Chăm sóc cho người bệnh hen suyễn tại nhà như thế nào?

Chương trình tư vấn:

Chăm sóc cho người bệnh hen suyễn tại nhà như thế nào?

Hen suyễn là bệnh mạn tính đòi hỏi phải điều trị lâu dài, người bệnh cần tuân thủ điều trị tại nhà theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Chăm sóc cho người bệnh hen suyễn tại nhà như thế nào?
Nếu không kiểm soát tốt, người bệnh dễ lên cơn hen cấp, khó thở nặng phải nhập viện cấp cứu. Trong trường hợp không được cấp cứu kịp thời, người bệnh có nguy cơ suy hô hấp, khó thở dẫn đến tử vong.
Trên thực tế đã có không ít người bệnh phải nhập viện cấp cứu vì không tuân thủ theo hướng dẫn của Bác sĩ trong quá trình tự điều trị tại nhà. Một trong những lý do thường gặp là người bệnh không tiếp cận được với những trung tâm chăm sóc và quản lý hen suyễn, tin dùng các loại thuốc gia truyền không rõ nguồn gốc để tự điều trị. Bên cạnh đó, nhiều người bệnh lạm dụng hoặc không biết cách sử dụng thuốc cắt cơn hen suyễn cấp.
Chăm sóc cho người bệnh hen suyễn tại nhà như thế nào? - ảnh 1

PGS TS BS. Lê Thị Tuyết Lan khám cho người bệnh hen suyễn

Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD TP.HCM) gần đây tiếp nhận người bệnh N.T.L (34 tuổi, ngụ tại TP.HCM) nhập viện trong tình trạng ho nhiều, khó thở và khò khè.
Tại phòng khám Hen – COPD, các bác sĩ cho biết, chị L. bị hen phế quản cấp. Cách đây 3 tháng, chị L. được chẩn đoán mắc hen suyễn. Hơn 3 tuần nay, chị L. thấy sức khỏe của mình ổn, tự ý ngưng thuốc theo đơn của bác sĩ.
Tuy nhiên chỉ vài ngày sau, chị L. thấy khó thở nặng, ho nhiều phải nhập viện cấp cứu. Ngay sau khi nhập viện, người bệnh được cho thở ô xy, phun khí dung thuốc giãn đường thở, tiêm thuốc corticoid.
Các bác sĩ cho biết, nguyên nhân khiến tình trạng của chị L. diễn tiến xấu hơn là do tự ý ngưng thuốc và khi triệu chứng trở nặng đã không biết cách sử dụng thuốc cắt cơn hen đúng lúc.

Làm thế nào để nhận biết bệnh hen suyễn?

Theo PGS TS BS. Lê Thị Tuyết Lan (Khoa Thăm dò chức năng hô hấp, BV ĐHYD TP.HCM), triệu chứng lâm sàng điển hình của hen suyễn là ho, khò khè, khó thở và nặng ngực. Tuy nhiên, cũng có nhiều người bệnh hen suyễn chỉ khó thở đơn thuần hoặc có người bệnh chỉ lên cơn suyễn khi giao mùa. Chính vì vậy, triệu chứng của bệnh suyễn rất đa dạng và rất khó để phát hiện nếu không có các xét nghiệm chuyên sâu.
Nguồn gốc sinh ra bệnh hen suyễn là mối tương tác giữa di truyền và môi trường sống. Nếu một đứa bé sinh ra có bố hoặc mẹ bị hen suyễn thì nguy cơ bị hen suyễn rất lớn.
Ngoài ra, người sống trong môi trường quá ô nhiễm, hít phải các chất độc hại, các hạt bụi mịn; môi trường có nhiều hóa chất, khói thuốc lá; dùng kháng sinh hoặc kháng viêm quá sớm trong những năm đầu đời thì cũng là những yếu tố nguy cơ gây ra bệnh hen suyễn.
Triệu chứng ho của bệnh hen suyễn rất dễ nhầm lẫn với bệnh lao. Do đó để chẩn đoán bệnh chính xác, người bệnh cần phải chụp lao phổi để loại trừ bệnh lý này. Điều quan trọng là người bệnh cần làm một phương pháp rất cơ bản là hô hấp ký (dành cho người bệnh từ 5 tuổi trở lên và phương pháp hô hấp xung ký cho người từ 2 tuổi trở lên) để được bác sĩ đánh giá, chẩn đoán kịp thời.

Vì sao người bệnh bị dẫn đến cơn hen suyễn cấp?

Đối với người bệnh hen suyễn, việc phòng tránh và ngăn ngừa lên cơn hen suyễn cấp là vấn đề cần được quan tâm hơn cả. Yếu tố dễ dẫn đến cơn suyễn cấp là do thay đổi thời tiết. Việc nuôi thú cưng như mèo, chó cũng là một nguy cơ cho người bệnh hen suyễn khi dễ hít phải lông của chúng. Bên cạnh đó, việc dùng nước hoa, nước xả vải hoặc các chất tạo ra mùi thơm cũng là tác nhân gây gia tăng số cơn hen suyễn cấp của người bệnh.
“Có hai nhóm nguy cơ vô cùng quan trọng đối với người bệnh hen suyễn là dị ứng với thức ăn và dị ứng với thuốc. Nếu gặp những thức ăn bị dị ứng thì người bệnh rất dễ bị lên cơn hen cấp, thậm chí bị sốc phản vệ. Người bệnh phải nắm rõ yếu tố nào là yếu tố nguy cơ gây ra cơn hen suyễn của mình để phòng tránh”, PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan chia sẻ.

