18/11/2024

Mỹ – WTO đối thoại mở rộng cấp phép vắc xin COVID-19: Hi vọng cho các nước nghèo?

Mỹ – WTO đối thoại mở rộng cấp phép vắc xin COVID-19: Hi vọng cho các nước nghèo?

Theo kênh CNBC, chánh văn phòng Nhà Trắng Ron Klain ngày 2-5 cho biết đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai sẽ bắt đầu đàm phán với WTO để tìm giải pháp với vấn đề về sở hữu trí tuệ đang cản trở việc phân phối, cấp phát vắc xin COVID-19.

 

Mỹ - WTO đối thoại mở rộng cấp phép vắc xin COVID-19: Hi vọng cho các nước nghèo? - Ảnh 1.

Những người biểu tình tập hợp bên ngoài trụ sở Hãng dược Moderna ở Mỹ để yêu cầu mở rộng quyền tiếp cận vắc xin COVID-19 trên toàn cầu – Ảnh: Boston Globe

Trong bối cảnh nhiều nhân vật quyền lực ở Mỹ vẫn phản đối đề xuất bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vắc xin COVID-19, việc Mỹ đàm phán với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho thấy sự chuyển biến lớn lao về quan điểm của nước này, ngay cả khi kết quả của nó vẫn là ẩn số.

Chuyển biến có ý nghĩa

Việc Mỹ đổi thái độ gây xôn xao từ ngày 28-4 với tiết lộ của thư ký báo chí Nhà Trắng rằng Mỹ đang cân nhắc miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ với vắc xin COVID-19. Đến ngày 30-4, một quan chức về thương mại của Mỹ lại tiết lộ Washington đang làm việc với các thành viên WTO để đảm bảo quyền tiếp cận “công bằng” với vắc xin COVID-19. Hành động này diễn ra trùng với thời điểm mà dịch bệnh COVID-19 ở Ấn Độ vào giai đoạn thảm khốc nhất.

Theo AFP, bà Katherine Tai trong những tuần qua đã làm việc với giám đốc của các đơn vị sản xuất vắc xin như Moderna, Pfizer và AstraZeneca, các doanh nhân công nghệ và Bill Gates, nhà từ thiện hàng đầu thế giới người Mỹ, để thảo luận về vấn đề này.

Lời kêu gọi tiếp cận công bằng, giá cả hợp lý đối với vắc xin ngừa COVID-19 được nêu ra từ tháng 10-2020 và liên tục được nhắc lại. Ngày 23-3-2021, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC) thông qua một nghị quyết kêu gọi tiếp cận công bằng, giá cả hợp lý với vắc xin COVID-19. Nghị quyết này được hơn 130 quốc gia tán thành tại diễn đàn Geneva, khẳng định quyền của các quốc gia trong sử dụng linh hoạt các quy tắc hiện hành của WTO về sở hữu trí tuệ với vắc xin COVID-19. Thời điểm đó, Mỹ phản đối nghị quyết này.

Cũng trong tháng 3-2021, WTO đã họp bàn về miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ với vắc xin COVID-19 để cho phép các nước nghèo tiếp cận nhanh hơn với vắc xin theo đề xuất của Nam Phi và Ấn Độ. Giám đốc WTO – bà Ngozi Okonjo-Iweala – xem vấn đề này là ưu tiên hàng đầu của cơ quan này và đã tập hợp các bên liên quan để đưa ra giải pháp, trong đó có đề xuất về việc miễn trừ bằng sáng chế tạm thời. Tuy nhiên, cho đến nay, Mỹ và nhiều nước phát triển khác chưa đồng ý với lời kêu này.

Trong khi đó, Phòng Thương mại Mỹ ngày 30-4 khẳng định có “niềm tin sai lầm rằng quyền sở hữu trí tuệ là rào cản trong tiếp cận vắc xin COVID-19”. Ông Patrick Kilbride – phó chủ tịch cấp cao của Trung tâm chính sách đổi mới toàn cầu thuộc Phòng Thương mại Mỹ – nói: “Các đề xuất từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ là sai lầm và làm xao nhãng công việc thực sự là củng cố chuỗi cung ứng và hỗ trợ các quốc gia mua sắm, phân phối và quản lý vắcxin cho hàng tỉ công dân thế giới”.

