27/12/2024

Có nên ‘thả nổi’ giá vé máy bay để các hãng tự quyết định?

Có nên ‘thả nổi’ giá vé máy bay để các hãng tự quyết định?

Bỏ quy định giá trần vé máy bay trên đường bay nội địa, liệu có giúp hãng bay tăng sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng phục vụ hay các hãng sẽ “bắt tay” tăng giá vé, đẩy phần thiệt thòi cho khách hàng?

 

Có nên thả nổi giá vé máy bay để các hãng tự quyết định? - Ảnh 1.

Hiện nay, rất nhiều hành khách đã lựa chọn dịch vụ hàng không cho hành trình di chuyển của mình nên yếu tố đầu tiên là giá vé có rẻ hay không – Ảnh: C.TRUNG

Bỏ giá trần, hành khách lo giá vé cao

Ngay trong lúc nhu cầu đi lại sụt giảm do COVID-19 bùng phát trở lại, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất với đường bay có từ 3 hãng khai thác trở lên các hãng được tự quyết định giá vé và niêm yết theo quy định.

Đây không phải lần đầu cơ quan ngành hàng không đề xuất, mà mới đây Vietnam Airlines cũng kiến nghị tăng giá trần lẫn áp giá sàn vé máy bay.

Nếu đề xuất của Cục Hàng không Việt Nam được thông qua, các đường bay có nhu cầu khách đi lại cao như Hà Nội – Đà Nẵng – TP.HCM… có 4-5 hãng khai thác, hãng bay sẽ được quyền tự định giá. Nghĩa là giá sẽ tăng hoặc giảm theo nhu cầu của thị trường do không bị ràng buộc về giá trần như trước.

Điều này không tránh được e ngại các hãng bay bắt tay, cùng nhau tăng giá, hoặc ít nhất là nhìn nhau giữ giá khiến giá vé sẽ neo ở mức cao vào các dịp cao điểm đi lại như lễ, tết, hè.

Trong khi hiện nay, giá vé máy bay nội địa được Bộ GTVT ban hành quy định giá trần nhưng đến dịp cao điểm, người dân mua vé gần kịch trần, loại vé khuyến mãi đều không áp dụng vào dịp cao điểm. Như dịp cao điểm 30-4 nhu cầu khách đi lại cao, giá vé máy bay chặng bay Hà Nội – Phú Quốc; TP.HCM – Hà Nội ở mức 4-7 triệu đồng/vé khứ hồi…

Là khách hàng thường xuyên đi máy bay, chị Nguyễn Kim Oanh – giám đốc công ty kinh doanh hàng tiêu dùng (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) – cho rằng thời gian qua, giá vé máy bay hạ xuống khá thấp để kích cầu người dân đi lại. Nhưng thực tế các hãng lại tăng các loại phí khiến tổng giá vé khách hàng phải trả ở mức khá cao.

Nếu giá vé máy bay 99.000 đồng thì thuế phí riêng của hãng đã là 350.000 – 450.000 đồng, số tiền khách phải trả trên 550.000 – 600.000 đồng/chặng.

Chị Oanh bày tỏ quan ngại nếu bỏ giá trần, các hãng sẽ tăng giá trên các chặng bay “hot” như Đà Nẵng – TP.HCM, Hà Nội – TP.HCM lên cao. Đây sẽ là rào cản với người lao động thấp và trung bình khi có nhu cầu đi máy bay.

“Tôi cho rằng bỏ giá trần ở hạng thương gia. Còn hạng phổ thông phục vụ đa số người dân có thu nhập trung bình hoặc thấp thì nên giữ giá trần. Còn việc tăng “chất lượng dịch vụ” của hãng bay vẫn chưa thay đổi nhiều về cách thức phục vụ khách hàng. Nếu các hãng đồng loạt tăng giá thì khách hàng là thiệt thòi nhất” – chị Oanh nói.

Có nên thả nổi giá vé máy bay để các hãng tự quyết định? - Ảnh 2.

