06/01/2025

Chỉ giải ngân được gần 43 tỉ trong gói tín dụng ưu đãi 16.000 tỉ

Chỉ giải ngân được gần 43 tỉ trong gói tín dụng ưu đãi 16.000 tỉ

Theo Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ giải ngân được gần 43 tỉ đồng từ gói tín dụng ưu đãi 16.000 tỉ để cho doanh nghiệp vay trả lương ngừng việc cho người lao động, do tác động của dịch COVID-19.

 

Chỉ giải ngân được gần 43 tỉ trong gói tín dụng ưu đãi 16.000 tỉ - Ảnh 1.

Theo Ngân hàng Nhà nước, chỉ có 245 doanh nghiệp vay được với tổng số vốn gần 43 tỉ đồng từ gói tín dụng ưu đãi 16.000 tỉ – Ảnh: L.THANH

Thực hiện chương trình tín dụng có quy mô 16.000 tỉ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn do tác động của dịch COVID-19, thông tin cho Tuổi Trẻ Online, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho hay cả nước có 245 doanh nghiệp vay được gói ưu đãi có lãi suất 0% một năm.

Tổng số tiền mà các doanh nghiệp được Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân đạt gần 43 tỉ đồng để trả lương ngừng việc cho 11.276 người lao động.

Tính đến ngày 15-4, 11 doanh nghiệp đã trả hết nợ cho gói tín dụng này. Hiện dư nợ của chương trình còn khoảng 39 tỉ đồng với 234 doanh nghiệp đang vay.

Như vậy, tính trong tổng số vốn của chương trình là 16.000 tỉ đồng cho doanh nghiệp vay để trả lương ngừng việc cho người lao động do tác động của đại dịch COVID-19, số tiền cho vay chỉ chiếm 0,27%.

Để giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch, Bộ Lao động – thương binh và xã hội đã tham mưu cho Thủ tướng ban hành quyết định 15 vào cuối tháng 4-2020 về triển khai gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp vay lãi suất 0% để trả lương cho người lao động bị mất việc do COVID-19.

Sau hơn 5 tháng thực hiện, Ngân hàng Nhà nước cho biết chỉ duy nhất 1 doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn của gói tín dụng này. Tuy nhiên, doanh nghiệp đã không vay nữa do tự cân đối nguồn để trả lương cho người lao động.

Về nguyên nhân khiến doanh nghiệp khó khăn tiếp cận chính sách này, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam đánh giá do có quá nhiều điều kiện khắt khe. Đơn cử, doanh nghiệp phải khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương cho người lao động, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Sau đó, nhằm giúp doanh nghiệp vay được gói tín dụng ưu đãi trên để trả lương cho người lao động, giữa tháng 10 năm ngoái, Thủ tướng đã ban hành quyết định 32 sửa đổi quyết định 15, nới lỏng các điều kiện vay vốn.

Cụ thể, để được vay vốn ưu đãi của gói này, doanh nghiệp phải đáp ứng một trong những điều kiện là doanh thu quý 1-2020 giảm 20% trở lên so với quý 4-2019, hoặc doanh thu quý liền kề khi xét vay giảm 20% so với quý cùng kỳ năm 2019…

Do tác động của dịch COVID-19, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và đầu tư, năm 2020, cả nước có 101.000 doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường, trong đó gần một nửa số doanh nghiệp với 46.592 đơn vị đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tăng hơn 62% so với năm 2019.

Điều này cho thấy sự ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài của dịch bệnh COVID-19 đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp.

L.THANH
TTO