26/12/2024

Nghề nào ‘bùng nổ’, nghề nào tụt hậu?

Nghề nào ‘bùng nổ’, nghề nào tụt hậu?

Đó là băn khoăn chung của nhiều học sinh, phụ huynh khi dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp diễn ra tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội ngày 11-4.

 

Nghề nào bùng nổ, nghề nào tụt hậu? - Ảnh 1.

Khu vực tư vấn nhóm ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, y dược, khối trường nghề – Ảnh: NAM TRẦN

Ngày hội do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH), Sở GD-ĐT TP Hà Nội và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức, với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.

Nay “hot”, mai có thể không còn!

Đặt câu hỏi nhưng cũng chia sẻ băn khoăn, một thí sinh cho biết nhiều bạn bè em đều quan tâm tới một số ngành “hot”. Bản thân em thấy không thích và cũng khó có thể thi đỗ những ngành đó, nhưng nếu em bỏ qua thì cảm thấy mình lạc lõng, tụt hậu.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo – giám đốc Trung tâm khảo thí, phó trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội – cho rằng những ngành nghề được coi là “hot” hấp dẫn thí sinh nhiều khi chỉ là cảm tính, không chuẩn xác.

Thầy Thảo khuyên thí sinh hãy nghĩ đến sở trường của mình, đến ngành, nghề mà mình thích để có lựa chọn chứ không nên bị ảnh hưởng bởi số đông một cách cảm tính. Vì khi chọn đúng nghề là sở trường các em sẽ dễ thành công hơn một ngành xa lạ chỉ để… không mang tiếng là tụt hậu.

TS Nguyễn Thanh Bình – trưởng phòng chính trị và công tác sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội – cũng cho rằng thí sinh chọn ngành học cảm tính theo số đông sẽ rất rủi ro.

Bởi ngành được coi là “hot” hôm nay có thể sẽ hết “hot” trong khoảng 4-5 năm tới khi thí sinh ra trường, nhất là trong bối cảnh có những tác động đến cơ cấu ngành nghề và thị trường nhân lực hiện nay.

TS Nguyễn Đào Tùng, phó giám đốc Học viện Tài chính, cảnh báo các học sinh quan tâm quá nhiều tới một số ngành được xem là “hot” nhưng lại không biết lĩnh vực ngành nghề nào sẽ “bùng nổ” trong một tương lai gần.

Ông Tùng đưa ra ví dụ là ngành quản trị du lịch – khách sạn là một ngành sẽ được quan tâm nhiều hơn trong thời gian tới và có tiềm năng lớn trong việc thu hút nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.

Trong số những nghề sẽ “bùng nổ”, ông Tùng cho rằng nghề đầu bếp cũng rất có tiềm năng.

Trong khi để trở thành một đầu bếp được săn đón với mức lương cao lại không nhất thiết phải học đại học mà có thể tìm kiếm ngành đào tạo ở khối trường cao đẳng, trường nghề – nơi có ưu thế trong việc dạy kỹ năng thực hành, gắn liền với nhu cầu việc làm trong xã hội.

PGS.TS Bùi Thành Nam – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội – cho biết có rất nhiều ngành cơ hội nhân lực sẽ lớn tương ứng với sự quan tâm nhiều hơn trong tương lai như ngành công tác xã hội, tâm lý, quản lý du lịch – khách sạn.

Đây cũng là những ngành thường có điểm chuẩn tương đối cao trong những năm gần đây.

Nghề nào bùng nổ, nghề nào tụt hậu? - Ảnh 2.

Tại gian tư vấn Trường Sĩ quan chính trị, nhiều thí sinh đặt câu hỏi về các điểm ưu tiên xét tuyển vào trường nếu đi nghĩa vụ quân sự – Ảnh: MAI THƯƠNG

Học nghề hay học đại học?

Ông Hà Đức Ngọc – Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp – cho biết ông đã khá quen khi ngồi ở các bàn tuyển sinh mà không nhận được câu hỏi bởi học sinh và phụ huynh vẫn có xu hướng chọn trường đại học.

“Tuy nhiên, tôi không tin các bạn trẻ không quan tâm đến giáo dục nghề nghiệp bởi hiện nay số sinh viên đại học chỉ khoảng 10%, còn lại là dành cho các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng.

