Chúa Nhật V Phục Sinh B 2021: Cành nho đầy trái ngọt lành

Tuần trước chúng ta đã bàn đến sự sống dồi dào của người tín hữu với Đức Giêsu Phục Sinh. Tuần này Giáo Hội mời gọi ta phát huy sự sống dồi dào ấy như những cành nho mang đầy trái ngọt để bổ dưỡng cho con người. Câu hỏi đặt ra cho ta hôm nay là mình có thật sự là cành nho đầy trái không và muốn sinh nhiều trái ngọt, chúng ta phải làm gì?

Chúa Nhật V Phục Sinh B 2021

Cành nho đầy trái ngọt lành

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Tuần trước chúng ta đã bàn đến sự sống dồi dào của người tín hữu với Đức Giêsu Phục Sinh. Tuần này Giáo Hội mời gọi ta phát huy sự sống dồi dào ấy như những cành nho mang đầy trái ngọt để bổ dưỡng cho con người. Câu hỏi đặt ra cho ta hôm nay là mình có thật sự là cành nho đầy trái không và muốn sinh nhiều trái ngọt, chúng ta phải làm gì?

1. Những tình trạng sống khác nhau của tín hữu

Bài Tin Mừng (x. Ga 15,1-8) như muốn mô tả cho ta những tình trạng khác nhau của đời sống tín hữu.

Từng tín hữu chúng ta đều được Chúa Cha dựng nên theo hình ảnh của Ngài, được ban tặng thời giờ, khả năng và những ân sủng cao quý của Chúa Thánh Thần, để trở thành những cành nho trong một cây nho duy nhất là Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa làm người. Nhưng mỗi cành nho có thể phát triển khác nhau tuỳ vào việc cành đó có gắn liền với thân nho để cùng chia sẻ chung một dòng nhựa sống của Đức Giêsu hay không. Chúng ta có thể phân biệt những loại cành khác nhau sau đây:

– Những cành khô héo

– Những cành xanh tươi nhưng không có trái

– Những cành có ít trái ngọt

– Những cành đầy trái ngọt

Trước hết, những cành nho khô héo là hình ảnh của những người tự nguyện cắt đứt với dòng nhựa sống kỳ diệu phi thường của Đức Giêsu. Những tham vọng, dục vọng của họ đã làm tắc nghẽn dòng nhựa sống này. Chúa Giêsu xác nhận: “Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quẳng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo”. Thánh Gioan cũng nói với ta: “Ai giữ các điều răn của Thiên Chúa thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1Ga 3,24). Những người này không ở lại trong Đức Giêsu vì đã không giữ điều răn yêu thương của Người.

Tiếp theo, những cành xanh tươi đầy lá nhưng không có trái tượng trưng cho những người bằng lòng, thậm chí tự mãn, với đời sống đạo đức của mình: sáng lễ, chiều kinh, tham dự hội đoàn, ca đoàn, hay một số hoạt động bác ái. Nhưng họ làm tất cả những công việc đó chỉ để chứng tỏ lòng đạo của mình, chứ không làm vì tình yêu đối với Chúa và tha nhân. Họ cũng không phải là người ở lại trong tình yêu của Đức Giêsu. Đức Giêsu đã cảnh báo họ: “Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Cha Thầy là người trồng nho sẽ chặt đi”.

Sau đó, những cành sinh ít trái tượng trưng cho những người đã biết gắn bó với Đức Giêsu, nhưng chưa đón nhận sự cắt tỉa của Chúa Cha. Đức Giêsu nói: “Còn cành nào sinh hoa trái thì Cha Thầy cắt tỉa cho nó sinh nhiều trái hơn”. Sự cắt tỉa này là loại bớt những cành lá rườm rà tiêu tốn dòng nhựa sống nhưng lại không đủ sức kết trái.

Giáo Hội toàn cầu nói chung, và Giáo hội Việt Nam nói riêng, đang có rất nhiều tín hữu sống trong tình trạng này: họ không hiểu trái ngọt là những hành động cụ thể tạo nên niềm vui, hạnh phúc và ơn cứu độ cho người khác như Chúa Giêsu đã làm cho nhân loại. Qua đời lao động cần cù ở Nazareth, qua lời loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa, qua việc chữa lành bệnh tật, giải thoát con người khỏi bị ma quỷ kiềm chế, tha thứ tội lỗi, làm cho kẻ chết sống lại, Người đã cứu độ tất cả.

Họ lại lầm tưởng đạo tập trung vào nghi lễ, cầu nguyện, bí tích, đi hành hương, ăn chay, hãm mình và tốn nhiều tiền của, sức lực cho các hoạt động đó. Những hoạt động này cần thiết để có được dòng nhựa sống của Chúa Giêsu, như Đức Giêsu cầu nguyện để gắn bó với Chúa Cha, nhưng không phải là hoa trái mà Chúa Giêsu mong muốn. Công đồng Vaticanô II đã thúc đẩy người tín hữu hành động để xây dựng một nền văn minh tình yêu qua những hoạt động trong mọi lĩnh vực của đời sống như kinh tế, xã hội, chính trị, văn hoá, nghệ thuật, khoa học, giáo dục… Đó mới là những trái ngọt dâng hiến cho đời, nhưng những trái ngọt này thật hiếm hoi trong đời sống tín hữu, vì từ bao thế kỷ qua, chúng ta vẫn được dạy phải tập trung mọi hoạt động vào Chúa chứ không phải vào con người.

