IAEA xác nhận Iran làm giàu uranium có mức tinh khiết 60%
IAEA xác nhận Iran làm giàu uranium có mức tinh khiết 60%
Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ngày 17-4 xác nhận Iran đã bắt đầu việc làm giàu uranium có mức tinh khiết 60% tại một cơ sở sản xuất trên mặt đất ở thành phố Natanz, tỉnh Isfahan, giống như tuyên bố trước đó của Tehran.
Theo Hãng tin Reuters, động thái mới nhất của Tehran đang tạo thêm phần khó khăn cho các cuộc đối thoại nhằm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và các cường quốc thế giới. Quốc gia này được cho là đang từng bước tiến đến sản xuất loại uranium dùng cho vũ khí.
Trước đó, uranium của Iran chỉ đạt độ tinh khiết 20%, điều vốn đã vi phạm thỏa thuận hạt nhân. Theo thỏa thuận hạt nhân Iran, Tehran cam kết làm giàu uranium ở mức tinh khiết 3,67%.
Theo Reuters, Iran đẩy mạnh làm giàu uranium sau một vụ nổ khiến máy móc một cơ sở sản xuất dưới lòng đất lớn hơn của nhà máy làm giàu nhiên liệu tại Natanz chịu hư hại nặng. Tehran cáo buộc Israel và một nghi phạm đang bị truy nã có liên quan tới vụ nổ này.
Hôm 16-4, Chủ tịch Quốc hội Iran Mohammad Bagher Ghalibaf tuyên bố nước này đã thành công trong việc làm giàu uranium đến độ tinh khiết 60%, mức cao nhất từ trước tới nay.
Cùng ngày, lãnh đạo Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran Ali Akbar Salehi xác nhận hoạt động làm giàu uranium đang diễn ra ở cơ sở hạt nhân Martyr Ahmadi Roshan thuộc tổ hợp Natanz.
IAEA tuyên bố “xác nhận rằng Iran đã bắt đầu sản xuất UF6 (uranium hexafluoride) lên mức 60%… tại Nhà máy Làm giàu nhiên liệu thí điểm Natanz (PFEP)”.
UF6 hay còn gọi là uranium hexaflouride là loại uranium sử dụng trong ngành công nghiệp hạt nhân. Đây là một hợp chất được sử dụng trong quá trình làm giàu uranium, tạo ra nhiên liệu cho lò phản ứng hạt nhân và vũ khí hạt nhân.
“Theo thông báo từ phía Iran cho cơ quan, mức làm giàu UF6 tại PFEP lên đến 55,3% U-235. Cơ quan đã lấy mẫu UF6 được sản xuất để phân tích, nhằm xác minh độc lập về mức làm giàu Iran tự công bố. Kết quả của phân tích này sẽ do cơ quan công bố”, trích báo cáo mới nhất của IAEA.