Nhiều ý kiến lo ngại bỏ trần vé máy bay, các hãng hàng không sẽ tự do tăng giá vé, người dân mất cơ hội mua vé rẻ – Ảnh: Q.AN

Hãng bay nói gì?

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo hãng bay cho hay ủng hộ việc bỏ quy định giá trần để vận hành theo cơ chế thị trường, doanh nghiệp sẽ tự cân nhắc điều chỉnh mức giá “lời ăn lỗ chịu”. Vị này cho rằng sẽ có nhiều ý kiến phản đối cho rằng doanh nghiệp sẽ bắt tay nhau nâng giá vé máy bay, đặc biệt vào dịp cao điểm.

Theo vị này, việc bỏ giá trần sẽ giúp hãng bay linh động điều chỉnh mức giá vé máy bay theo yếu tố đầu vào, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh của các hãng.

Hiện nay 6 hãng hàng không nội địa là Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Pacific Airlines, Vietravel Airlines và Vasco cùng bay chung thị trường nội địa. Mỗi hãng có những dịch vụ khác nhau và hạng vé cũng không giống nhau, tạo nhiều sự lựa chọn cho khách hàng.

Khi bỏ giá trần, doanh nghiệp sẽ linh hoạt trong mức giá lên xuống theo cung cầu, thậm chí chủ động thay đổi kịp thời mỗi khi giá nhiên liệu biến động.

Trước lo ngại kịch bản các hãng “bắt tay” tăng giá, vị này cho rằng khả năng trên khó xảy ra vì doanh nghiệp cũng nhìn nhau cạnh tranh và giành khách hàng bằng nhiều cách tiếp cận không chỉ về giá mà cả dịch vụ.

“Đẩy vé giá cao, khách đã không bay, hãng cũng khó mà tồn tại. Tôi cho rằng sẽ không có chuyện hãng bay cùng nhau tăng giá nếu bỏ quy định giá trần” – vị này nói.

Vietnam Airlines cũng là hãng bay thể hiện nhiều quan điểm, đề xuất ủng hộ bỏ giá trần để tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng.

Đại diện hãng này cho rằng Việt Nam chưa có cơ chế để giám sát, theo dõi về chi phí khai thác của các hãng, chưa có cơ chế kiểm soát chống bán phá giá cũng như chế tài để xử lý việc bán phá giá. Việc này gây ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của các hãng hàng không, làm giảm khả năng cạnh tranh với các hãng nước ngoài và đe dọa sự phát triển bền vững của ngành hàng không Việt Nam.

Theo một chuyên gia kinh tế, trong nền kinh tế thị trường, bỏ trần giá, để thị trường quyết định là đúng. Tuy nhiên, thời điểm này bỏ trần vé máy bay, các hãng hàng không sẽ tự do tăng giá vé, người dân mất cơ hội mua vé rẻ.

Vị này cho rằng trước khi đưa ra chính sách bỏ hay giữ giá trần, cơ quan chức năng cần cân nhắc hài hòa về nhiều mặt của doanh nghiệp và khách hàng. Nếu bỏ giá trần mà không có công cụ kiểm soát, giám sát đủ mạnh, phần thiệt thòi sẽ thuộc về người dân.

Tại dự thảo báo cáo tổng kết thi hành Luật hàng không dân dụng Việt Nam, Cục Hàng không (Bộ GTVT) đánh giá, hàng không có mùa cao điểm và thấp điểm, trong ngày cũng có giờ bay thuận lợi và không thuận lợi.

Căn cứ vào nhu cầu hành khách, các hãng đưa ra giá vé linh hoạt, nhiều mức khác nhau, giá vé cao khi nhu cầu cao và ngược lại, thậm chí khuyến mại vé 0 đồng (chưa gồm thuế, phí).

Hiện thị trường hàng không Việt Nam đã có nhiều hãng tham gia, việc định giá trần sẽ hạn chế các hãng nâng cao chất lượng dịch vụ với khách sẵn sàng trả giá cao…

Cục Hàng không đề xuất sửa luật trên theo hướng với đường bay có từ 3 hãng khai thác trở lên, các hãng được tự quyết định giá vé và niêm yết theo quy định.

C.TRUNG
TTO