26/12/2024

Bác sĩ ơi: Giật nửa mặt

Bác sĩ ơi: Giật nửa mặt

Tôi giới tính nữ, 50 tuổi. Hai năm trở lại đây tôi thường bị giật nửa mặt, có lúc giật giật ở mí mắt, miệng, môi… Càng ngày cơn giật càng thường xuyên hơn. Những lúc giao tiếp, càng lo lắng, căng thẳng thì tần suất giật mặt càng gia tăng. Nếu để tình trạng này lâu ngày thì tôi sẽ đối mặt với những nguy cơ gì? (Trần Thị H., Vĩnh Phúc)
Phẫu thuật giải ép vi mạch xử lý ca bệnh co giật nửa mặt tại Bệnh viện Đà Nẵng /// Q.H
Phẫu thuật giải ép vi mạch xử lý ca bệnh co giật nửa mặt tại Bệnh viện Đà Nẵng  Q.H
Bác sĩ chuyên khoa 2 Trà Tấn Hoành, Trưởng khoa Ngoại thần kinh – Bệnh viện Đà Nẵng, trả lời:
Đây là triệu chứng co giật nửa mặt, là tình trạng các cơ ở một nửa khuôn mặt bị co giật bất thường.
Các cơ của vùng mặt được điều khiển bởi các dây thần kinh mặt. Hệ thống này bắt đầu từ sâu bên trong não và qua nhiều cấu trúc để đến khuôn mặt. Các dây thần kinh mặt dẫn truyền tín hiệu từ não đến các cơ vùng mặt để thực hiện co thắt hay thư giãn cơ (có tác dụng biểu cảm mặt). Nếu dây thần kinh này bị chèn ép, có thể ảnh hưởng đến tín hiệu điều khiển các cơ vùng mặt, từ đó dẫn đến các cơn co giật nửa mặt. Bệnh lý này tuy không đe dọa tính mạng nhưng lại ảnh hưởng lớn đến tâm lý và thẩm mỹ của người bệnh, từ đó cản trở giao tiếp xã hội, ảnh hưởng sinh hoạt và công việc.
Theo y văn, nguyên nhân gây ra các cơn co giật nửa mặt chưa được xác định chính xác. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng do mạch máu ở thân não chèn ép lên dây thần kinh. Còn có các nguyên nhân hiếm gặp khác bao gồm nhiễm trùng, đột quỵ. Cũng có nhiều trường hợp không rõ nguyên nhân và được các bác sĩ chẩn đoán là co giật nửa mặt vô căn.

Triệu chứng

Co giật nửa mặt có 2 loại: cơn giật mặt điển hình và không điển hình.
Cơn giật mặt điển hình là khi xuất hiện các cơn co giật nhẹ xung quanh mắt (cơ vòng mi), nửa mặt bên trái thường bị nhiều hơn nửa mặt bên phải. Các cơn co giật này thường diễn ra theo từng đợt. Dần dần, sự co giật nặng hơn, diễn ra liên tục và lan rộng sang cơ mày, cơ má, cơ vòm miệng và làm khóe mắt, góc miệng của bệnh nhân có thể bị kéo chếch lên phía trên. Hậu quả, hai bên mặt bệnh nhân trở nên mất cân đối.
Cơn giật nửa mặt không điển hình có thể bắt đầu từ cơ má và quanh miệng, sau đó lan ra nửa mặt. Một số trường hợp bệnh nhân còn nghe thấy một âm thanh click trên mặt khi cơn co giật xảy ra. Đặc biệt, khi đang mệt mỏi, căng thẳng thì cơn co giật nửa mặt có thể trở nên nặng hơn, và triệu chứng cải thiện khi bệnh nhân nằm nghỉ.

Chẩn đoán

Chủ yếu dựa vào quan sát cơn co giật mặt trên lâm sàng của bác sĩ. Hoặc khi chụp MRI: loại trừ các nguyên nhân gây chèn ép dây thần kinh số 7 khác như u não, nhồi máu não… giúp xác định phần nào mạch máu chèn ép dây thần kinh số 7 trước phẫu thuật.

