G7 tố Nga huy động quân đến biên giới với Ukraine mà không báo trước

G7 tố Nga huy động quân đến biên giới với Ukraine mà không báo trước

Tư lệnh biên phòng Ukraine cáo buộc Nga đang tập trung khoảng 85.000 quân gần biên giới Ukraine, có nơi chỉ cách đất Ukraine khoảng 10km. Các hoạt động của Nga buộc nhóm G7 phải lên tiếng ngày 12-4.

 

G7 tố Nga huy động quân đến biên giới với Ukraine mà không báo trước - Ảnh 1.

Xe tăng và xe quân sự Nga bị bắt gặp đang tập kết gần một con đường ở thị trấn Maslovka, vùng Voronezh – Ảnh: REUTERS

Ngoại trưởng các nước G7 ngày 12-4 đã ra tuyên bố chung thể hiện sự quan ngại trước việc điều quân lực của Nga gần Ukraine. Tuyên bố chung được phát bởi Bộ Ngoại giao Anh mô tả việc Nga di chuyển binh sĩ và khí tài quy mô lớn “mà không báo trước là hành động đe dọa và gây mất ổn định”.

“Chúng tôi yêu cầu Nga ngừng các hành vi khiêu khích và xuống thang căng thẳng ngay lập tức dựa trên các cam kết quốc tế”, các ngoại trưởng G7 kêu gọi. Theo nhóm G7, Nga có trách nhiệm “minh bạch hóa các hoạt động quân sự” theo Văn kiện Vienna của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu mà Nga là một thành viên.

Bộ chỉ huy quân đội Mỹ tại châu Âu (EUCOM) đã nâng cảnh báo rủi ro từ “khủng hoảng có thể xảy ra” thành “khủng hoảng tiềm năng xảy ra trong tương lai gần” trước các động thái của Nga. Hải quân Mỹ đã điều 2 tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường tới biển Đen, đồng thời tăng tần suất các chuyến bay giám sát ở Crimea, theo tạp chí quốc phòng Janes.

Theo tạp chí Janes, các đơn vị pháo binh và lục quân của Nga đã được điều động tới vùng Voronezh và Rostov sát biên giới Ukraine. Các tổ hợp liên lạc P-260T Redut-2US cũng xuất hiện ở phía nam thành phố Voronezh.

“P-260T Redut-2US là một hệ thống liên lạc tầm xa, chỉ được triển khai ở cấp tập đoàn quân. Điều đó cho thấy quy mô của việc triển khai quân lực như thế nào”, tạp chí của Anh lập luận.

Trước đó, nhiều video được chia sẻ trên mạng xã hội Twitter và TikTok cho thấy cảnh những đoàn xe lửa chở xe tăng Nga chạy không ngừng nghỉ. Janes xác nhận các lữ đoàn xe tăng, xe chiến đấu bộ binh và các đơn vị hỏa lực tầm xa đã được đưa tới vùng Voronezh bằng xe lửa.

Căn cứ hải quân Nga tại Sevastopol cũng được tăng cường 10 tàu đổ bộ và tàu pháo từ Hạm đội Caspi. Ngoài tàu chiến, Nga cũng điều thêm một lữ đoàn đổ bộ đường không đến Crimea, vùng đất được Nga sáp nhập năm 2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý. Sevastopol nằm ở phía nam bán đảo Crimea, có vị trí chiến lược hướng thẳng ra biển Đen.

Báo Washington Post của Mỹ ước tính Nga đang duy trì khoảng 80.000 quân gần biên giới Ukraine, ở cả biên giới phía đông lẫn khu vực gần bán đảo Crimea.

G7 tố Nga huy động quân đến biên giới với Ukraine mà không báo trước - Ảnh 3.

Vị trí của vùng Voronezh, Rostov và bán đảo Crimea giúp quân đội Nga hình thành thế gọng kìm Ukraine – Dữ liệu và đồ họa: BẢO DUY

Tư lệnh biên phòng Ukraine, ông Serhii Deineko, cho rằng tình hình trên thực tế còn đáng báo động hơn. Theo ông này, Nga đang triển khai tới 85.000 binh sĩ dọc theo biên giới Ukraine. Vị trí các điểm đóng quân này chỉ cách đất Ukraine từ 10 đến 40km.

Tạp chí Janes nhận định mặc dù vẫn chưa rõ động cơ của Nga, đây là đợt tập trung quân lực đông nhất của Matxcơva kể từ sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea và nội chiến Ukraine năm 2014.

Đáp lại các chỉ trích, trong các cuộc họp báo hồi tuần trước, các quan chức Matxcơva nhấn mạnh nước này có quyền điều động quân đội trên lãnh thổ của mình như một biện pháp phòng hờ trước tình hình bất ổn ở biên giới Nga-Ukraine.

Quân đội Nga cũng không che giấu việc điều chuyển quân lực, nhấn mạnh đây là một phần trong diễn tập kiểm tra năng lực sẵn sàng chiến đấu.

Căng thẳng Nga-Ukraine hiện nay xuất phát từ việc Kiev và các nước phương Tây cáo buộc lực lượng ly khai Donbass được vũ trang, lãnh đạo, tài trợ và hỗ trợ bởi quân đội Nga – một cáo buộc luôn bị Matxcơva phủ nhận. Chiến sự giữa phe ly khai và quân đội Ukraine bùng nổ vào năm 2014, cùng năm Nga sáp nhập bán đảo Crimea và cuộc lật đổ chính phủ của tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych.

BẢO DUY
TTO