26/12/2024

EU tăng hiện diện ở Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương, nói ‘Biển Đông cần tự do và cởi mở’

EU tăng hiện diện ở Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương, nói ‘Biển Đông cần tự do và cởi mở’

Liên minh châu Âu (EU) sẽ tăng cường sự can dự sâu hơn tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đặc biệt với những đối tác đã công bố các cách tiếp cận tại khu vực này.

 

 

 

EU tăng hiện diện ở Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương, nói ‘Biển Đông cần tự do và cởi mở’ - Ảnh 1.

Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell tại một cuộc họp qua điện thoại của các ngoại trưởng EU ngày 19-4 – Ảnh: REUTERS

Cuối tuần qua, ngoại trưởng 27 nước thành viên EU đã thông qua “Chiến lược hợp tác của Liên minh châu Âu tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.

Trong thông cáo ngày 20-4 của phái đoàn EU tại Việt Nam, EU khẳng định kết luận của Hội đồng về chiến lược hợp tác của EU ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thể hiện sự nhận thức của EU về tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực này, và cam kết củng cố vai trò của mình trong hợp tác với các đối tác tại đây.

Theo đó, sự hợp tác trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vô cùng quan trọng trong việc thực hiện nghị trình toàn cầu của cộng đồng quốc tế, bao gồm cả việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc.

Trong những năm qua, EU nhấn mạnh họ đã liên tục có những đóng góp đáng kể trong khu vực về hợp tác phát triển và hỗ trợ nhân đạo, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, tình trạng mất đa dạng sinh học và ô nhiễm, đồng thời góp phần duy trì luật pháp quốc tế, bao gồm cả vấn đề quyền con người và tự do hàng hải.

“Do vậy, EU có một lợi ích lớn tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và có mọi lợi ích trong việc duy trì một cấu trúc khu vực cởi mở và dựa trên luật lệ. Tuy nhiên, những biến động hiện tại ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã làm nảy sinh sự cạnh tranh địa chính trị gay gắt, làm gia tăng áp lực lên thương mại và các chuỗi cung ứng cũng như những căng thẳng trong các lĩnh vực công nghệ, chính trị và an ninh. Tính phổ quát của quyền con người cũng đang bị thách thức. 60% thương mại đường biển thế giới đi qua các đại dương của khu vực, trong đó một phần ba là đi qua Biển Đông. Các tuyến đường của khu vực này cần phải được duy trì sự tự do và cởi mở”, phía EU cho biết.

Vì lý do trên, EU khẳng định sẽ tăng cường sự can dự sâu hơn tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đặc biệt là với những đối tác đã công bố các cách tiếp cận Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của riêng họ.

Việc thông qua kết luận của hội đồng cho phép EU tăng cường hợp tác hơn nữa trong nhiều lĩnh vực như quản trị đại dương, y tế, nghiên cứu và công nghệ, an ninh và quốc phòng, kết nối và củng cố hợp tác cùng nhau trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu.

“EU mong muốn được hợp tác với mọi đối tác của mình trong tất cả các lĩnh vực này, đặc biệt là thực hiện nhiệm vụ chung trong giải quyết các tác động to lớn về kinh tế và con người của cuộc khủng hoảng COVID-19, đảm bảo một sự phục hồi kinh tế – xã hội xanh, bền vững và bao trùm, đồng thời tạo ra các hệ thống y tế có sức chống chịu tốt hơn”, thông cáo nêu.

NHẬT ĐĂNG
TTO