Điều trị

Có 2 nhóm phương pháp: dùng thuốc hoặc phẫu thuật.
Nếu sử dụng thuốc thì thường là những cơn co giật nửa mặt nhẹ hoặc không thường xuyên. Đó là thuốc chống động kinh (như carbamazepine và topiramate) có thể mang lại hiệu quả. Những loại thuốc này hoạt động bằng cách làm ổn định xung động thần kinh. Một số thuốc an thần cũng giúp bệnh nhân giảm nhẹ triệu chứng nhưng có thể gây buồn ngủ.
Đối trường hợp nặng hơn, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc tiêm botulinum độc tố (botox). Đây là một loại độc tố nhưng nếu được sử dụng đúng liều lượng và có kiểm soát sẽ mang lại hiệu quả điều trị bệnh. Thuốc có khả năng làm tê liệt các cơ mặt và ngừng co giật. Phương pháp điều trị này có tỷ lệ hiệu quả từ 85 – 95%. Nhưng các tác dụng của thuốc sẽ mất đi sau 3 – 6 tháng, thường có khuynh hướng dùng tăng liều ở những lần sau và người sử dụng cần được theo dõi thường xuyên, vì phương pháp này cũng có một số tác dụng phụ không mong muốn như sụp mí, đau mắt, liệt nhẹ cơ mặt… Nhưng các tác dụng phụ này sẽ biến mất sau một thời gian ngắn.
Mặc dù phẫu thuật là phương pháp có xâm lấn nhưng phương pháp này đem lại kết quả điều trị triệt để và bền vững. Theo đó, phẫu thuật giải ép vi mạch được áp dụng rộng rãi với tỷ lệ thành công
80 – 90%. Bác sĩ sẽ phẫu thuật tách động mạch đang chèn ép ra khỏi dây thần kinh số 7 và đặt một tấm đệm ngăn cách lên để bảo vệ dây thần kinh số 7 khỏi bị tái chèn ép trong tương lai. Phẫu thuật này rất có hiệu quả, đặc biệt phù hợp với người trẻ tuổi và những người đang ở giai đoạn đầu của bệnh; còn đối với các bệnh nhân cao tuổi, nhiều bệnh lý nền thì không nên áp dụng thủ thuật này. Phẫu thuật này cũng có gây ra một số biến chứng như nguy cơ suy giảm thính giác từ 1,5 – 8%, tổn thương tiểu não.

Phòng ngừa

Để phòng ngừa cơn co giật nửa mặt, bệnh nhân nên duy trì lối sống lành mạnh, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao và xây dựng chế độ ăn uống hợp lý. Stress, tức giận cũng có thể gây khởi phát cơn co giật nửa mặt hoặc làm bệnh trầm trọng hơn. Do vậy, bệnh nhân nên giữ tâm lý thoải mái, luyện tập thêm thiền, yoga.
Tại Khoa Ngoại thần kinh (Bệnh viện Đà Nẵng) thời gian gần đây thường xuyên xử lý những ca giật nửa mặt với sự hỗ trợ của những phương tiện kỹ thuật hiện đại như kính vi phẫu, nội soi… Phẫu thuật giải ép vi mạch điều trị chứng co giật mặt đã được triển khai tại bệnh viện từ năm 2005, trên nhiều bệnh nhân với tỷ lệ thành công cao, biến chứng thấp, góp phần mang lại niềm vui và sự tự tin cho người bệnh.
Bác sĩ Hoành cũng khuyến cáo, có nhiều loại bệnh lý khác có biểu hiện co giật cơ vùng mắt – mặt cần phân biệt với cơn co giật nửa mặt, nên khi bệnh nhân có cơn co giật cơ bất thường vùng mặt, đặc biệt nửa mặt, nên đến khám bác sĩ chuyên khoa thần kinh để được chẩn đoán chính xác, tư vấn và điều trị kịp thời.
AN DY
TNO