22/01/2025

Sài Gòn là ai, nếu không phải là chính chúng ta?

Sài Gòn là ai, nếu không phải là chính chúng ta?

Cuộc thi viết “Sài Gòn bao dung – TP.HCM nghĩa tình” của báo Tuổi Trẻ đã khơi mở một dòng chảy ngầm khi người dự thi là bạn đọc hiếm hoi người viết chuyên nghiệp nhưng đã viết về Sài Gòn từ gan ruột mình, chân thực, cảm động và bình dị…

 

 

Sài Gòn là ai, nếu không phải là chính chúng ta? - Ảnh 1.

Ổ bánh mì từ thiện của cô Lan (369 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 24, quận Bình Thạnh) với phương châm “mỗi người một ổ” ra đời từ tháng 8-2015 nhằm giúp những người nghèo khó khăn, đến nay tủ bánh mì từ thiện đã xuất hiện trên khắp cả nước – Ảnh: MINH ANH

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng… để gió cuốn đi” mang theo những hạt giống nhân ái gieo vào cuộc sống. Mỗi câu chuyện của cuộc thi này là một hạt mầm xanh như thế trên mảnh đất Sài Gòn – TP.HCM bao dung và tình nghĩa.

Nguyễn Thị Hậu

Thành phố này hiện lên sinh động qua hình ảnh, chi tiết, ngôn ngữ và những tấm lòng. Bài nào cũng làm người đọc muốn mở lòng chia sẻ những câu chuyện đời thường mà mình từng chứng kiến, thể hiện qua hàng chục comment dưới mỗi bài.

Thành công của cuộc thi không chỉ là số bài gửi về tham dự, mà quan trọng hơn là đã cho thấy ngày càng có nhiều “người Sài Gòn” bảo vệ và lan truyền một đặc trưng tốt đẹp của nơi họ đang sinh sống: “Sài Gòn bao dung – TP.HCM nghĩa tình”.

Giúp ai được gì thì giúp ngay

Sống ở Sài Gòn, có lẽ nhiều người từng là “người trong cuộc” như những câu chuyện tham gia cuộc thi. Tôi cũng vậy. Có lần đi từ tỉnh về, tôi bị xe khách bỏ lại ở cây xăng ngã tư Phú Nhuận vào lúc 3h sáng.

Tôi tính đi bộ về nhà cách đó hơn một cây số thì anh bán xăng nói: giờ này chị đi bộ một mình nguy hiểm lắm, chờ chút xem có ai đi hướng đó thì nhờ họ chở giùm. Lúc đó có một anh bạn trẻ ghé đổ xăng. Bộ đồ bảo hộ bạc màu, chiếc xe máy cũ kỹ đằng sau có những sợi dây cột đồ, chắc là người chở thuê hay bỏ mối hàng.

Bất giác tôi hỏi: “Em có đi về phía Gò Vấp không cho chị đi nhờ một đoạn?”. Em trai ngần ngừ một chút rồi gật đầu. Đến nơi, tôi cảm ơn và hỏi em đi đâu phía này mà sớm vậy. Em cười nói: “Dạ không, em đi về quận 1”. Rồi em quay xe chạy vào hẻm đi ngược lại đoạn đường em vừa cho tôi đi nhờ…

Việc “giúp ai được gì thì giúp ngay” như vậy ở Sài Gòn rất nhiều và đã trở thành bình thường. Vậy mà mỗi câu chuyện vẫn làm tôi rưng rưng cảm động! Tôi bắt gặp ở đó hình ảnh “một chốn đôi quê” của các tác giả cũng là của mình nhiều năm về trước, bởi vì phần lớn họ là người từ miền Trung và miền Bắc vào, từ miền Tây lên, cả người từ Sài Gòn đã đi xa…

Sài Gòn là ai, nếu không phải là chính chúng ta? - Ảnh 3.

Người Sài Gòn với gian quần áo cũ cho những người có hoàn cảnh khó khăn đến lấy – Ảnh: DUYÊN PHAN

Xóa mờ khái niệm “nhập cư”

Những câu chuyện của cuộc thi cho thấy một điều thú vị: ở TP.HCM khái niệm “người nhập cư” có lẽ chỉ được sử dụng trong cơ quan công quyền để phân biệt người có hộ khẩu và người không/chưa có hộ khẩu ở thành phố nhằm mục đích “quản lý hành chánh”, hay trong nghiên cứu khoa học thì gắn khái niệm này với loại hình “kinh tế phi chính thức”.

Còn trong đời sống hằng ngày hầu như người Sài Gòn ít quan tâm ai là “người nhập cư” hay “dân tỉnh” (mặc dù ở miền Tây Nam Bộ hay gọi người Sài Gòn là “người thành phố”, đi Sài Gòn là “lên thành phố”), vì vậy hỏi nhau “quê đâu?” là để thêm phần thân thiết chứ không có ý phân biệt người “tỉnh” hay “thành”.

Nếu ai đó mặc cảm hay lo ngại mình là “người nhập cư” thì qua những câu chuyện này sẽ nhận ra rằng trải qua năm tháng khó nhọc mưu sinh, ai sống ở TP.HCM cũng có một quê hương để nhớ thương, đồng thời còn có cả Sài Gòn để mỗi ngày được sống giữa tình nghĩa và sự chân thành.

