25/12/2024

Ông Tập Cận Bình nói điện hạt nhân là ‘ưu tiên chiến lược’ và muốn hợp tác với Nga

Ông Tập Cận Bình nói điện hạt nhân là ‘ưu tiên chiến lược’ và muốn hợp tác với Nga

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp trực tuyến ngày 19-5 thống nhất tăng cường hợp tác về năng lượng hạt nhân và chống lại biến đổi khí hậu.

 

Ông Tập Cận Bình nói điện hạt nhân là ưu tiên chiến lược và muốn hợp tác với Nga - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin họp trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong cuộc họp có diễn ra lễ khởi công xây dựng 4 lò phản ứng hạt nhân ở Trung Quốc, sử dụng công nghệ của Nga – Ảnh: AP

Cuộc họp trực tuyến của lãnh đạo Trung – Nga diễn ra cùng dịp với lễ khởi công xây dựng 4 lò phản ứng mới tại hai nhà máy hạt nhân ở Trung Quốc.

Theo tờ South China Morning Post, hai nhà máy đó là Tianwan ở tỉnh Giang Tô và Xudapu ở tỉnh Liêu Ninh. Các lò phản ứng mới sẽ sử dụng công nghệ của Nga và là một phần trong thỏa thuận năng lượng hạt nhân trị giá 2,9 tỉ USD được ký kết vào năm 2018.

Khi hoàn thành, 4 lò phản ứng dự kiến có tổng công suất phát điện hằng năm là 37,6 tỉ kilowatt giờ (kWh), đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV đưa tin.

Điều này có thể giúp giảm lượng khí thải carbon dioxide (CO2) ước tính 30,68 triệu tấn mỗi năm bằng cách giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Trong cuộc họp, ông Tập nói Bắc Kinh và Matxcơva đã nhất trí tăng cường quan hệ song phương.

“Đối mặt với đại dịch và những thay đổi chưa từng thấy trong một thế kỷ qua, Trung Quốc và Nga luôn ủng hộ lẫn nhau và hợp tác chặt chẽ, hiệu quả” – Chủ tịch Trung Quốc nói. Ông Putin cũng ca ngợi mối quan hệ giữa hai nước. “Có thể nói, quan hệ Nga – Trung đã đạt mức cao nhất trong lịch sử”.

Trung Quốc và Nga được cho là đang xích lại gần nhau hơn khi mối quan hệ của hai nước với Mỹ tiếp tục xấu đi.

Ông Tập nói năng lượng luôn là lĩnh vực quan trọng nhất để hai nước hợp tác, trong đó điện hạt nhân là “ưu tiên chiến lược”.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc gọi 4 lò phản ứng mới là thành tựu mang tính bước ngoặt và nhấn mạnh rằng chúng phải được xây dựng, cũng như vận hành theo tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn hạt nhân.

Ông Tập cũng kêu gọi tăng cường hợp tác khoa học và công nghệ trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân và biến đổi khí hậu.

Yang Jin, một chuyên gia về các vấn đề Nga của Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc, gọi thỏa thuận năng lượng hạt nhân “mang lại lợi ích cho cả đôi bên”.

Trung Quốc đang tăng cường phát triển điện hạt nhân để giảm phụ thuộc vào nhà máy nhiệt điện than.

Tính đến tháng 4, số lượng tổ máy điện hạt nhân đang hoạt động của Trung Quốc đã lên tới 49, đứng thứ 3 toàn cầu, theo số liệu của Cơ quan Năng lượng quốc gia.

Ngoài 4 lò phản ứng được khởi công vào ngày 19-5, có 5 tổ máy mới được phê duyệt xây dựng vào tháng 4, theo Hãng tin Reuters.

MINH KHÔI
TTO