29/12/2024

Căng thẳng Nga – Ukraine nóng thế nào ?

Căng thẳng Nga – Ukraine nóng thế nào ?

Tình hình căng thẳng ở khu vực biên giới Nga – Ukraine những ngày qua tăng nhiệt đến độ thế giới phải lo ngại về nguy cơ xung đột nóng chực chờ.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tới cứ điểm của quân chính phủ tại Donbass hôm 9.4 /// REUTERS
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tới cứ điểm của quân chính phủ tại Donbass hôm 9.4 REUTERS
Điểm nóng lần này vẫn là vùng Donbass ở miền đông Ukraine, nơi trở thành chiến địa giữa quân chính phủ Kiev và lực lượng ly khai thân Nga từ năm 2014. Tình hình trở nên phức tạp trong vài tháng qua khi tiếng súng nổ và thương vong được ghi nhận gia tăng bất chấp lệnh ngừng bắn mới nhất vẫn còn hiệu lực.

“Thùng thuốc súng”

Thế nhưng, giao tranh tại vùng Donbass giữa quân đội chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai chỉ là phần nổi, mối lo lớn nhất được đề cập lúc này là việc Nga và Ukraine đang tăng cường binh lính lẫn khí tài quân sự tới biên giới. Giới chức Ukraine ước tính có 85.000 binh sĩ Nga đã được triển khai tới bán đảo Crimea và các khu vực biên giới cách Ukraine chỉ từ 10 – 40 km. Nga cũng đã điều tàu chiến và lực lượng hải quân tới biển Đen tham gia tập trận. Đây được cho là đợt điều binh lớn nhất của Nga tới “điểm nóng” trên kể từ năm 2014.
Về phía Ukraine, bên cạnh việc tập hợp lực lượng ở khu vực Donbass, hàng loạt kế hoạch tập trận chung với các thành viên NATO trong năm 2021 trên lãnh thổ Ukraine đã được công bố. Ngoài ra, một số nước thuộc liên minh quân sự này có động thái tăng cường hoạt động tại biển Đen, gần biên giới Nga. Cụ thể, không quân Anh triển khai 6 chiến đấu cơ Typhoon đến Romania để hỗ trợ NATO tuần tra khu vực biển Đen, trong khi Mỹ cũng sắp điều 2 chiến hạm tới khu vực này.
Những chuyển động quân sự này khiến hai bên lên tiếng chỉ trích nhau là khiêu khích. Ukraine đã cầu viện NATO và phương Tây giúp kiềm tỏa Nga cũng như hỗ trợ quốc phòng cho Ukraine trước nguy cơ xung đột. Trong khi đó, Nga cho rằng Mỹ, phương Tây, NATO đang đẩy cao căng thẳng và sẽ biến Ukraine thành “thùng thuốc súng” nếu hỗ trợ quân sự cho nước này.
Căng thẳng Nga - Ukraine nóng thế nào ?1

Thành viên lực lượng ly khai tại vùng Donbass

Toan tính gì ?

Đã có những lo ngại về nguy cơ nổ ra xung đột vũ trang tại biên giới Nga – Ukraine, nhưng giới quan sát cũng cho rằng điều này ít khả năng xảy ra do mỗi bên đều có những toan tính của riêng mình.
Về phía Nga, có lý do để dẫn giải cho các động thái mới nhất. Mục tiêu duy trì và gia tăng ảnh hưởng hơn nữa của Nga ở khu vực là không phải bàn cãi. Sự mở rộng hiện diện của NATO và phương Tây ngay sát sườn Nga chắc chắn đe dọa mục tiêu nêu trên. Việc Ukraine ngày càng công khai cầu viện sự hỗ trợ quân sự và thể hiện rõ mong muốn gia nhập liên minh quân sự NATO cũng khiến Nga cảm thấy bất ổn. Cũng cần lưu ý rằng khoảng 640.000 người dân ở Donbass có hộ chiếu Nga và Moscow coi đây là một trong những biện pháp để đảm bảo an ninh cho người dân Nga.
Về phía Ukraine, ở bên cạnh một nước lớn với đầy đủ mọi tiềm lực và trong lãnh thổ Ukraine vốn có những lực lượng thân Nga, nên Kiev luôn trong trạng thái lo sợ và cảm thấy bị đe dọa. Ukraine vẫn canh cánh về bán đảo Crimea và không thể buông tay ở Donbass với mục tiêu là giành lại hoặc ít nhất được quyền kiểm soát một phần lãnh thổ. Ukraine muốn được phương Tây và NATO hậu thuẫn trong cuộc so kè với Nga.
Trong lần tăng nhiệt này, khó phân định bên nào leo thang trước. Cả Nga và Ukraine thực chất đều ở tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh trong trường hợp trên, như thể việc hàng xóm đang “mài dao” bên vách nhà mình. Tuy nhiên, theo giới quan sát, cả hai đều không muốn xung đột trực diện. Chiến sự 7 năm qua tại Donbass đã cướp đi sinh mạng của 14.000 người và khiến nơi đây chưa thể im tiếng súng. Nếu Nga tham chiến thì Mỹ và phương Tây dễ có thêm điều kiện siết cấm vận Nga hơn, đồng thời có thể mở đường cho sự can dự trực tiếp của phương Tây vào vùng này, khiến tình hình càng phức tạp và khó lường về mức độ thiệt hại.
Theo giới quan sát, toan tính của Nga có thể là “dằn mặt” Ukraine khi Kiev ngày càng tỏ rõ thái độ thân phương Tây hơn. Ngoài ra, đây còn có thể là một phép thử đối với phản ứng và mức độ tham gia của phương Tây, đặc biệt là Mỹ khi chính quyền mới của Tổng thống Joe Biden tỏ ra cứng rắn hơn với Moscow. Và mức độ phản ứng của các bên từ Nga, Ukraine, NATO, phương Tây tới đây sẽ quyết định diễn biến tiếp theo tại Donbass.
Nga cân nhắc đề nghị của Mỹ
AFP hôm qua dẫn thông báo của Điện Kremlin cho biết Nga đang xem xét đề nghị của Mỹ về cuộc gặp mặt thượng đỉnh giữa Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Vladimir Putin. Trước đó, hôm 13.4, Nhà Trắng cho biết ông Biden điện đàm với ông Putin có bàn về Ukraine, đồng thời đề xuất gặp trực tiếp tại một nước thứ 3 để đối thoại. Theo thông báo, ông Biden nhấn mạnh cam kết vững chắc của Mỹ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, bày tỏ lo ngại về việc Nga tăng quân đột ngột tại Crimea và biên giới Ukraine, đồng thời kêu gọi Nga xuống thang căng thẳng.
NGỌC  MAI
TNO