26/12/2024

Bộ GD-ĐT nói gì khi học sinh không có nơi để giải tỏa tâm lý?

Bộ GD-ĐT nói gì khi học sinh không có nơi để giải tỏa tâm lý?

Nhiều ý kiến khẳng định sự cần thiết, tầm quan trọng của tư vấn tâm lý trong trường học. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra: Tại sao vấn đề này đã được bàn thảo cả chục năm nay vẫn tiếp tục là ‘khoảng trống’ trong trường học?

 

Buổi tư vấn tâm lý trong một trường THCS tại TP.HCM /// Đào Ngọc Thạch
Buổi tư vấn tâm lý trong một trường THCS tại TP.HCM ĐÀO NGỌC THẠCH
Ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị, công tác học sinh (HS), sinh viên (Bộ GD-ĐT), cũng khẳng định sức khỏe thể chất, tinh thần của HS, sinh viên phải đặc biệt được quan tâm. Trước sức ép cuộc sống, học tập, nếu không được tư vấn, xử lý kịp thời có thể gây ra hậu quả như nhẹ thì buồn chán, học kém, có thể có hành vi bạo lực học đường, nặng thì trầm cảm, tự tử…
Ông Linh cho biết, năm 2017 Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 31 hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho HS. Theo đó, mỗi nhà trường sẽ phải có một tổ tư vấn tâm lý cho HS, tổ này do hiệu trưởng hoặc ít nhất là một hiệu phó làm tổ trưởng, các thành viên tùy theo điều kiện, khả năng, năng lực có số lượng khoảng từ 3 – 7 người và tất cả giáo viên (GV) tham gia đều phải có chứng chỉ bồi dưỡng về công tác tư vấn tâm lý.
Như vậy, theo ông Linh, gần 50.000 cơ sở giáo dục từ tiểu học đến THPT trên cả nước đều phải có trách nhiệm thành lập tổ tư vấn tâm lý trong nhà trường nếu chưa có điều kiện thành lập bộ phận tư vấn tâm lý chuyên trách. Đến thời điểm này, có khoảng hơn 70% số trường đã bố trí được phòng tư vấn tâm lý riêng hoặc ghép với phòng chức năng khác; hơn 40.000 GV được bồi dưỡng và cấp chứng chỉ theo chương trình của Bộ GD-ĐT.
Tuy nhiên, ông Linh cho biết tổ tư vấn tâm lý này chủ yếu mới là kiêm nhiệm, GV làm công tác tư vấn tâm lý được tính định mức theo giờ dạy khoảng 3 – 8 tiết/tuần. Do nhà nước đang thực hiện tinh giản bộ máy, tinh giản biên chế nên việc tuyển dụng cán bộ làm công tác tư vấn tâm lý trong trường phổ thông vẫn còn hạn chế dù đã đưa vào Thông tư 16 về khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập.
Về giải pháp cho tình trạng này, ông Linh cho rằng các nhà trường có thể phối hợp với các trung tâm có chức năng ở bên ngoài nhà trường để xử lý các vấn đề có liên quan đến vấn đề tâm lý học đường cho HS và cả GV. Để đưa lực lượng chuyên nghiệp, được đào tạo chuyên sâu về tâm lý học đường, cũng đã có quy định cho phép các trường có thể ký hợp đồng với chuyên gia để làm công tác tư vấn tâm lý trong trường phổ thông. Một chuyên gia có thể hợp đồng làm việc với nhiều trường để giải quyết việc thiếu GV tâm lý. Việc có bộ phận tư vấn tâm lý trong nhà trường không chỉ giúp cho việc thực hiện kỷ luật tích cực với HS phạm lỗi, mà còn góp phần phòng ngừa các hiện tượng tiêu cực trong hành vi ứng xử của HS.
TUYẾT MAI
TNO