23/01/2025

35 năm thảm hoạ hạt nhân Chernobyl: Có ảnh hưởng di truyền với con người?

35 năm thảm hoạ hạt nhân Chernobyl: Có ảnh hưởng di truyền với con người?

Phóng xạ trong thảm họa hạt nhân Chernobyl ở Ukraine xác định được hai điều mà con người lo lắng liên quan di truyền: nó không làm thay đổi gen của thế hệ sau, nhưng có làm thay đổi di truyền đối với người bị ung thư tuyến giáp.

 

35 năm thảm họa hạt nhân Chernobyl: Có ảnh hưởng di truyền với con người? - Ảnh 1.

Ngày 25-4, các nhân viên Nhà máy điện Chernobyl tưởng nhớ nạn nhân thảm họa tại Slavutych, nơi họ sinh sống cách nhà máy 50km – Ảnh: AFP

Tai nạn hạt nhân nghiêm trọng nhất thế kỷ 20 đã xảy ra tại Nhà máy điện Chernobyl ở Ukraine (thuộc Liên Xô cũ) ngày 26-4-1986.

Nhân dịp 35 năm xảy ra thảm họa, tạp chí Science đã công bố hai công trình nghiên cứu.

Con cái không bị thay đổi di truyền

Nghiên cứu thứ nhất của các nhà khoa học Mỹ, Nga, Nhật, Brazil, Ukraine và lãnh thổ Đài Loan có tiêu đề “Không có tác động xuyên thế hệ về phơi nhiễm bức xạ ion hóa từ tai nạn Chernobyl”.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích bộ gen hoàn chỉnh của 130 người sinh từ năm 1987 đến năm 2002 và 105 cặp cha mẹ của họ.

Các cha mẹ này từng tiếp xúc với bức xạ ion hóa khi dọn dẹp Nhà máy điện Chernobyl, hoặc môi trường xung quanh ngay sau tai nạn hoặc sống gần nhà máy.

Mục đích phân tích bộ gen nhằm xem trong gen có gia tăng các dạng biến đổi di truyền nào hay không, tức đột biến “de novo” (dị tật di truyền mà trẻ mắc phải trong khi tiền sử gia đình không ai mắc).

Kết quả cho thấy việc cha mẹ có tiếp xúc với bức xạ ion hóa không dẫn đến thay đổi di truyền ở thế hệ con cái.

TS Stephen J. Chanock ở Viện Ung thư quốc gia Mỹ – một trong các tác giả nghiên cứu – nhận xét: “Chúng tôi đánh giá kết quả này rất an tâm cho những người sống ở Fukushima vào thời điểm xảy ra vụ tai nạn năm 2011. Chúng tôi biết liều phóng xạ ở Nhật thấp hơn liều được ghi nhận tại Chernobyl”.

35 năm thảm họa hạt nhân Chernobyl: Có ảnh hưởng di truyền với con người? - Ảnh 2.

Dọn dẹp Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl sau tai nạn – Ảnh: REPORTERRE.NET

Người mắc ung thư tuyến giáp có thay đổi di truyền

Nghiên cứu thứ hai của các nhà khoa học Mỹ, Anh, Nhật và Ukraine có tiêu đề “Hồ sơ bộ gen liên quan đến phóng xạ của ung thư tuyến giáp dạng nhú sau tai nạn Chernobyl”.

Nghiên cứu này nhằm nhận dạng những thay đổi di truyền nơi người bị ung thư tuyến giáp sau khi tiếp xúc với bức xạ trong thời thơ ấu hoặc trong bào thai.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích mẫu sinh học của 359 người có tiếp xúc với bức xạ ion hóa, rồi so sánh với mẫu của 81 người không bị phơi nhiễm vì sinh ra hơn 9 tháng sau thảm họa Chernobyl.

Kết quả cho thấy bức xạ ion hóa có thể làm hỏng ADN của những người bị phơi nhiễm thời thơ ấu, đặc biệt có hai sợi ADN bị đứt gãy.

Trẻ lúc tiếp xúc càng nhỏ tuổi, hiện tượng này càng nghiêm trọng.

Ngoài ra, người tiếp xúc với liều lượng bức xạ cao hơn có nhiều hợp nhất gen tương ứng, nghĩa là hai sợi ADN bị đứt gãy của họ cuối cùng ráp với nhau nhưng ráp sai.

Ngược lại, người không bị phơi nhiễm hoặc tiếp xúc với mức độ bức xạ thấp chỉ có đột biến điểm trên một cặp ADN duy nhất, do đó tình trạng ít nghiêm trọng hơn.

Các nhà nghiên cứu kết luận nguy cơ phát triển ung thư tuyến giáp có thể cao hơn nếu hai sợi ADN bị đứt gãy, nghĩa là bệnh này có liên quan đến thay đổi di truyền.

HOÀNG DUY LONG
TTO