Khéo léo hơn, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết chính quyền (Mỹ) tin rằng các công ty dược nên cung cấp vắc xin với quy mô và giá cả hợp lý để giúp mọi người trên thế giới đều được tiêm chủng.

Áp lực nhân đạo?

Đầu tháng 5-2021, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden đề nghị gỡ bỏ các quy định bảo vệ bằng sáng chế của vắc xin COVID-19 trong bối cảnh Ấn Độ bị “rung chuyển” bởi làn sóng dịch bệnh thứ hai.

Có thể hình dung vị trí của hai nhà lãnh đạo khi đối diện với nhau. Một bên chật vật vì thiếu vắc xin và cả nguyên liệu bào chế vắc xin, thiếu oxy cho bệnh nhân nặng, hệ thống y tế quá tải, các lò hỏa táng làm việc hết công suất… Còn một bên đang tăng tốc về kinh tế với ít nhất 100 triệu người đã tiêm đủ liều vắc xin.

Chưa hết, theo một bài báo trên tờ New York Times số ngày 11-3-2021, Mỹ đang có hàng chục triệu liều vắc xin COVID-19 của AstraZeneca mà không dùng đến trong khi nhiều nước trên thế giới, trong đó có Ấn Độ, vẫn trong tình trạng chờ vắc xin, bất kể loại nào.

Tổng thống Mỹ Joe Biden từng tuyên bố nếu Mỹ dư vắc xin, quốc gia này sẽ chia sẻ lại với thế giới, nhưng chỉ khi người Mỹ đã được tiêm chủng xong. Mỹ ôm chặt nguồn vắc xin của mình ngay cả với các nước Liên minh châu Âu (EU). Nhà sản xuất vắc xin Johnson & Johnson từng đề nghị Mỹ cho EU mượn 10 triệu liều nhưng chính quyền của ông Biden từ chối đáp ứng.

Đối với các nước nghèo, việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vắc xin, bộ xét nghiệm, thuốc điều trị COVID-19 sẽ giúp họ có thể tiến hành sản xuất ngay để đáp ứng nhu cầu khẩn cấp của mình. Chính phủ các nước có thể nhanh chóng triển khai chương trình tiêm chủng, nhiều người sẽ được tiêm vắc xin và được bảo vệ trước dịch bệnh.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng nhiều lần ủng hộ và kêu gọi bỏ một số quyền sở hữu trí tuệ với vắc xin COVID-19 vì điều này là cần thiết để thúc đẩy nguồn cung vắc xin toàn cầu, giúp các nước nghèo có thể tiếp cận nhiều hơn với vắc xin – điều kiện cần thiết để chấm dứt đại dịch COVID-19.

“Nếu chúng ta không thống nhất lúc này – một thời điểm chưa có tiền lệ – về việc tạm bỏ một số bằng sáng chế, khi nào mới là lúc thích hợp? Chỉ có đoàn kết là con đường duy nhất thoát ra khỏi tình cảnh này” – giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus viết trên Twitter.

Hơn nữa, càng kéo dài thời gian, càng có khả năng xuất hiện những biến chủng mới khó lường hơn của virus gây bệnh COVID-19, để lại những tác động tới kinh tế, gây chấn thương tâm lý lớn, tác động lâu dài.

Công ty dược có thể hợp tác với các quốc gia

Những nước phát triển có các công ty dược lớn, sản xuất thành công vắcxin như Anh, EU, Thụy Sĩ, Mỹ… đều cho rằng quyền sở hữu trí tuệ có vai trò là động lực quan trọng để thúc đẩy nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, đồng thời hoạt động như một biện pháp bảo vệ chống lại các bản sao chất lượng thấp. Các nhà sản xuất vắc xin thậm chí còn đánh vào tâm lý sợ Nga, Trung Quốc khi cho rằng nếu bỏ quyền sở hữu trí tuệ, chẳng khác nào dâng công nghệ vào tay hai quốc gia này, theo báo Financial Times.

Nếu chuyện từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ không đi đến đâu, hoặc trong khi chờ đợi cuộc vận động này thành công, có một giải pháp khả dĩ hơn đó là các công ty dược có thể hợp tác với các nhà sản xuất vắc xin ở các quốc gia trên thế giới để tối đa hóa khả năng cung ứng và các nhà sản xuất vắc xin rất có thể sẽ nỗ lực làm điều này.

HỒNG VÂN
TTO