28/12/2024

Diễn đàn ‘Học thật, thi thật, nhân tài thật’: Cứ những bài văn mẫu, lấy đâu ra học thật

Diễn đàn ‘Học thật, thi thật, nhân tài thật’: Cứ những bài văn mẫu, lấy đâu ra học thật

Kỳ thi kết thúc năm học 2020 – 2021 được hội phụ huynh chúng tôi gọi vui là ‘thi chạy dịch’, do một ngày học sinh phải thi tới 4 môn.

 

Diễn đàn Học thật, thi thật, nhân tài thật: Cứ những bài văn mẫu, lấy đâu ra học thật - Ảnh 1.

Cũng chính vì thi chạy dịch mà thầy cô cố gắng bằng mọi cách để giúp học sinh ôn bài, làm bài thi tốt nhất, kể cả dù phải học thuộc lòng từng dấu chấm, dấu phẩy hay học thuộc những bài văn mẫu.

Buổi tối, ngồi kèm con ôn văn lớp 3, tôi hốt hoảng khi thấy con đọc thuộc lòng vanh vách: “Em được xem trên tivi trận bóng đá giữa đội tuyển Việt Nam gặp Thái Lan chấm.

Trận đấu diễn ra vô cùng quyết liệt chấm. Khi trọng tài tuýt còi phẩy, trận đấu bắt đầu phẩy, hai đội lao vào tranh bóng dưới sự cổ vũ của khán giả chấm”…

Hoang mang quá, tôi lên nhóm Zalo hội phụ huynh lớp hỏi xem sao thì thấy các ba mẹ cũng phản hồi tương tự: “Bài văn tả trận bóng của con em, em đọc giật cả mình, vì con… viết hay quá, dùng toàn từ ngữ chuyên môn bên bóng đá, mẹ nghe còn hú hồn.

Mỗi bài đều có khung sườn để hướng dẫn các con, nhưng lời văn thì đang dùng của cô giáo, nếu để các con tự viết theo lời văn của mình thì sẽ hay hơn và không giới hạn tư duy” (chị Lê Thu Thủy).

“Hôm qua nhìn con ngồi học thuộc lòng bài văn đã viết sẵn mà ngỡ ngàng: sao bọn nhỏ lại được học thuộc trước vậy? Còn đâu là tư duy và sáng tạo nữa. Điểm số ở trường này cũng quan trọng vậy sao?” (chị Mỹ Hân).

Dưới sự hướng dẫn “tận tình” của thầy cô, những bài văn của học sinh cấp I đọc lên nghe thật mượt mà, sống động và chuyên nghiệp.

Đâu rồi những câu văn tự nghĩ, tự viết, dù ngô nghê vẫn cứ trong trẻo, đáng yêu? Đâu rồi những liên tưởng, những ví von so sánh, dù hồn nhiên nhưng lại có sức mạnh khơi gợi tính sáng tạo của trẻ?

Trẻ đang bị “đóng hộp”, tất cả phải theo khuôn mẫu, nên khi tự mình phá hộp thì cảm thấy rất khó khăn. Khi tôi đề nghị con tả lại trận bóng đá theo đúng cách nghĩ, cách diễn đạt của mình, con rất sợ sệt “như thế này không giống của cô, như thế này con sợ cô mắng”.

Và nghĩ mãi con mới tả được một câu, vì sự sáng tạo của con đã bị bao phủ bởi lời văn mẫu của cô mất rồi.

Năng lực tư duy khai phóng của các con đã bị cướp mất ngay từ cấp tiểu học, và kẻ cướp chính là những bài văn mẫu, những đề thi mẫu, là căn bệnh thành tích vẫn còn nặng nề trong các trường học.

Sản phẩm của nền giáo dục “kiểu mẫu” và “thành tích” là những đứa trẻ dối trá với chính tư duy của mình, muốn nói A nhưng vẫn phải nói là B, dần dần tạo nên một thế hệ tự ti và gian dối.

Thầy Trần Việt Quân (sáng lập và cố vấn hệ thống trường liên cấp Tuệ Đức) trong những bài chia sẻ về giáo dục từng nhắc đến phương pháp của người Nhật.

Ở Nhật từ lớp 1 đến lớp 9 không chấm điểm, chỉ có đạt hay không đạt, những học sinh không đạt thì các thầy cô phải có trách nhiệm đào tạo lại để đạt.

Nhờ vậy mà trong lớp học không có sự chê bai, không có sự so sánh hạng nhất, nhì khiến con trẻ gắn kết hơn, ít tị nạnh nhau.

Đó cũng chính là một trong những lý do khiến người Nhật khi làm việc độc lập rất giỏi, mà khi làm việc tập thể thì tinh thần đoàn kết càng tuyệt vời.

“Giữ sự trung thực khó hơn đạt điểm 10 môn văn”

Câu nói này của thầy Trần Việt Quân luôn ám ảnh tôi, nhắc nhở tôi cố gắng giữ cho con lối tư duy trung thực và thành thật với năng lực của mình. Mỗi chiều đón con đi học về, con hay hỏi “mẹ ơi con được mấy điểm thì mẹ vui?”, mẹ trả lời “điểm nào mẹ cũng vui”.

Con lại hỏi “điểm 5 mẹ cũng vui à?”, mẹ nói “nếu là điểm 5 của con mẹ vẫn vui, còn nếu là điểm 10 của cô thì mẹ không vui”.

NHUẬN NGUYỄN
TTO