23/01/2025

Nhiều doanh nghiệp lãi lớn, giá điện vẫn khó giảm

Nhiều doanh nghiệp lãi lớn, giá điện vẫn khó giảm

Báo cáo kết quả kinh doanh quý 1 vừa công bố cho thấy lợi nhuận của các công ty trong ngành điện tăng gần gấp 3 lần so cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành điện tăng vọt gấp 3 lần so cùng kỳ năm ngoái /// Ảnh: Ng.Nga
Lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành điện tăng vọt gấp 3 lần so cùng kỳ năm ngoái  ẢNH: NG.NGA

Lợi nhuận tăng gần gấp 3 lần

Dữ liệu từ VietstockFinance về 47 doanh nghiệp (DN) trong ngành điện đã lên sàn cho thấy tổng doanh thu thuần đạt 32.700 tỉ đồng, giảm 14% so quý 1/2020. Tuy nhiên, lãi ròng mà các DN ngành này mang về lên đến 2.900 tỉ đồng, tăng 191% so cùng kỳ năm trước. Trong 47 DN ngành điện này, có 23 DN báo lãi tăng, 7 DN lãi giảm, 9 DN chuyển lỗ thành lãi, 3 DN chuyển lãi thành lỗ và 5 DN tiếp tục thua lỗ.
Đáng lưu ý, số DN báo lãi lớn, hoặc chuyển lỗ thành lãi… tập trung chủ yếu trong ngành thủy điện. Cụ thể, dẫn đầu về con số lợi nhuận tuyệt đối là Tổng công ty phát điện 3 (Genco 3) với 786 tỉ đồng lãi ròng, trong khi cùng kỳ năm trước DN này lỗ 379 tỉ đồng. Tương tự, Tổng công ty điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power) trong quý 1 báo doanh thu thuần hợp nhất giảm 4% và lãi gộp giảm đến 14% so với cùng kỳ, về mức lần lượt 7,661 tỉ đồng và 876 tỉ đồng. Tuy nhiên, lãi ròng của DN này quý đầu năm vẫn tăng 14%, đạt 508 tỉ đồng. Báo cáo kinh doanh quý 1 cũng cho thấy, Công ty CP phát triển điện lực Việt Nam dẫn đầu về tăng lợi nhuận với tỷ lệ tăng gấp 109 lần. Trong đó, sản lượng điện thương phẩm của DN đạt trên 90 triệu kWh, tăng 75% so cùng kỳ. Doanh thu đạt hơn 105 tỉ đồng, tăng 81%, lãi ròng 18 tỉ đồng (cùng kỳ chỉ đạt chưa tới 200 triệu đồng).
Ngoài các DN lớn trên, 6 DN cùng ngành khác cũng đều báo lãi hơn trăm tỉ trong quý đầu năm. Trong đó, Công ty CP thủy điện Đa Nhim báo lãi 343 tỉ đồng, cao gấp 4 lần so với cùng kỳ; Nhiệt điện Phả Lại doanh thu quý 1 bất ngờ giảm hơn một nửa, còn 1.079 tỉ đồng nhưng lãi trước thuế gần 149 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 138,5 tỉ đồng; Nhiệt điện Nhơn Trạch lãi 115 tỉ đồng…
Theo báo cáo của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), trong quý 1, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 59,65 tỉ kWh, tăng 4,1% so cùng kỳ năm trước. Sản lượng điện thương phẩm đạt 50,81 tỉ kWh, tăng 3,2%.
Hầu hết DN thủy điện đều có lãi rất lớn do thủy văn thuận lợi. Trong cơ cấu giá điện, nguồn từ thủy điện là rẻ nhất cho nên thường được ưu tiên huy động khi lưu lượng nước lớn. Báo cáo của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cũng cho thấy trong cơ cấu huy động điện quý 1, năng lượng tái tạo ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất với 180,6% so với cùng kỳ năm trước đạt 7,79 tỉ kWh, thủy điện cũng tăng mạnh 55,4% đạt 13,86 tỉ kWh. Ngược lại, nhiệt điện khí giảm 21,4%, nhiệt điện than giảm 12,4% và điện nhập khẩu giảm 58%. Nhiệt điện than vẫn là nguồn điện đóng góp tỷ trọng lớn nhất trong hệ thống với 29,75 tỉ kWh, chiếm 50%. Năng lượng tái tạo thừa công suất, thủy điện tăng mạnh, nhà điện lãi lớn nhưng giá điện vẫn chưa thể giảm.