Nếu các bạn có năng lực phù hợp với đại học hãy đi học đại học, còn lại hãy chọn học nghề, được thực hành nhiều, thời gian học ngắn, ra trường làm việc ngay.

Trên 90% người học tốt nghiệp các trường nghề ra trường có việc làm, rất nhiều trường 100% các em ra trường có việc. Trong lễ tốt nghiệp ở trường nghề luôn có các doanh nghiệp sẵn sàng ký hợp đồng với các em. Nhiều trường nghề hợp tác với nước ngoài, các bạn có thể vừa đi học vừa làm nghề và hưởng lương” – ông Hà Đức Ngọc chia sẻ.

Trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội gần đây gây chú ý với thí sinh khi sinh viên trường đoạt huy chương vàng kỹ năng nghề cơ điện tử châu Á – Thái Bình Dương.

TS Đồng Văn Ngọc, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Hiện cả nước có gần 2.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 400 trường cao đẳng, nhưng chỉ có 40 trường chất lượng cao. Các em quan tâm đến ngành, đến trường nào phải tìm hiểu kỹ trước khi thi vào.

Ngành cơ điện tử của trường chỉ cần đầu vào là điểm thi tốt nghiệp THPT, xét điểm toán, lý, hóa, lấy 200 chỉ tiêu năm 2021. Nếu học song hành với chương trình trường cộng tác với Vinfast thì sau khi ra trường các em sẽ được vào công ty này làm việc. Điểm trung bình đầu vào năm 2020 của cơ điện tử khoảng 20,3 điểm”.

Một điều mà thầy Ngọc cũng muốn nhấn mạnh với các bạn học sinh là ở môi trường đào tạo nghề nghiệp, người học không chỉ được dạy kiến thức chuyên ngành mà còn được bổ sung nhiều kỹ năng mềm, thậm chí là tác phong làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, công nghiệp hóa.

Những kỹ năng mềm đó mới là “thế mạnh” để các bạn trẻ có cơ hội công việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau, dễ dàng hơn khi muốn “nhảy việc”.

Nghề nào bùng nổ, nghề nào tụt hậu? - Ảnh 3.

Khoảng 15.000 học sinh, phụ huynh ở Hà Nội và các tỉnh lân cận tham dự ngày hội. Ngoài việc được tư vấn ở hai sân khấu chính (nhóm ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, y dược, khối trường nghề và nhóm ngành kinh tế, báo chí, khoa học xã hội – nhân văn, ngoại ngữ – quân đội), phụ huynh và học sinh cũng đã có cơ hội tiếp cận, đặt câu hỏi trực tiếp tại gần 170 gian tư vấn của các trường đại học, cao đẳng trong cả nước – Ảnh: NAM TRẦN

Giúp học sinh có lựa chọn đúng đắn

thutruong 12-4 tuyen sinh 1(read-only)

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu khai mạc ngày hội – Ảnh: NAM TRẦN

Phát biểu tại lễ khai mạc ngày hội, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết Bộ GD-ĐT đánh giá cao và trân trọng cảm ơn những sáng kiến, đóng góp của báo Tuổi Trẻ cho công tác tuyển sinh – hướng nghiệp của ngành giáo dục – đào tạo trong 19 năm qua.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ tổ chức sẽ góp phần giúp học sinh có đầy đủ thông tin, vượt qua những trở ngại đầu tiên, lựa chọn cho mình một ngành đào tạo và ngôi trường phù hợp nhất.

“Tôi mong muốn các em với sự giúp đỡ của các chuyên gia tư vấn sẽ xác định đúng năng lực, sở thích và điều kiện thực tế của bản thân để chọn cho mình một ngôi trường và ngành đào tạo phù hợp nhất. Tôi mong muốn các bậc phụ huynh hãy cùng con em mình tham gia các chương trình tư vấn để đồng hành cùng các em, củng cố niềm tin, giúp các em có sự lựa chọn đúng đắn” – Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.

Xếp ưu tiên sẽ như thế nào?

Liên quan tới “xếp ưu tiên nguyện vọng” khi đăng ký xét tuyển, PGS.TS Bùi Đức Triệu, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân, tư vấn: cùng một ngành nhưng có nhiều trường cùng đào tạo, thí sinh có thể đăng ký theo thứ tự ưu tiên trường nào thích hơn thì xếp trước.

