23/01/2025

Nhìn từ Mỹ, Anh: Vắc xin sẽ giúp con người ‘chung sống’ với COVID-19 nhiều năm

Nhìn từ Mỹ, Anh: Vắc xin sẽ giúp con người ‘chung sống’ với COVID-19 nhiều năm

Bây giờ là “năm COVID-19 thứ hai”, hi vọng về miễn dịch cộng đồng ngày càng phai nhạt, thay vào đó các nhà khoa học dự báo con người sẽ kiểm soát và sống chung với căn bệnh này trong những năm về sau.

 

Nhìn từ Mỹ, Anh: Vắc xin sẽ giúp con người chung sống với COVID-19 nhiều năm - Ảnh 1.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm virus corona ở Colombo, Sri Lanka – Ảnh: AFP

Vài tuần gần đây, những quốc gia dẫn đầu thế giới về tiêm chủng như Israel, Anh, Mỹ… liên tục ghi nhận số ca nhập viện và tử vong do COVID-19 giảm mạnh so với trước. Kết quả này chứng minh vắc xin là công cụ chống dịch hữu hiệu.

Tuy nhiên, sau hơn một năm dịch bệnh hoành hành, các nhà khoa học đã thay đổi cách nhìn nhận về “miễn dịch cộng đồng”, cho rằng mục tiêu này sẽ không bao giờ đạt được vì virus đột biến quá nhanh, trong khi tiêm chủng diễn ra rất chậm ở hầu hết các nước trên thế giới – theo báo New York Times.

Đợt lây nhiễm chết chóc đang nhấn chìm Ấn Độ và nhiều quốc gia châu Á, Mỹ Latin là bằng chứng cho thấy con người vẫn còn chạy theo sau virus dù đã phát minh ra vắc xin.

Nói theo khoa học, với đà này virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 một ngày nào đó sẽ trở thành căn bệnh thường trực trong cộng đồng loài người giống như cúm, dù quy mô và sự chết chóc có thể không khủng khiếp như bây giờ.

Theo bác sĩ David Heymann – giáo sư Trường Vệ sinh và y học nhiệt đới London, các biến thể virus đang lây lan dữ dội ở những nơi người dân tụ tập đông người mà không có biện pháp phòng dịch (như Ấn Độ), do đó khả năng cao là nó sẽ không bao giờ biến mất.

“Đây là tiến trình tự nhiên của nhiều bệnh truyền nhiễm ở người, như bệnh lao hoặc AIDS. Chúng là những căn bệnh thường trực chúng ta đã học cách sống chung. Chúng ta đã học cách đánh giá rủi ro, cách bảo vệ những người cần bảo vệ”, GS Haymann giải thích.

Theo số liệu của Đại học Oxford, hiện nay trên thế giới chỉ có 2 quốc gia tiêm ngừa được cho hơn 50% dân số là Israel và Seychelles – một quần đảo chưa đầy 100.000 dân. Các nước gần đạt tới mốc 50% là Anh, Bhutan và Mỹ.

Trong khi đó, chưa đầy 10% dân Ấn Độ (tổng gần 1,4 tỉ người) được tiêm ngừa nên không có tác dụng gì ngăn đợt bùng phát này. Ở châu Phi còn tệ hơn, chỉ chưa đầy 1% dân số được tiêm.

Số ca nhiễm trên thế giới hiện vẫn giữ ở mức kỷ lục, nhưng điểm sáng là số ca tử vong giảm so với đỉnh hồi tháng 2-2021. Nếu xu hướng này duy trì, các chuyên gia hi vọng COVID-19 đang dần trở nên “thuần hơn”, có thể sống chung và kiểm soát bằng các loại vắc xin cập nhật liên tục.

“Căn bệnh có thể vẫn tồn tại nhưng không còn quá nguy hiểm. Có thể sẽ giống những gì chúng ta quan sát ở trẻ em hiện nay, như một căn bệnh cúm thông thường thôi”, bác sĩ Michael Merson, cựu giám đốc chương trình AIDS của WHO, nhận định.

PHÚC LONG
TTO