Nhật tuyên bố xả nước thải hạt nhân, Trung – Hàn phản ứng gắt
Nhật tuyên bố xả nước thải hạt nhân, Trung – Hàn phản ứng gắt
Sau khi Nhật quyết định sẽ xả 1 triệu tấn nước đã xử lý từ nhà máy hạt nhân ở Fukushima ra biển, các nước láng giềng Trung Quốc, Hàn Quốc phản ứng gay gắt.
Trung Quốc: “Hành động cực kỳ vô trách nhiệm”
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 13-4 lên tiếng chỉ trích quyết định của Chính phủ Nhật Bản, gọi đó là hành động “cực kỳ vô trách nhiệm”. Website của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đăng tuyên bố nói Nhật Bản nên kiềm chế việc xả nước thải hạt nhân cho đến khi tham vấn và đạt được thỏa thuận với tất cả các nước liên quan và cả Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng cho biết họ có quyền phản ứng về việc xả nước thải ô nhiễm phóng xạ ra biển.
Trong khi đó, Hàn Quốc bày tỏ “lo ngại nghiêm trọng” rằng quyết định của Nhật Bản sẽ mang lại tác động trực tiếp cũng như gián tiếp đến sự an toàn của người dân và môi trường biển xung quanh.
Hàn Quốc kêu gọi Nhật Bản cung cấp thêm thông tin về việc xả nước thải và nói họ sẽ tự đo đạc và giám sát phóng xạ. “Sẽ rất khó chấp nhận nếu Nhật Bản quyết định xả nước thải nhiễm phóng xạ mà không có sự tham vấn (PV – các bên liên quan) đầy đủ”, Chính phủ Hàn Quốc cho biết.
Các nghiệp đoàn đánh cá ở Fukushima trong nhiều năm nay phản đối chính phủ xả nước, cho rằng việc này sẽ có “tác động khủng khiếp” đối với ngành công nghiệp đánh cá. Các ngư dân nói khi nước thải được xả ra, hải sản của Fukushima sẽ bị dừng tiêu thụ vì lo ngại không an toàn.
Theo Hãng tin Reuters, một bài báo đăng trên tạp chí Scientific American vào năm 2014 thông tin rằng khi ăn phải tritium (chất phóng xạ) có trong nước xả thải hạt nhân có thể làm tăng nguy cơ ung thư.
Ken Buesseler, nhà khoa học cấp cao tại Viện Hải dương học Woods Hole ở Massachusetts, Mỹ, cho biết các chất phóng xạ khác bên cạnh tritium có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và dễ dàng tích tụ trong hải sản và trầm tích đáy biển.
Nhật Bản nói gì?
“Chính phủ Nhật Bản đã tổng hợp các chính sách cơ bản về việc xả nước đã xử lý ra đại dương, sau khi đảm bảo mức an toàn của nước”, Hãng tin AFP dẫn lời Thủ tướng Yoshihide Suga nói ngày 13-4 trong cuộc họp với nội các, nhấn mạnh rằng xử lý số nước thải này là một việc không thể né tránh.
Theo đó, số nước thải này đã được xử lý loại bỏ hầu hết phóng xạ như strontium, cesium, nhưng vẫn còn tritium vốn ít gây hại hơn ở nồng độ thấp, và làm loãng theo quy chuẩn quốc tế.
Chính phủ Nhật Bản cho biết các nguyên tố phóng xạ trong nước thấp hơn nhiều so với các tiêu chuẩn quốc tế, và việc xả thải này cũng tương tự tại các cơ sở hạt nhân khác trên thế giới.
Trong báo cáo của Liên Hiệp Quốc, Bộ Ngoại giao Nhật Bản nói ngay cả khi giải phóng toàn bộ lượng nước thải này trong 1 năm thì cũng tạo ra “không quá một phần ngàn tác động phơi nhiễm của bức xạ tự nhiên ở Nhật Bản”, trong khi toàn bộ quá trình xả thải của Nhật dự kiến kéo dài cả thập kỷ.
Michiaki Kai, chuyên gia về đánh giá rủi ro bức xạ tại ĐH Khoa học y tế Oita của Nhật, cho biết có sự đồng thuận giữa các nhà khoa học rằng tác động đến sức khỏe là “rất nhỏ”. Tuy nhiên, chuyên gia Kai nói với Hãng tin AFP rằng “rủi ro không phải bằng 0”, điều quan trọng là phải kiểm soát độ pha loãng và lượng nước thải ra.