Cuối cùng, những cành nho đầy trái ngọt tượng trưng cho những con người biết ở lại trong tình yêu của Đức Giêsu. Người nói: “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được”. Ở lại trong tình yêu không phải là ta ngồi yên để cảm nghiệm và hưởng thụ những ơn lành ngọt ngào mà Chúa Giêsu dành cho ta như nhiều người đã từng hiểu lầm về đời sống kết hợp với Chúa qua việc hưởng kiến, chiêm niệm, tâm niệm v.v.. Ở lại trong tình yêu của Người là chúng ta phải sắn tay áo lên để hành động, phải vén cao ống quần để hoà nhập cuộc sống trần thế, phải lao chính thân mình vào con đường thánh giá như Đức Giêsu. Vì thế, thánh Gioan mới dạy ta qua Bài đọc II (x. 1Ga 3,18-24): “Chúng ta đừng yêu thương nhau nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm”.

Vậy, trong bốn loại cành trên, ta thuộc loại nào?

2. Muốn sinh nhiều trái ngọt, ta phải làm gì?

Có hai điều cần phải thực hiện để chúng ta sinh nhiều hoa trái cho Chúa và cho đời: đó là ở lại trong Chúa Giêsu và hành động trong Thần Khí của Người.

2.1. “Ở lại trong Chúa Giêsu”. Vì Đức Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người đã chịu chết và sống lại, nên Người là nguồn sinh lực mới mẻ và vô tận để ta có thể kín múc được tình yêu, hạnh phúc, khôn ngoan, chân thiện mỹ cho mọi hành động của mình. Đó là dòng nhựa sống phi thường để ta sinh ra nhiều hoa trái tốt đẹp cho đời.

Kể từ khi Đức Giáo hoàng Lêô XIII công bố Thông điệp Rerum Novarum (Những điều mới mẻ) năm 1891, khởi đầu cho học thuyết xã hội Công giáo đến nay, Giáo Hội không ngừng nhắc nhở người tín hữu phải xây dựng một nền nhân bản toàn diện và liên đới, lấy Đức Giêsu Kitô là con người mới làm tâm điểm. Nền nhân bản này lấy con người làm trung tâm và quy hướng mọi hoạt động của Giáo hội Công giáo nơi trần thế vào một mục đích căn bản là xây dựng nền văn minh tình yêu.

Qua văn kiện của các giáo hoàng, nhất là của Công đồng Vatican, Giáo Hội mời gọi ta hãy tích cực hành động để mang nhiều hoa trái và chỉ dẫn cách hành động trong mọi lĩnh vực như gia đình, kinh tế, xã hội, chính trị, môi trường bằng nhiều tài liệu hướng dẫn, nhất là các cuốn như Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo công bố năm 2004, cuốn DoCat năm 2016… Tiếc rằng nhiều tín hữu, và ngay cả những người có trách nhiệm giáo dục tín hữu, cũng chưa quan tâm và học hỏi. Vì thế, “ở lại trong Đức Giêsu” vào hoàn cảnh hiện nay lại là việc khám phá và học hỏi về sự thật mà Đức Giêsu muốn dạy dỗ ta cách hành động như Người qua Tin Mừng và các văn kiện đó.

2.2. Hành động trong Thần Khí của Đức Giêsu

Việc thứ hai chúng ta cần làm là hành động trong Thần Khí của Đức Giêsu. Chính Chúa Thánh Thần mà chúng ta nhận được từ Chúa Giêsu Phục Sinh, khi Người thổi hơi trên chúng ta, sẽ biến những sự thật mà chúng ta học được thành những hành động cụ thể và hữu ích cho con người. Đó mới là những trái ngọt mang lại hạnh phúc, sức khoẻ, niềm vui và ơn cứu độ cho những ai tin vào Đức Giêsu.

Do đó, thánh Gioan nói với chúng ta hôm nay: “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, đó là nhờ Thần Khí. Thần Khí Người đã ban cho chúng ta” (1Ga 3,24). Thần Khí đó đã tác động mãnh liệt trên các tông đồ thời Giáo Hội sơ khai, như trong Bài đọc I (x. Cv 9,26-31), thì cũng thúc đẩy ta hành động với đủ loại ân sủng của Ngài để chúng ta biến đổi cộng đồng dân tộc và nhân loại.

Lời kết

Hôm nay chúng ta hãy cầu xin Chúa Giêsu cho ta được kết hợp mật thiết với Người để nhờ Chúa Thánh Thần hướng dẫn ta hành động, ta sẽ sinh nhiều hoa trái cứu độ, xứng đáng là môn đệ của Đấng Phục Sinh. Đó chính là sự tôn vinh Chúa Cha (x. Ga 15,8).

HKK