Từ cuộc thi, tôi gặp lại cung bậc cảm xúc của chính mình và bạn bè từng có. Những người bạn của tôi quê quán từ nhiều vùng miền, tỉnh thành, do những hoàn cảnh khác nhau, đã đến sống ở thành phố này trên dưới bốn mươi năm.

Tuy không được sinh ra tại đây nhưng Sài Gòn đã cho chúng tôi sự trưởng thành, công ăn việc làm, cuộc sống không giàu có nhưng ổn định, và có lẽ cũng là nơi sẽ “nhắm mắt xuôi tay”. Vậy nhưng không ít người luôn mải mê mơ ước hay nhớ thương một nơi chốn khác, đọc những câu chuyện này bỗng nhận ra mình đã bất công với thành phố đã nuôi dưỡng mình!

Vượt qua sự “bất công” này, các tác giả đã không ngại ngần bày tỏ tình yêu sâu đậm với TP.HCM từ những điều giản dị hằng ngày. Thật vậy, nếu không quá “thiên lệch” lòng yêu thương đối với nơi chôn nhau cắt rốn thì tình cảm đối với thành phố này sẽ công bằng hơn. Bởi vì Sài Gòn là ai, nếu không phải là chính chúng ta?

Sài Gòn là ai, nếu không phải là chính chúng ta? - Ảnh 4.

Đây là con hẻm đối diện chợ Phú Nhuận với bình nước miễn phí, tiệm sửa xe miễn phí cho người khuyết tật và bảng chỉ đường cặn kẽ – Ảnh: QUÂN NAM

 

Đất lành chim đậu

TP.HCM qua những bài viết dự thi là muôn mặt đời thường vô cùng sinh động, là mọi nghề nghiệp của xã hội đô thị hiện đại như một bức tranh “siêu thực” khổng lồ, là cuộc sống phức tạp khó lường như dòng Cửu Long cuồn cuộn từ thượng nguồn đổ về mùa nước lớn.

Qua những biến thiên lịch sử, Sài Gòn đã thay đổi nhiều, dù có điều hay điều dở nhưng mạch nguồn trong lành vẫn hiện hữu mỗi ngày nuôi dưỡng những tâm hồn bình dị, nuôi dưỡng những việc làm nhỏ bé tốt đẹp.

Cư dân đô thị thường bị coi là có lối sống cá nhân “đèn nhà ai nấy rạng”, lạnh nhạt tình nghĩa hàng xóm láng giềng, vậy nhưng ở thành phố này đằng sau cái vẻ ồn ào hời hợt, ẩn dưới sự xa cách như vô tâm… là tình cảm chân thành và thực tế “thương người như thể thương thân”.

Giúp đỡ, cưu mang, chia sẻ là hành động phổ biến, không chỉ với người hàng xóm, người làm chung mà cả với khách vãng lai gặp khó khăn, nhất là với những số phận không may mắn…

Ở thành phố này ta dễ được quan tâm mà không cảm thấy phiền phức, thường thấy “người ăn cơm giúp người ăn cháo” một cách vô tư, thái độ thân thiện vui vẻ của người không quen biết, và trở nên hướng thiện hơn bởi cách đối đãi tử tế kể cả khi phạm phải lỗi lầm…

Cách ứng xử “giúp người cũng phải có cái tâm”, “của cho không bằng cách cho” với sự cảm thông và tôn trọng nhau là đạo lý của người Sài Gòn.

Đồng thời sự biết ơn cũng là thái độ phổ biến ở đây, từ một nụ cười, câu cảm ơn với người giúp mình, đến việc sẵn lòng giúp lại người khác mà không ngại ít nhiều, có lúc quên mình “kiến ngãi bất vi”. Tất cả làm cho Sài Gòn cởi mở, dung dị, hòa hợp và tôn trọng những cộng đồng khác nhau.

TP.HCM ngày nay mở rộng và dân số tăng nhanh hơn nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, khác với nhiều thành phố lớn, ở đây không có khái niệm “người Sài Gòn gốc” dù nhiều gia đình sống ở đây vài ba thế hệ.

Nhưng ai đã vô Sài Gòn làm ăn sinh sống chắc chắn sẽ trở thành “người Sài Gòn”. Đó là vì nơi này không câu nệ bạn là ai hay bạn từ đâu đến mà luôn chia sẻ cơ hội cho bất cứ ai đến đây, từ người trắng tay phải kiếm ăn từng bữa đến người tài năng hay giàu có muốn được thử sức.

“Đất lành chim đậu”, người Sài Gòn ngày càng trẻ hơn, bản sắc Sài Gòn cũng ngày một dày hơn theo thời gian sinh sống ở thành phố này. Sài Gòn – TP.HCM đã luôn phát huy được nguồn lực của mình và từ đó lại chia sẻ, đóng góp cho cả nước là nhờ chất keo gắn kết của di sản quý giá này!

NGUYỄN THỊ HẬU
TTO