1.001 lý do khó giảm

Chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế tài chính, cho rằng sản phẩm điện là mặt hàng cực kỳ đặc thù nên không thể đưa ra nhận định chủ quan được. Những năm qua, báo cáo lỗ của các DN trong ngành điện có một phần không nhỏ liên quan chênh lệch tỷ giá. Trong quý 1 năm nay, lợi nhuận một số công ty tăng nhờ vào mức lỗ chênh lệch tỷ giá thấp, chi phí lãi vay giảm… Hơn nữa, kết quả kinh doanh một quý, quá ngắn hạn, chưa thể nói gì trong xu hướng giảm hay tăng giá điện.
Lợi nhuận quý 1 của ngành thủy điện tuy tăng mạnh, nhưng còn quá sớm để nói năm nay họ lãi khủng nguyên năm
Chuyên gia tài chính, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh
Theo một chuyên gia trong ngành điện, dù thủy điện thuận lợi nhưng nhiệt điện lại “kém sắc”, một số DN báo lãi thấp, có lãi nhưng giảm nhiều hoặc thậm chí thua lỗ. Nhiệt điện Hải Phòng quý 1 báo lỗ 11 tỉ đồng, Nhiệt điện Cẩm Phả cũng báo lỗ ròng gần 71 tỉ đồng… Công ty CP chứng khoán SSI trong dự báo triển vọng ngành điện năm nay cho rằng, lợi nhuận của các nhà máy nhiệt điện trong năm nay sẽ “khá tiêu cực” do sản lượng hợp đồng thấp, giá than, giá khí đầu vào đều tăng. Chưa kể các nhà máy điện than năm nay sẽ phải đối mặt với áp lực vốn đầu tư lớn khoảng 1.800 – 2.000 tỉ đồng cho các dự án môi trường. Với các nhà máy công nghệ cũ, chi phí này rõ ràng sẽ tạo áp lực về vốn lớn khi phát sinh nhiều nhu cầu đầu tư vào nhà máy mới hoặc nâng cấp máy móc hiện có, cùng với chi phí cho dự án môi trường.
Chuyên gia tài chính, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh bổ sung nguồn điện cung cấp bao gồm nhiệt điện, thủy điện, điện mặt trời, điện khí, điện gió… Hiện tại, các dự án điện mặt trời mua theo giá FIT trước đây vẫn còn cao, giá đầu vào sản xuất nhiệt điện, điện khí đều tăng. Đặc biệt, tỷ trọng nhiệt điện đang chiếm phần lớn trong nguồn điện cung cấp cho cả nước. Thế nên, nói một cách đơn giản nhất là cho dù trong bảng cơ cấu giá thành thủy điện có giảm, giúp DN lãi cao, nhưng các sản phẩm điện khác đầu vào chưa giảm, giá điện nói chung khó bàn tính chuyện giảm trong tương lai gần. Mặt khác, trong thời gian qua, một số DN đầu tư thủy điện vay nguồn vốn từ nước ngoài, đồng USD biến động giá thấp, khiến nhà đầu tư giảm áp lực lãi vay rất lớn. “Lợi nhuận quý 1 của ngành thủy điện tuy tăng mạnh, nhưng còn quá sớm để nói năm nay họ lãi khủng nguyên năm”, ông Thịnh nói.
NGUYÊN NGA
TNO