18/11/2024

Kinh tế sáng sủa dần nhưng lại lo ‘virus lạm phát’

Kinh tế sáng sủa dần nhưng lại lo ‘virus lạm phát’

Nhiều quốc gia đã thông báo tín hiệu hồi phục kinh tế tốt khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát cùng với chiến dịch tiêm chủng đạt hiệu quả. Nhưng bên cạnh đó, tình trạng lạm phát cũng chực chờ đe doạ.

 

Kinh tế sáng sủa dần nhưng lại lo virus lạm phát - Ảnh 1.

Mua trái cây ở Đài Bắc, Đài Loan ngày 18-5 khi tình hình dịch bệnh có dấu hiệu diễn tiến xấu tại đây – Ảnh: REUTERS

Ngày 19-5, Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) thông báo lạm phát của nước này trong tháng 4 vừa qua đã tăng lên mức cao nhất kể từ khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát.

Theo ONS, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 4 bật tăng lên mức 1,5%, cao hơn gấp đôi so với mức 0,7% của tháng trước đó và là mức cao nhất kể từ tháng 3-2020 khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát.

Tính đến tháng 4-2021, lạm phát cơ bản, không bao gồm giá năng lượng và các mặt hàng dễ biến động khác, đã tăng 1,3% trong 12 tháng qua.

Các nước lớn đều gặp phải

Trong cuộc họp báo sáng 17-5, người phát ngôn Cục Thống kê quốc gia (NBS) Trung Quốc, ông Phó Lăng Huy (Fu Linghui), cho biết nền kinh tế thứ 2 thế giới này cải thiện trong tháng 4 vừa qua, song có những vấn đề mới đang nổi lên, do đó ông cho rằng “nền tảng cho sự phục hồi kinh tế trong nước chưa vững chắc”.

Theo ông Phó, nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt nhiều vấn đề mới, đáng chú ý nhất là giá cả hàng hóa quốc tế tăng. Lạm phát giá cả hàng hóa nhà máy của Trung Quốc trong tháng 4-2021 đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10-2017. Báo cáo của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho rằng mức lạm phát này có thể tăng hơn nữa trong quý 2 và quý 3-2021.

Lạm phát tăng cao hơn so với dự báo cũng đặt ra thách thức cho Tổng thống Mỹ Joe Biden trong việc triển khai các gói chi tiêu nhằm hồi sinh và định hình lại nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Bộ Lao động Mỹ vừa công bố báo cáo cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 4-2021 đã tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức tăng theo năm lớn nhất kể từ năm 2008, trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19.

Các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã dự báo lạm phát sẽ tăng khi nền kinh tế nước này mở cửa trở lại sau hàng loạt biện pháp hạn chế hồi năm ngoái nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.

Trên Twitter, Hội đồng cố vấn kinh tế Nhà Trắng nhận định lạm phát tăng là một phần có thể dự đoán được của việc phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, hội đồng này đánh giá mức tăng CPI trong tháng 4-2021 chỉ là tạm thời, hay nói đúng hơn hiện tượng tăng giá một phần là do “bình thường hóa” giá cả ở một số lĩnh vực đã chịu tác động nặng nề do đại dịch.

Còn nhà kinh tế Grant Fitzner, lãnh đạo của ONS, cho biết lạm phát tại Anh trong tháng 4 tăng chủ yếu do giá cả hàng hóa trong năm nay tăng so với các mức giảm khi dịch bệnh bắt đầu vào năm ngoái. Trong đó, nổi bật là giá quần áo và phí điện nước của các hộ gia đình tăng. Bên cạnh đó, giá dầu thô tăng cũng khiến giá nhiêu liệu dùng cho động cơ tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 1-2020.

Kinh tế sáng sủa dần nhưng lại lo virus lạm phát - Ảnh 2.

Khách hàng chờ đợi trước cửa hiệu thời trang Zara ở thành phố Nantes (Pháp) ngày 19-5 sau khi một số dịch vụ “không thiết yếu” được pháp mở cửa lại sau nhiều tháng – Ảnh: REUTERS

Con số không đáng ngại, chỉ sợ chính sách sai

Ngân hàng Trung ương của Anh (BoE) cho biết lạm phát ở Anh đang vượt mục tiêu 2% và sẽ lên tới 2,5% vào cuối năm 2021 nhờ giá dầu trên thế giới tăng, trong khi việc cắt giảm thuế giá trị gia tăng trong lĩnh vực khách sạn sẽ hết hạn vào tháng 9 tới. BoE nhận định lạm phát sau đó sẽ giảm về mức 2% vào năm 2022 và 2023.

Số liệu mới nhất được công bố làm dấy lên quan ngại lạm phát toàn cầu cũng có nguy cơ tăng vọt trong năm nay khi Anh và nhiều nền kinh tế khác phục hồi hoàn toàn sau đại dịch COVID-19.

Các quan chức Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng cho rằng CPI tăng sẽ chỉ là tạm thời khi nền kinh tế phục hồi sau đợt sa thải hàng loạt và hạn chế kinh doanh do dịch COVID-19.

Giới phân tích vẫn cảnh báo các gói kích thích kinh tế toàn cầu phục hồi sau đại dịch cùng với nhu cầu tiêu dùng bị dồn nén có nguy cơ khiến lạm phát và lãi suất tăng mạnh, cản trở quá trình phục hồi kinh tế.

Theo nhà kinh tế học Howard Archer thuộc EY Item Club, do lạm phát, các ngân hàng trung ương có thể sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ và đó là điều khiến các chuyên gia lưu tâm.

Chuyên gia phân tích Laith Khalaf của Công ty AJ Bell đánh giá lạm phát ở mức hiện nay không đáng lo ngại, nhưng giới chuyên gia ngày càng lo ngại biện pháp tài chính và tiền tệ để đối phó với đại dịch đang “gieo rắc nỗi lo lạm phát”.

Nhà phân tích Kathy Bostjancic tại Trung tâm nghiên cứu Oxford Economics nhận định trong những tháng tới, các tác động cơ bản đang hiện hữu, giá cả tăng xuất phát từ việc mở cửa lại nền kinh tế Mỹ có thể sẽ khiến lạm phát tăng cao hơn. Tuy nhiên, bà cho rằng đây không phải là điểm khởi đầu của khuynh hướng tăng lạm phát liên tục.

Vụ Kinh tế và xã hội (DESA) của Liên Hiệp Quốc đã công bố báo cáo cập nhật “Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới năm 2021”, trong đó nâng dự báo mức tăng trưởng của kinh tế thế giới ở mức 5,4% thay vì mức 4,7% như dự báo đưa ra hồi tháng 1-2021, nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của “hai đầu tàu” là Mỹ và Trung Quốc.

Tuy nhiên, báo cáo cũng cảnh báo về “tình trạng dễ tổn thương” của các nền kinh tế khác trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục lây lan mạnh.

TƯỜNG NGUYỄN
TTO