23/12/2024

Đồng tiền gì mà bạo phát bạo tàn!

Đồng tiền gì mà bạo phát bạo tàn!

Sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ngày 18-5 khẳng định các loại tiền điện tử ‘không nên và không thể được sử dụng trên thị trường’, bởi không phải tiền thật, thị trường tiền điện tử và các cổ phiếu liên quan ngay lập tức rơi vào hỗn loạn.

 

Đồng tiền gì mà bạo phát bạo tàn! - Ảnh 1.

Hình ảnh quảng cáo tiền điện tử Bitcoin tại Hong Kong hôm 12-5 – Ảnh: AP

Theo báo Wall Street Journal (WSJ), tính từ đầu ngày 18-5 cho tới cuối ngày 19-5 (giờ Mỹ), tổng giá trị của thị trường tiền điện tử đã giảm ít nhất hơn 470 tỉ USD, còn khoảng 1,66 ngàn tỉ USD, dữ liệu do CoinMarketCap cung cấp.

 

“Bitcoin là một loại tài sản thất thường, và như chúng ta vẫn thường thấy trong các thị trường tài chính: bạo phát thì luôn kéo theo bạo tàn.

Ông Rick Eling (giám đốc đầu tư tại Hãng quản lý tài sản Quilter nói với báo WSJ)

Làn sóng bán tháo

Hiện đang có làn sóng bán tháo các đồng tiền điện tử. Báo Financial Times (FT) dẫn dữ liệu của nhà cung cấp dữ liệu giao dịch tiền điện tử Bybt.com cho biết chỉ trong vòng 24 giờ, hơn 8,6 tỉ USD giá trị các giao dịch đã được thanh toán xong.

Bitcoin – đồng tiền điện tử phổ biến nhất – mất giá tới 30%, lao xuống mức 30.101 USD/btc trước khi trầy trật lấy lại hơn 8% sau đó. Đây là mức sụt ghê gớm, bởi đồng tiền này từng vọt lên mức 64.829 USD/btc hôm 14-4.

Không chỉ Bitcoin, Ethereum – một trong những đồng tiền số nổi bật nhất tháng qua, có lúc mất đến 1/4 giá nhưng sau đó gượng lại mức mất hơn 20%. Đồng Dogecoin cũng giảm sốc 40%.

Không chỉ tiền điện tử, các loại chứng khoán Mỹ phụ thuộc loại tiền này thoạt tiên cũng lao dốc trong phiên giao dịch đầu ngày 19-5 dù sau đó đã hồi phục. Theo trang Barrons, cổ phiếu của Coinbase giảm 12%, xuống mức kỷ lục trước khi quay lại được mức giảm 7%. Cổ phiếu Hãng phần mềm MicroStrategy giảm 15%, sau đó còn giảm 8%; Square giảm 4%, Paypal giảm 1,5%…

Màu đỏ phủ khắp thị trường tiền điện tử xảy ra sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) thông báo các tổ chức tài chính Trung Quốc không được chấp nhận mọi hình thức thanh toán bằng tiền điện tử, cũng như không được phép cung cấp các dịch vụ và sản phẩm liên quan tiền điện tử.

Động thái của PBoC rõ ràng khiến nhà đầu tư lo ngại giới chức Trung Quốc sẽ sớm công bố những quy định mới siết chặt quản lý loại tài sản số này.

Trước thông báo của PBoC, không thể không nhắc tới một nhân tố tác động lớn khác là phát biểu tuần trước của tỉ phú Elon Musk khẳng định Công ty xe điện Tesla sẽ không chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin. Từng tuyên bố ủng hộ tiền điện tử mạnh mẽ và khẳng định Tesla sẽ chấp nhận Bitcoin, việc ông chủ Tesla “lật kèo” ngay lập tức đã thổi bay cả hàng chục tỉ USD giá trị Bitcoin.

Tuy nhiên, những người đang sở hữu Bitcoin lại thầm cảm ơn ông chủ Tesla vì nhờ một tweet ngày 19-5 của ông này, cho biết Tesla sẽ không bán số Bitcoin đang có của họ và giữ lại lâu dài, đã giúp chặn lại đà giảm giá đồng tiền này.

Dù vậy, diễn biến của thị trường cho thấy rủi ro quá lớn khi nắm giữ tiền điện tử trong tài khoản. Giá Bitcoin liên tục xoay đảo xuôi ngược trên biên độ rộng gần đây là minh chứng.

Đồng tiền gì mà bạo phát bạo tàn! - Ảnh 3.

Nguồn: Bloomberg – Đồ họa: T.ĐẠT

Vì sao Trung Quốc mạnh tay?

Cũng trong thông cáo ngày 18-5, PBoC cho rằng việc tăng giá thời gian qua của tiền điện tử là do “đầu cơ”.

Giới quan sát cho rằng động thái mới nhất của PBoC cho thấy Bắc Kinh muốn hạn chế sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức vào các loại tiền điện tử khác, trong lúc Trung Quốc đang chuẩn bị triển khai mạnh loại tiền điện tử của riêng nước này. Cho tới nay PBoC đã phát hành hơn 100 triệu nhân dân tệ ở dạng tiền tiện tử.

Với đồng nhân dân tệ điện tử, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có thể nắm được hồ sơ của mọi giao dịch tiền tệ theo thời gian thực. Đồng nhân dân tệ điện tử cũng sẽ tạo ra cơ chế thanh toán không tiền mặt thuận tiện, có thể cạnh tranh với các nền tảng thanh toán online từ các tập đoàn lớn trong nước như Ant Group và Tencent – những hãng công nghệ tài chính đang ngày càng lớn mạnh và có dấu hiệu lạm dụng vị thế độc quyền.

“Một phần vì họ cũng đã có đồng nhân dân tệ số của mình rồi. Ngoài ra, đang có tình trạng thiếu kiểm soát dòng tiền mặt ra nước ngoài. Một lý do nữa là chính quyền đang cố gắng đảm bảo người dân không bị lừa đảo” – chuyên gia Paul Haswell, đối tác của Hãng luật Pinsent Masons ở Hong Kong, lý giải về động thái cứng rắn của chính quyền Trung Quốc với các đồng tiền điện tử.

Báo Independent (Anh) nhận định rằng dù các quy định hạn chế của Trung Quốc với Bitcoin có từ năm 2013 nhưng sức ép với đồng tiền này tăng lên từ năm 2017 khi Trung Quốc đóng cửa các sàn giao dịch Bitcoin. Trung Quốc từng là trung tâm của các sàn giao dịch Bitcoin lớn nhất thế giới.

Ông Henri Arslanian – người phụ trách quy mô toàn cầu về tiền điện tử tại Hãng tư vấn PwC – cho rằng: “Tôi sẽ không ngạc nhiên khi thấy các cơ quan quản lý và các nhà hoạch định chính sách khác làm điều tương tự [PV – các hạn chế với tiền điện tử của Trung Quốc] trong những tuần tới, khi họ cảnh báo nhà đầu tư về các nguy cơ của giao dịch đầu cơ hay sự thất thường của thị trường tiền số”.

D.KIM THOA
TTO