Nói cụ thể về điều này, PGS.TS Vũ Thị Hiền, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Ngoại thương, lấy ví dụ nhiều trường có các ngành đào tạo liên quan tới kinh tế và ngoại ngữ thì thí sinh nên xác định mình muốn chọn gốc kinh tế hay gốc ngôn ngữ trong các ngành này. Gốc là gì thì từ đó chọn trường phù hợp, có thế mạnh về gốc đó.

Cô Hiền cũng cho biết cùng một ngành đào tạo nhưng mỗi trường sẽ hướng đến một “phân khúc” khác nhau. Vì thế thí sinh cần phải tìm hiểu kỹ để lựa chọn chính xác.

Dắt con tìm trường học

 

hodinhle 12-4 tuyen sinh 1(read-only)

Ông Hồ Đình Lê tìm trường đào tạo công nghệ thông tin để hướng nghiệp cho con trai – Ảnh: VŨ TUẤN

Khó khăn lắm ông Khoát mới kéo tay cậu con trai qua được đám đông nghe tư vấn hướng nghiệp trong khuôn viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Nhà ông ở Lục Nam (Bắc Giang), đi hai chặng xe buýt mới đến được với ngày hội.

Tuấn Khôi, con trai ông Khoát, đã quyết định đăng ký nguyện vọng vào Trường Sĩ quan thông tin ở Nha Trang (Khánh Hòa) nhưng muốn tìm hiểu thêm về các trường có đào tạo ngành công nghệ thông tin tại Hà Nội.

Đi cả buổi sáng, chen chúc giữa cả vạn người để có được thông tin tuyển sinh, ông Khoát vẫn vui: “Mình ở nhà làm nông thôi, chân lấm tay bùn mãi, chỉ mong con cái được học hành đến nơi đến chốn nên vất vả chút không sao. Miễn là cháu nó chọn được trường phù hợp”.

Tuấn Khôi mê công nghệ nhưng lại muốn học ở một trường quân đội để cha mẹ đỡ gánh nặng kinh tế. Học xong ra trường cũng “chắc cú” có việc làm, lương quân nhân cũng cao. Tuy nhiên, Khôi phải đăng ký thêm trường khác để nhỡ không đỗ trường quân đội thì vẫn có thêm lựa chọn.

Đã quá trưa, cậu học sinh gầy gò khoác balô theo cha đi tìm quán cơm bụi. Đôi dép nhựa của ông Khoát quệt xuống vỉa hè Hà Nội từng bước dài, mạnh mẽ. Ông đầy tự tin về tương lai của cậu con trai đang bước đi bên cạnh.

Khuôn viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chật kín người trong ngày chủ nhật. Không chỉ có học sinh ở các khu vực Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên… mà cả các tỉnh xa hơn như Hải Dương, Bắc Giang cũng về dự ngày hội tư vấn hướng nghiệp.

Đến quá trưa, thầy cô mệt lả nhưng vẫn còn nhiều người chờ được giải đáp thắc mắc. Họ uống vội ly nước rồi lại tiếp tục trả lời học sinh, trong số này nhiều em đón xe đi vài chục cây số để được nghe thông tin về trường.

Chị Vũ Thị Diệu Anh, ở Kẻ Sặt, huyện Bình Giang (Hải Dương) thuê ôtô đưa con gái và bốn đứa bạn lên Hà Nội. “Chúng nó đọc tin trên mạng, biết có sự kiện này là rủ nhau đi. Tối hôm qua, tôi mới thuê xe đưa chúng đi cho đỡ vất vả” – chị Diệu Anh nói.

Chị Anh cho hay nhờ có Internet, thông tin nhiều nhưng việc chọn nghề, chọn trường vẫn cần phải được tìm hiểu, tư vấn kỹ càng. Chị để con mình tự chọn ngành đúng sở thích nhưng cân nhắc nguyện vọng để được học ở trường phù hợp nhất.

Mái tóc hoa râm của ông Hồ Đình Lê (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) nổi bật giữa hàng vạn mái đầu xanh trong khuôn viên Trường Bách khoa.