Lưu ý khi chăm sóc người bệnh hen suyễn tại nhà

Hen suyễn là bệnh mạn tính cần phải điều trị lâu dài, do đó người bệnh cần tuân thủ điều trị, sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Các toa thuốc của người bệnh thường được cá thể hóa, mỗi người bệnh với mỗi triệu chứng, yếu tố nguy cơ khác nhau sẽ được chỉ định toa thuốc khác nhau. Do đó, người bệnh không nên dùng thuốc của người khác để điều trị cho bản thân.
PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan cho biết, việc sử dụng thuốc chiếm 50% tỉ lệ thành công trong việc kiểm soát bệnh, 50% còn lại phụ thuộc vào việc người bệnh và người nhà người bệnh chú ý phòng ngừa các yếu tố nguy cơ. Chẳng hạn người bệnh dị ứng sầu riêng, nếu ăn phải một miếng bánh có sầu riêng cũng có thể dẫn tới nguy cơ tử vong. Người bệnh cũng tuyệt đối không được tự ý ngưng thuốc hoặc sử dụng thuốc không theo đơn của bác sĩ. Điều này có thể gây ra sốc phản vệ và dẫn tới tử vong trong thời gian rất ngắn.
PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan khuyến cáo, người bị hen suyễn cần phải tuân thủ các biện pháp chung như: không để các chất có mùi lạ trong nhà, nhất là trong phòng ngủ, nơi làm việc, không dùng mền gối bằng lông. Khi ra ngoài trời, nên quấn khăn che mũi và che miệng, nhất là khi thời tiết lạnh để sưởi ấm không khí trước khi vào đường hô hấp. Tránh dùng các thực phẩm hay thuốc uống có gốc sunfit (thường có trong rượu, bia và các thực phẩm cần bảo quản lâu). Người bệnh không nên hút thuốc hoặc sống trong môi trường có khói thuốc lá. Đặc biệt, cần tái khám đúng lịch và tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định điều trị của Bác sĩ để kiểm soát bệnh tốt, tránh các biến chứng nguy hiểm.
Trong thời điểm dịch bệnh phức tạp như hiện nay, trường hợp nhiễm COVID-19, người bị hen suyễn sẽ dễ diễn tiến nặng hơn và nguy hiểm đến tính mạng. Do vậy, người bệnh nên hạn chế khả năng bị lây nhiễm COVID-19 bằng cách tuân thủ các khuyến cáo chung của Bộ Y tế, đồng thời chủ động kiểm soát tốt bệnh bằng cách:
– Dùng thuốc kiểm soát hen (còn gọi là thuốc dự phòng), thuốc cắt cơn hen đúng theo hướng dẫn của bác sĩ.
– Ghi lại số điện thoại liên lạc của bác sĩ hoặc nhân viên y tế, cơ sở y tế mà mình đã từng được cung cấp để liên hệ khi cần.
– Khi các triệu chứng trở nặng, người bệnh nên liên hệ ngay với bác sĩ hoặc nhân viên y tế để được hướng dẫn và tư vấn cụ thể. Trong trường hợp cần thiết, người bệnh cần đi khám bệnh, tuân thủ các công tác sàng lọc, kiểm soát nhiễm khuẩn mà cơ sở y tế đang áp dụng.
– Trong trường hợp không thể khám bệnh, người bệnh không được tự ý ngưng điều trị mà cần liên lạc nhân viên y tế để được hướng dẫn.
– Nếu không thể liên lạc được với nhân viên y tế, các thuốc hen suyễn được kê toa dùng hàng ngày phải được tiếp tục dùng cho đến khi liên lạc được và không được ngưng điều trị đột ngột dù cảm thấy hoàn toàn khỏe mạnh.
Nhằm nâng cao kiến thức của cộng đồng về bệnh hen suyễn cũng như những kỹ năng chăm sóc tại nhà cho người bệnh hen, Trung tâm Truyền thông BV ĐHYD TP.HCM phối hợp với công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam thực hiện chương trình tư vấn “Hiểu đúng – Sống khoẻ” với chủ đề “Những kỹ năng chăm sóc cho người bệnh hen suyễn tại nhà”, theo dõi tại kênh Youtube Bệnh viện: http://bit.ly/kynangchamsocnguoibenhhensuyen
Chương trình cung cấp các thông tin về dấu hiệu nhận biết, nguyên nhân, phương pháp chẩn đoán và một số lưu ý trong quá trình điều trị bệnh hen suyễn, giúp người bệnh quản lý tốt bệnh lý của mình và phòng ngừa các yếu tố nguy cơ dẫn đến biến chứng nguy hiểm.
Khoa Thăm dò chức năng hô hấp, BV ĐHYD TPHCM là địa chỉ tin cậy của hàng triệu người dân trong quá trình điều trị các bệnh lý hô hấp không lây như hen, suyễn, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)…
Với bệnh lý hen suyễn, trải qua 21 năm hình thành và phát triển, Khoa đã điều trị cho gần 130.000 người bệnh, thực hiện hô hấp ký cho hơn 300.000 trường hợp. Nghiên cứu trong vòng 5 năm trở lại đây, 90% người bệnh hen suyễn được điều trị hiệu quả chỉ sau 1 tháng điều trị.
Bên cạnh đó, hệ thống quản lý hen suyễn tại Khoa là mô hình mẫu được nhân rộng đến 235 đơn vị trên cả nước. Với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, các phương tiện chẩn đoán, hình ảnh học hiện đại cùng phác đồ điều trị tiên tiến… người bệnh tối ưu hóa hiệu quả điều trị, kiểm soát tốt bệnh lý và chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao.
N.P
TNO