25/12/2024

Ngòi nổ xung đột Israel – Palestine: Rối rắm ‘nhà bị chiếm’

Ngòi nổ xung đột Israel – Palestine: Rối rắm ‘nhà bị chiếm’

Trước khi Nhà nước Israel được thành lập vào năm 1948, những ngôi nhà mà một số gia đình Palestine đang cư ngụ và bị doạ đuổi hiện nay thuộc sở hữu của người Do Thái.

 

Ngòi nổ xung đột Israel - Palestine: Rối rắm ‘nhà bị chiếm’ - Ảnh 1.

Rocket bắn đi từ Beit Lahia (trái) ở phía bắc Dải Gaza hướng về Israel vào ngày 14-5 – Ảnh: AFP

Trong bài viết trên báo The Straits Times, tiến sĩ Jonathan Eyal – cựu giám đốc nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quốc phòng phụng sự hoàng gia ở London (Anh) – nhận định sự leo thang căng thẳng hiện nay là kết quả của nhiều sự kiện.

Trước hết là các xung đột lặp đi lặp lại ở Jerusalem, nơi cảnh sát Israel đã tiến hành các biện pháp nhằm ngăn chặn người Palestine tụ tập sau các buổi cầu nguyện tối (nhằm ngăn chặn khả năng bùng phát bạo lực) kể từ khi kết thúc tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo.

Nỗi lo sợ của một số hộ gia đình người Palestine ở Jerusalem có thể bị đuổi ra khỏi nhà – nơi họ đã sinh sống trong nhiều thế hệ – khiến căng thẳng càng gia tăng.

Rối rắm tranh chấp tài sản do lịch sử

Việc trục xuất một số gia đình người Palestine – nguyên nhân của tình trạng bạo lực hiện nay – thực ra xoay quanh vấn đề tranh chấp tài sản.

Trước khi Nhà nước Israel được thành lập vào năm 1948, những ngôi nhà đó thuộc sở hữu của người Do Thái. Tuy nhiên, vùng đất mà những ngôi nhà đó được xây dựng lại bị Jordan chiếm đóng cho đến năm 1967 và người  Ả Rập đã định cư tại đây.

Điều kỳ lạ là người Jordan đã không chuyển giao quyền sở hữu tài sản này cho những người đã định cư ở đó. Nếu Jordan làm vậy thì luật pháp Israel hẳn đã công nhận việc chuyển giao tài sản này, và những cư dân đang sinh sống trong những ngôi nhà đó đã được phép ở lại.

Nhưng kể từ khi người Jordan chiếm giữ những tài sản đó theo quy định về quyền quản lý đặc biệt, thế hệ sau của những người Do Thái vốn là chủ nhân ban đầu của các ngôi nhà đó lại có cơ hội đòi lại tài sản của mình một khi Israel thiết lập được quyền kiểm soát đối với vùng lãnh thổ này.

Vì vậy, theo tiến sĩ Jonathan Eyal – tác giả của nhiều cuốn sách về các mối quan hệ quân sự, sự bùng phát xung đột hiện nay xuất phát từ việc một chính quyền Ả Rập không làm đúng thủ tục giấy tờ, chứ không phải do người Israel chiếm đoạt tài sản.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một lời giải thích phiến diện cho sự khởi đầu của cuộc khủng hoảng.

Bởi trong khi người Do Thái có thể nhờ đến tòa án để đòi lại tài sản trong lịch sử của họ, thì người Palestine – những người đã bị trục xuất khỏi đất nước Israel ngày nay – lại không được hưởng quyền lợi tương tự.

Ngòi nổ xung đột Israel - Palestine: Rối rắm ‘nhà bị chiếm’ - Ảnh 2.

Bé gái gốc Palestine chờ tham gia cuộc biểu tình tại Santiago, Chile ngày 18-5 chống cuộc trừng phạt của Israel nhắm vào người dân Palestine trên Dải Gaza – Ảnh: REUTERS

Ngòi nổ cảnh sát Israel

Mặc dù ban đầu cảnh sát Israel có thể được biện minh là đang cố gắng hạn chế các cuộc tụ tập của người Hồi giáo trong tháng lễ Ramadan, nhưng những biện pháp hạn chế tương tự lại không được áp dụng đối với người Do Thái.

Hàng ngàn người Do Thái vẫn có thể cười đùa và nhảy múa gần Bức tường phía Tây, trong khi khói lựu đạn cay bốc lên nghi ngút từ đền thờ Al-Aqsa – một trong những nơi linh thiêng nhất của đạo Hồi – chỉ cách đó vài mét vì các tín đồ Hồi giáo bị đẩy đuổi khi đang hành lễ.

Và rõ ràng thủ phạm trực tiếp của các sự kiện ở Jerusalem những ngày qua chính là cảnh sát Israel – lực lượng vừa vụng về trong hành động, vừa kém cỏi trong khả năng kiểm soát đám đông, theo nhận định của tiến sĩ Eyal – hiện là cây bút bình luận của báo The Guardian.

Việc dỡ bỏ các hàng rào ngăn cách gần một trong những bức tường của thành phố Jerusalem là một sai lầm đặc biệt nghiêm trọng. Xét cho cùng, chính lực lượng cảnh sát này đã không thực thi luật pháp và tăng cường trật tự, do đó không thể ngăn chặn được đám đông tín đồ người Do Thái giẫm đạp nhau dịp lễ Lag BaOmer xung quanh lăng mộ của giáo sĩ Shimon Bar Yocha, khiến 45 người thiệt mạng lúc rạng sáng 30-4 vừa qua.

Ai cũng biết cuộc giao tranh hiện nay sẽ lại dẫn đến tình trạng bế tắc và hai bên chỉ có đủ thời gian để tập hợp lại lực lượng, tái vũ trang và chuẩn bị sẵn sàng cho đợt xung đột tiếp theo.

Dân thường luôn là đối tượng bị mắc kẹt giữa các làn đạn.

Ý NGUYÊN
TTO