14/11/2024

Việt Nam và Indonesia hợp tác cảnh sát biển, đàm phán vùng đặc quyền kinh tế ở Biển Đông

Việt Nam và Indonesia hợp tác cảnh sát biển, đàm phán vùng đặc quyền kinh tế ở Biển Đông

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 23-4 khẳng định đặc biệt coi trọng vấn đề vùng đặc quyền kinh tế, tạo hành lang pháp lý nhằm tăng cường hợp tác, giảm các vụ việc đánh bắt cá trái phép ở Biển Đông.

 

Việt Nam và Indonesia hợp tác cảnh sát biển, đàm phán vùng đặc quyền kinh tế ở Biển Đông - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Indonesia Joko Widodo gặp xã giao ngày 23-4, trước thềm Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN tổ chức ở Jakarta (Indonesia) – Ảnh: REUTERS

Hôm 23-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thủ đô Jakarta của Indonesia để dự Hội nghị các nhà lãnh đạo Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), diễn ra ngày 24-4.

Hội nghị lần này xoay quanh nhiều vấn đề về hợp tác như tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN, cũng như việc ứng phó dịch bệnh do virus corona chủng mới (COVID-19), và đặc biệt là thảo luận tình hình Myanmar.

Ngoài hội nghị, Thủ tướng cũng có một số cuộc gặp khác, bao gồm cuộc chào xã giao Tổng thống nước chủ nhà Widodo trước thềm sự kiện.

Thủ tướng Phạm Minh Chính là lãnh đạo ASEAN đầu tiên được Tổng thống Widodo đón tiếp nhân dịp hội nghị lần này.

Tại cuộc gặp ở Dinh Tổng thống, thành phố Bogor, Tổng thống Widodo chúc mừng Thủ tướng Phạm Minh Chính đã được Quốc hội bầu vào trọng trách mới.

Ông “bày tỏ ngưỡng mộ và chúc mừng thành tựu của Việt Nam trong phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế; khẳng định Indonesia rất coi trọng và mong muốn không ngừng phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác Chiến lược với Việt Nam”, Cổng thông tin Chính phủ cho biết.

Việt Nam và Indonesia hợp tác cảnh sát biển, đàm phán vùng đặc quyền kinh tế ở Biển Đông - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Indonesia Joko Widodo tại cuộc gặp ngày 23-4 – Ảnh: REUTERS

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam tiếp tục kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, chủ động tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng; khẳng định Việt Nam hết sức coi trọng, sẽ không ngừng củng cố và mở rộng quan hệ Đối tác Chiến lược với Indonesia.

Hai nhà lãnh đạo đã dành nhiều thời gian để trao đổi về các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế song phương; đặc biệt là việc giảm rào cản thương mại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp hai nước để sớm đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 10 tỉ USD theo hướng giảm nhập siêu của Việt Nam.

Hai bên nhất trí sớm nối lại các đường bay vào thời điểm phù hợp và xem xét tạo điều kiện cho Vietjet Air mở các đường bay từ Hà Nội và TP.HCM đến Jakarta; thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực sản xuất dược phẩm; tăng cường hợp tác biển và đại dương, trong đó có hợp tác giữa các lực lượng cảnh sát biển hai nước.

Hai nhà lãnh đạo khẳng định đặc biệt coi trọng sự cần thiết sớm hoàn tất đàm phán ranh giới vùng đặc quyền kinh tế giữa hai nước để tạo hành lang pháp lý cho hai bên tăng cường hợp tác, giảm các vụ việc đánh bắt cá trái phép, tạo hình mẫu về giải quyết khác biệt trên biển giữa các quốc gia, góp phần giữ gìn hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực.

Tổng thống Widodo đánh giá cao việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN ngay sau khi mới nhậm chức, thể hiện tinh thần trách nhiệm của Việt Nam.

Hai bên khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ và hiệu quả tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là ASEAN và Liên Hiệp Quốc, cùng phối hợp với các nước ASEAN khác thúc đẩy giải quyết vấn đề Myanmar theo hướng sớm ổn định tình hình, giảm bạo lực và thương vong cho người dân, nối lại đối thoại giữa các bên để tìm kiếm giải pháp hòa bình, vì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.

Hai bên cũng nhất trí duy trì lập trường chung của ASEAN trong vấn đề Biển Đông, trong đó có việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không, thực hiện hiệu quả DOC và sớm hoàn tất đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với Luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN là sự kiện công tác nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính kể từ lúc đảm nhận cương vị mới.

Ngoài Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ chào xã giao Quốc vương Brunei Darussalam Haji Hassanal Bolkiah – chủ tịch ASEAN 2021, có các cuộc gặp với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin, Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh, cũng như tham dự cuộc gặp giữa Thủ tướng Việt Nam, Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen và Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh.

NHẬT ĐĂNG – Chinhphu.vn
TTO