Căn hộ giá 500 triệu/m2, có vui không?
Căn hộ giá 500 triệu/m2, có vui không?
Những đỉnh mới giá căn hộ tại TP.HCM ghi nhận mặt sáng thành phố có thêm các dự án siêu sang và cũng chứng tỏ nhiều người dân giàu có hơn. Nhưng phía sau việc ‘bắt kịp Singapore’ ở mảng bất động sản là gì?
Khi dự án Grand Marina ra mắt giới đầu tư Hong Kong hồi tháng 3, giới bất động sản Việt Nam một phen xôn xao: giá căn hộ được đẩy lên “đỉnh” mới: 18.000 USD/m2, tương đương 423 triệu đồng.
Đỉnh giá mới đã thực sự phân hóa với phân khúc hạng sang trước đó vốn chỉ đang xoay quanh mức 6.000 đến 7.000 USD/m2, theo khảo sát của các công ty về bất động sản.
Chính khu Ba Son ở Q.1 (TP.HCM), 5 năm trước, khi Vinhomes Golden River Ba Son ra mắt, giá mở bán chỉ chừng 3.500 USD/m2. Đến năm 2019, cũng ở khu vực này, Alpha King – nhà phát triển đến từ Hong Kong – giới thiệu ra thị trường 2 dự án kế bên với giá bán gây sốc: 10.000 đến 12.000 USD/m2.
Nhưng kể từ 2020, sau khi thay tên đổi chủ, giá lại lập đỉnh mới với lời quảng bá dự án “hàng hiệu” JW Marriott & Marriott quy mô lớn nhất thế giới.
Nhưng 18.000 USD chỉ mới là giá công bố cao nhất, vì trên thị trường sóng ngầm đang còn One Central HCM với mức giá “sang tay” 23.000 USD/m2. Các chuyên gia của Công ty chứng khoán VNDrect đưa ra một con số khác: giá của dự án ở khu tứ giác Bến Thành này 20.000 – 25.000 USD/m2, tức khoảng 580 triệu đồng/m2 căn hộ, đã ngang bằng với quốc gia giàu có Singapore.
CEO của một tập đoàn bất động sản lý giải: họ nhìn thấy lợi nhuận ở phân khúc cấp cao rất lớn. Với việc quỹ đất ở khu trung tâm eo hẹp, nhu cầu vẫn cao, nhà băng sẵn sàng mở hầu bao. Đặc biệt các cổ đông kỳ vọng lợi nhuận nhiều, gây sức ép lên để nhà đầu tư từ bỏ phân khúc giá rẻ.
Chính vì thế, các công ty đã nâng cấp mình lên phát triển các dự án ngày càng sang, giá đắt hơn. Cá nhân vị CEO này cũng đầu tư mua các dự án mới hạng sang ở khu trung tâm, đặc biệt ở Thủ Thiêm với giá gốc chủ đầu tư 130 triệu đồng/m2 vì “tiềm năng tăng giá”.
Chừng hơn 10 năm trước, cơn sốt bất động sản siêu sang và các dự án dát vàng liên tục được giới thiệu, để rồi trầm lắng và suy thoái. Nay trong cơn sốt khắp nơi, giữa lúc đại dịch COVID-19 vẫn nhức nhối, dòng tiền vẫn đang đi tìm những kênh đầu tư sinh lời, nhìn thấy rõ nhất ở chứng khoán và bất động sản, thay vì chảy vào sản xuất kinh doanh.
Những đỉnh mới của giá căn hộ tại TP.HCM ghi nhận mặt sáng là thành phố có thêm các dự án siêu sang, nó cũng chứng tỏ nhiều người dân giàu có hơn. Nhưng phía sau việc “bắt kịp Singapore” ở mảng bất động sản là nhiều nỗi lo toan khi so tiếp: GDP bình quân đầu người ở TP.HCM chỉ mới đạt 6.328 USD trong năm 2020, dù đã cao gấp đôi so với trung bình ở Việt Nam nhưng còn thua xa so với 59.819 USD của Singapore.
Và thị trường càng nâng cấp, vươn mình trở nên sang trọng thì giấc mơ nhà ở của đa số người lao động bị bỏ lại phía sau.
Từng có những cơn sốt đất, giá ảo, chính quyền Singapore đã mạnh tay với thuốc đặc trị chống đầu cơ, đưa thị trường về giá trị thực. Nhà nước, một mặt, xây dựng các dự án nhà ở xã hội, gọi là các căn hộ HDB, trợ cấp cho người mua để người thu nhập thấp “không bị bỏ lại phía sau”.
Mặt khác, chính quyền đảo quốc đánh thuế lũy tiến căn thứ 2, thứ 3, đồng thời hạn mức tín dụng sẽ lũy thoái cho các căn tiếp theo.
Đó cũng là điều mà giới chuyên gia đang đề xuất cho Việt Nam, trước cơn sốt bất động sản đang lan khắp nơi. Hai thị trường cần được điều tiết để cùng song song phát triển.
Một phía là Nhà nước lo cho giới bình dân, một đằng là giới đầu tư tư nhân xây dựng và phát triển các dự án siêu sang. Làm được như thế, người nghèo vẫn có nhà an cư, người giàu vẫn được hưởng những tiện ích hàng hiệu cao cấp.