18/11/2024

Đăng ký xét tuyển đại học 2021: Nhất kinh doanh, nhì công nghệ thông tin

Đăng ký xét tuyển đại học 2021: Nhất kinh doanh, nhì công nghệ thông tin

Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy nhóm ngành kinh doanh và quản lý tiếp tục ‘hot’ nhất năm 2021 với hơn 1,2 triệu nguyện vọng đăng ký xét tuyển.

 

Đăng ký xét tuyển đại học 2021: Nhất kinh doanh, nhì công nghệ thông tin - Ảnh 1.

Nhóm ngành kinh tế luôn được rất đông thí sinh quan tâm. Trong ảnh: PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, tư vấn cho thí sinh trong một chương trình tư vấn tuyển sinh do báo Tuổi Trẻ tổ chức – Ảnh: M.K.

Trong khi đó, ngành công nghệ thông tin “về nhì” với 336.000 nguyện vọng đăng ký.

1,2 triệu nguyện vọng vào kinh doanh, quản lý

Năm 2021 có đông thí sinh chọn nhóm ngành kinh doanh và quản lý nhất. Nhóm ngành này thu hút tới 1.218.773 nguyện vọng trong khi chỉ tiêu chỉ có 118.679.

“Hot” thứ hai là nhóm ngành máy tính và công nghệ thông tin. Năm 2021 nhóm ngành này thu hút 336.001 nguyện vọng đăng ký (trong khi chỉ lấy 49.582 chỉ tiêu). Nắm bắt nhu cầu thị trường, năm nay nhiều trường mở thêm các ngành như an ninh mạng hay cử nhân ngôn ngữ Anh (chuyên sâu kinh doanh – công nghệ thông tin) và ngành kỹ sư tự động hóa và tin học.

Nhóm ngành khoa học xã hội và hành vi; nhân văn thu hút tổng số 512.183 nguyện vọng và chỉ lấy 72.182 chỉ tiêu. Năm nay nhóm ngành khoa học và đào tạo giáo viên trình độ đại học thu hút 228.821 nguyện vọng, chỉ lấy 50.737 chỉ tiêu.

Ngược lại, nhóm cao đẳng sư phạm ngành giáo dục mầm non có nhu cầu tuyển 14.534 chỉ tiêu nhưng nguyện vọng đăng ký chỉ có 9.641.

Một chuyên gia cho rằng thực tế những năm gần đây sức hút của ngành sư phạm không cao do nghề giáo thu nhập còn khiêm tốn so với các ngành nghề “hot” khác, trong khi áp lực từ công việc và xã hội ngày càng lớn. Quan trọng hơn cả là các địa phương chưa thể lo đầu ra cho người học ngành sư phạm…

Đăng ký xét tuyển đại học 2021: Nhất kinh doanh, nhì công nghệ thông tin - Ảnh 2.

Tâm lý đám đông

Trong các chương trình, ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp mà báo Tuổi Trẻ tổ chức, số lượng thí sinh đặt câu hỏi cho ngành kinh doanh rất lớn. Các chuyên gia cho rằng ngoài sức hút thật sự cũng như khả năng cung cấp việc làm của nhóm ngành này thì không loại trừ khả năng thí sinh đăng ký vì tâm lý đám đông.

PGS.TS Vũ Thị Hiền – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Ngoại thương – khuyên thí sinh cần phải tỉnh táo tìm hiểu mình phù hợp với ngành gì thay vì chọn theo số đông. Chọn ngành rồi còn phải chọn trường có năng lực đào tạo tốt, chứ không nên chọn theo kiểu “tôi thích ngành kinh doanh, còn vào trường nào cũng được”.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền – phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội – cũng đánh giá con số thống kê nêu trên cho thấy nguyện vọng của thí sinh năm 2021 về cơ bản giống với năm 2020. Tuy nhiên, theo ông Điền, đến giai đoạn điều chỉnh nguyện vọng thì mới thấy “những thay đổi chóng mặt”.

GS.TS Hoàng Anh Tuấn, hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho biết nhu cầu của thí sinh với nhóm ngành khoa học xã hội năm nay không có biến động.

Ông Hoàng Anh Tuấn cũng lý giải sức hút của ngành khoa học xã hội chưa bằng ngành kinh doanh và công nghệ: “Người học vẫn nghĩ vào khoa học xã hội chủ yếu đi làm nghiên cứu. Thực ra các trường đào tạo nhóm ngành này đẩy mạnh đào tạo liên ngành và chú trọng phát triển các ngành có tính ứng dụng rất cao.

Chúng tôi đào tạo người làm các dịch vụ xã hội (công tác xã hội, chăm sóc người già, người khuyết tật, làm việc trong các bệnh viện), người làm nghề tư vấn tâm lý, tâm lý lâm sàng…”.

Thiếu nhân lực ngành khoa học xã hội

GS.TS Hoàng Anh Tuấn, hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho biết thêm: “Xã hội đang rất thiếu nhân lực của những ngành khoa học xã hội. Sinh viên có thể học song bằng, hoặc học thêm các tín chỉ của ngành khác và được cấp thêm các chứng chỉ đi kèm bằng cấp.

Ví dụ sinh viên khoa văn có thể học thêm các tín chỉ của ngành tâm lý học, báo chí, ra trường sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn”.

NGỌC DIỆP
TTO