Nhiều doanh nghiệp phải ‘cuốn gói’ rời khỏi sàn chứng khoán
Nhiều doanh nghiệp phải ‘cuốn gói’ rời khỏi sàn chứng khoán
Trong lúc hàng loạt doanh nghiệp muốn niêm yết lên sàn chứng khoán nhưng không đủ điều kiện, thì số khác lại trầy trật, buộc phải “khăn gói” khỏi sàn do liên tục làm ăn thua lỗ.
Gần đây Ủy ban Chứng khoán nhà nước liên tục ra thông báo hủy tư cách công ty đại chúng của nhiều doanh nghiệp như: Mắt kính Sài Gòn, Nước sạch Hòa Bình, Cơ khí chế tạo Hải Phòng, Khai thác đá Thừa Thiên Huế… vì không đủ điều kiện niêm yết lên sàn chứng khoán.
Trong khi đó, hàng loạt doanh nghiệp khác lại bị buộc “cuốn gói” khỏi sàn vì làm ăn thua lỗ triền miên.
Mới đây, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) ra thông báo cổ phiếu Công ty cổ phần (CTCP) An Trường An (ATG) bị rơi vào trường hợp hủy niêm yết bắt buộc, do liên tục thua lỗ trong 3 năm liền. Cụ thể, năm 2018 An Trường An lỗ 11,8 tỉ đồng, sang năm 2019 lỗ 12,1 tỉ đồng, hết năm 2020 cũng âm 12,9 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế.
Tổ chức kiểm toán từ chối đưa ý kiến về báo cáo tài chính hợp nhất 2020 do An Trường An lỗ lũy kế, nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn, thiếu hụt vốn lưu động để thanh toán các khoản nợ đến hạn… dẫn đến nghi ngờ khả năng tiếp tục hoạt động.
HoSE cũng hủy niêm yết bắt buộc cổ phiếu của CTCP Đầu tư và phát triển nhà đất Cotec (CLG). Theo báo cáo tài chính kiểm toán, tính đến ngày cuối năm 2020 doanh nghiệp lỗ ròng sau thuế 485,97 tỉ đồng, vượt 2,2 lần vốn điều lệ của công ty.
Sau 12 năm gắn bó, cổ phiếu của CTCP Sông Đà 7.04 (S74) cũng bị rớt khỏi sàn HNX – Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội – vì kinh doanh trầy trật, thua lỗ 3 năm liền. Năm 2020, 2019, 2018 doanh nghiệp này lỗ lần lượt 2,15 tỉ đồng, xấp xỉ 2,93 tỉ đồng và hơn 2,93 tỉ đồng. Ngày 2-6 tới đây là ngày cuối cùng cổ phiếu S74 được giao dịch trên HNX.
Dù vậy, một số doanh nghiệp cũng may thoát khỏi án hủy niêm yết, khiến nhiều cổ đông thở phào.
Nhờ ghi nhận lãi trở lại trong năm 2020 nên Gỗ Trường Thành (TTF) đã thoát án hủy niêm yết trên HoSE. Lũy kế cả năm 2020 doanh nghiệp lãi ròng sau thuế đạt 23 tỉ đồng, trong khi mới năm trước đó lỗ tới hơn 1.002 tỉ đồng.
Trường hợp Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG), cả năm 2018 và 2019 liên tục làm ăn thua lỗ, nhưng nhờ lợi nhuận sau thuế cả năm 2020 đạt 21 tỉ đồng đã giúp công ty thoát khỏi tình trạng bị hủy niêm yết. Dù vậy đến cuối năm 2020 doanh nghiệp vẫn lỗ lũy kế 2.307 tỉ đồng.
Thực tế vẫn có trường hợp rời sàn chứng khoán không phải do doanh nghiệp lỗ triền miên.
Chẳng hạn Công ty dược phẩm Pymepharco (PME) cho biết dự kiến hủy niêm yết trên HoSE trong năm 2021, sau gần 3 năm gắn bó trên sàn chứng khoán.
Trước bối cảnh COVID-19, thu nhập bấp bênh, người dân đã cắt giảm chi tiêu, kể cả chi phí chăm sóc sức khỏe, nhưng năm 2020 doanh nghiệp này vẫn đạt doanh thu thuần và lãi trước thuế lần lượt 1.934 tỉ đồng và 398 tỉ đồng, tăng gần 105% so và 99% so với năm trước.
Quý 1-2021, Pymepharco lãi sau thuế gần 89,4 tỉ đồng, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, tại báo cáo thường niên 2020, ông Huỳnh Tấn Nam – tổng giám đốc – và nhiều nhân sự cấp cao lại không nắm giữ bất kỳ cổ phiếu nào của công ty. Ông Carsten Patrick Cron (phó chủ tịch điều hành hãng dược Đức Stada Arzneimittel AG) hiện giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị Pymepharco.
Stada Service Holding – công ty con của hãng dược Đức trên – lại nắm giữ hơn 66 triệu cổ phiếu, tương đương tỉ lệ 88,23% trong cơ cấu chung. Cộng thêm các bên liên quan, cổ đông lớn đang nắm giữ 99,53% vốn điều lệ công ty. Như vậy, cổ đông ngoại đã ôm gần trọn doanh nghiệp này.
Căn cứ điểm a, khoản 1, điều 32 Luật chứng khoán 2019, Pymepharco không còn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng.
Nhằm giải quyết quyền lợi của cổ đông nhỏ lẻ, doanh nghiệp đề xuất phương án mua toàn bộ cổ phiếu còn lại (0,47% vốn).
Theo nhiều chuyên gia, đối với những cổ phiếu yếu kém bị buộc phải rời sàn, giá cổ phiếu thường bị tụt dốc khiến cổ đông nhỏ dễ bị chịu thiệt.