn mạnh sự cần thiết của việc hợp tác về các vấn đề an ninh trong khu vực.

“Nhiệm vụ chung cấp bách nhất mà hai nước chúng tôi (Mỹ và Hàn Quốc) phải thực hiện là phi hạt nhân hóa hoàn toàn và đạt được hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên” – ông Moon nói.

Tháng trước, Nhà Trắng cho biết đã hoàn tất việc xem xét lại chính sách Triều Tiên, và Tổng thống Biden sẽ không đi theo hướng tiếp cận của hai người tiền nhiệm gần nhất.

Với ông Donald Trump là “cuộc mặc cả lớn” và các cuộc tiếp xúc cá nhân với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, còn với ông Barack Obama là cách tiếp cận “kiên nhẫn chiến lược”.

Tuy nhiên, chính quyền ông Biden vẫn chưa công bố chi tiết về “con đường thứ ba” của họ nhằm buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân.

Trong cuộc họp báo chung với ông Moon tại Nhà Trắng ngày 21-5, Tổng thống Biden thông báo bổ nhiệm ông Sung Kim – nhà ngoại giao chuyên về chính sách Triều Tiên – làm đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên. Theo Đài Fox News, điều này cho thấy ông Biden muốn có cách tiếp cận ngoại giao đối với mục tiêu kết thúc chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Đặc biệt, theo Hãng tin Reuters, ông Biden cho biết sẵn sàng gặp ông Kim Jong Un với các điều kiện phù hợp. Cụ thể như nếu ông Kim chịu thảo luận về chương trình hạt nhân Triều Tiên và các cố vấn của ông Biden gặp đại diện của phía Triều Tiên trước để chuẩn bị.

Thông tin của Reuters là tín hiệu cho thấy dường như ông Biden đã đổi ý. Vì hồi cuối tháng 3, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden không có ý định gặp ông Kim. Trước đây, cựu tổng thống Donald Trump từng ba lần gặp ông Kim tại Singapore, Việt Nam và khu phi quân sự liên Triều.

Căng thẳng Mỹ – Triều tăng lên những tháng gần đây sau khi Bình Nhưỡng chỉ trích các cuộc tập trận quân sự chung Mỹ – Hàn và đã phóng tên lửa để phản ứng.

Giờ đây, mục tiêu của chính quyền ông Biden vẫn là phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên – mục tiêu của nhiều đời tổng thống Mỹ. Chính ông Biden thừa nhận 4 chính quyền trước ông đã không đạt được và đây là “một mục tiêu rất khó”.

Mỹ muốn “mạnh mẽ”, Hàn e ngại

Hãng tin AFP đánh giá đối mặt với một Triều Tiên có vũ khí hạt nhân và một Trung Quốc ngày càng quyết đoán, Tổng thống Joe Biden đã nhấn mạnh sự tin tưởng của ông vào các đồng minh truyền thống của Mỹ.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki hôm 21-5 nhắc lại một thực tế những cuộc gặp song phương đầu tiên của ông Joe Biden trên cương vị tổng thống là với các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc.

Nhà lãnh đạo Mỹ đã gọi liên minh Mỹ – Hàn là “nhân tố cốt yếu của hòa bình, an ninh”. Tuy nhiên, mối quan hệ đồng minh truyền thống này khó hoàn hảo như họ mong đợi.

Trong cuộc gặp, ngoài vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, ông Biden và ông Moon còn thảo luận vấn đề tôn trọng luật quốc tế và “tự do hàng hải” ở Biển Đông, “hòa bình và ổn định” quanh đảo Đài Loan… Tuy nhiên, họ đã tránh đề cập trực tiếp Trung Quốc trong tuyên bố chung.

Theo Hãng tin Reuters, Washington muốn nghe được tuyên bố mạnh mẽ từ ông Moon về Bắc Kinh, nhưng rốt cuộc vấn đề này lại không được nêu ra trong cuộc gặp.

Nhà lãnh đạo Hàn Quốc lo ngại sẽ làm phật lòng Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc. Ông Moon cũng không nhắc đến “bộ tứ kim cương” Mỹ – Nhật – Ấn – Úc.

Giáo sư David Kang tại Đại học Nam California (Mỹ) cho rằng vẫn có những khác biệt trong các mục tiêu chính sách đối ngoại của Mỹ và Hàn Quốc. Với Mỹ, họ muốn kiềm chế Trung Quốc; nhưng với chính quyền ông Moon, mối đe dọa đáng quan tâm nhất là Triều Tiên.

Hàn Quốc “phòng bị nước đôi”

Chuyên gia Sue Mi Terry thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) đánh giá có nhiều lý do Hàn Quốc thực hiện chính sách “phòng bị nước đôi” giữa Mỹ và Trung Quốc. Seoul vừa muốn duy trì quan hệ tốt với Bắc Kinh vừa muốn có quan hệ đồng minh chặt chẽ với Washington.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, lớn hơn cả Mỹ và Nhật Bản cộng lại. Ngoài ra, Seoul vẫn chưa quên những biện pháp trả đũa trước đây của Bắc Kinh khi họ đồng ý cho Washington triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD, và thực tế Hàn Quốc vẫn cần vai trò của Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên.

BẢO ANH
TTO