Đến đâu ông Lê cũng đọc kỹ thông tin, ghi chép tỉ mỉ rồi đưa cho cậu con trai. Nam – con trai ông, mới học lớp 11 – được cha dẫn đi để định hướng nghề nghiệp sớm.

Nam khá thông minh nhưng sao nhãng việc học hành vì mê game. Trong khi các bạn của cậu đã “nhắm” đến từng trường từ năm học trước thì Nam vẫn bình chân như vại.

“Mê game không phải hoàn toàn có hại – ông Lê bộc bạch – Tôi cũng không ép con mình, không chọn nghề thay con nhưng tôi thấy được tố chất của con trong các môn liên quan đến công nghệ thông tin.

Tôi muốn cháu đến đây tìm hiểu về các trường có đào tạo công nghệ, tôi muốn cháu hiểu được mình cần phải làm gì, học môn gì… để vừa có đam mê, vừa có nghề nghiệp”.

VŨ TUẤN

Gần 120.000 lượt học sinh, phụ huynh được tư vấn

Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp tại Hà Nội đã khép lại chuỗi chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp năm 2021 của báo Tuổi Trẻ.

Chương trình năm nay đã diễn ra tại 18 địa phương, gồm Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận, Nam Định, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Đắk Lắk (Buôn Ma Thuột và Buôn Hồ), Kiên Giang (Châu Thành và Giồng Riềng), Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam, Đà Nẵng, Tiền Giang và ba ngày hội tư vấn tại TP.HCM, Cần Thơ và Hà Nội.

Chương trình đã làm cầu nối giữa hàng trăm trường ĐH, CĐ, trung cấp với các học sinh lớp 12 trước mùa thi và tuyển sinh năm nay.

Tại mỗi chương trình, ngoài khu vực tư vấn của ban tổ chức còn có hàng chục gian tư vấn của các trường ĐH, CĐ, trung cấp, trường nghề… đã cung cấp thông tin cụ thể, trực tiếp cho phụ huynh, học sinh về ngành nghề, chương trình đào tạo, việc làm, học bổng cũng như chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên theo học tại trường.

Tổng cộng đã có gần 120.000 lượt học sinh và phụ huynh được tư vấn, tiếp nhận thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH, CĐ cũng như hướng nghiệp sau bậc THPT.

Do ảnh hưởng dịch COVID-19, ban tổ chức phải nhiều lần thay đổi kế hoạch, nhưng chương trình năm nay đã nhận được sự phối hợp và hỗ trợ của lãnh đạo Bộ GD-ĐT, các cơ quan chuyên môn của Bộ GD-ĐT, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH); UBND, sở GD-ĐT các tỉnh, thành phố; các tỉnh, thành đoàn nơi chương trình diễn ra; lãnh đạo các ĐH quốc gia, ĐH vùng và các trường ĐH, CĐ, trung cấp trên cả nước.

Ban biên tập báo Tuổi Trẻ, ban tổ chức Chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2021 chân thành cảm ơn Bộ GD-ĐT, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) đã phối hợp tổ chức, ủng hộ về mọi mặt cho sự thành công của chương trình; đồng thời trân trọng cảm ơn nhà tài trợ – Tập đoàn Vingroup – đơn vị đồng hành đã chung tay cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức thành công chương trình năm nay và nhiều năm trước.

Đặc biệt, báo Tuổi Trẻ xin gửi lời tri ân chân thành nhất đến các thầy cô tham gia ban tư vấn là các chuyên gia của Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB&XH, các ĐH, trường ĐH, CĐ trong cả nước.

Tại mỗi buổi tư vấn, các thầy cô đều rất nhiệt tình giải đáp mọi thắc mắc của học sinh liên quan đến việc chọn ngành, chọn trường, chọn tổ hợp môn thi, cách xác định năng lực bản thân, kinh nghiệm làm bài thi, thông tin về cơ hội việc làm trong những năm tới…

Sẽ không thể có thành công chuỗi chương trình và các ngày hội tư vấn tuyển sinh nếu không có những thầy cô đã gắn bó với chương trình liên tục trong suốt 19 năm qua.

TRẦN HUỲNH

VĨNH HÀ – NGỌC DIỆP
TTO