Là nguyên thủ của một trong những quốc gia nhỏ nhất
thế giới,
Tổng thống Surangel Whipps mạnh mẽ tuyên bố rằng Palau sẽ không để bất cứ ai bắt nạt hay quyết định vận mệnh của đất nước, nhất là Trung Quốc.
Ông Whipps (53 tuổi) trở thành tổng thống đảo quốc Thái Bình Dương này sau khi giành thắng lợi trước người tiền nhiệm thân Bắc Kinh là ông Thomas Remengesau.
“Giọng điệu” của Trung Quốc
Palau, quốc gia với dân số chỉ khoảng 21.000 người, là một trong 15 nước hiện vẫn duy trì mối quan hệ với Đài Loan, điều mà ông Whipps khẳng định sẽ không thay đổi, bất chấp áp lực từ Trung Quốc.
“Nếu chúng tôi là bên sau cùng thì chúng tôi sẽ vẫn vậy, vì Đài Loan đã có mối quan hệ với chúng tôi từ đầu”, AFP dẫn lời Tổng thống Palau phát biểu sau chuyến thăm Đài Bắc từ ngày 28.3-1.4 và 2 bên đồng ý lập hành lang du lịch trong đại dịch
Covid-19.
Ông Whipps phát biểu trước khi kết thúc chuyến thăm Đài Loan vào ngày 1.4 ẢNH: REUTERS
|
Giới phân tích cho rằng Bắc Kinh đang dùng chiêu “vừa đấm vừa xoa” để lôi kéo các nước đang có mối quan hệ với Đài Loan. Vào năm 2019, Trung Quốc đã thành công thuyết phục 2 đảo quốc ở Thái Bình Dương đừng về phía mình, bao gồm Solomons và Kiribati.
Trung Quốc tung đòn bị phản tác dụng
Nằm cách Philippines khoảng 900 km về phía đông, Palau thu hút rất nhiều du khách Trung Quốc trong nửa đầu thập niên qua. Đến năm 2017, Trung Quốc đột nhiên cấm các
tour du lịch trọn gói đến đảo quốc này, động thái thường đưa ra nhằm gây áp lực về kinh tế. Tuy nhiên, Tổng thống Whipps cho rằng quyết định đó gây tác dụng ngược, khi nhiều người dân ngày càng nhận thức rõ về áp lực của Trung Quốc.
Tại khu vực này, hiện có Palau, Quần đảo Marshall, Nauru và Tuvalu còn duy trì mối quan hệ với Đài Loan. Tổng thống Whipps nổi bật là người tỏ ra hoài nghi nhất về Trung Quốc.
Ông kể về các cuộc gặp với giới chức Trung Quốc và điều đầu tiên họ nói trước qua điện đàm là “những gì các bạn đang làm làm phi pháp, công nhận Đài Loan là phi pháp, các bạn cần dừng lại”.
“Các bạn biết đó, đó là giọng điệu của họ. Chúng tôi không cần được bảo rằng chúng tôi không thể kết bạn với ai”, ông Whipps bức xúc.
Tổng thống Palau kể rằng ông các quan chức Trung Quốc thường gọi đến điện thoại di động của ông khi sắp đến cuộc bầu cử năm ngoái: “Nó reo chắc cũng 16 lần. Sau bầu cử, tôi không còn nhận được cuộc gọi nào của họ nữa”.
Đồng minh quan trọng của Mỹ
Thái độ của Palau rõ ràng thể hiện kỳ vọng của Mỹ, trong bối cảnh Washington củng cố liên minh ở Thái Bình Dương nhằm đối phó với ảnh hưởng gia tăng từ Bắc Kinh.
Palau nằm trong số nhiều đảo quốc Thái Bình Dương do Mỹ quản trị, trước khi độc lập hoàn toàn vào năm 1994, nhưng vẫn duy trì mối quan hệ gần gũi với Washington và có thỏa thuận phòng vệ 50 năm với Mỹ theo Hiệp ước Liên kết tự do được thông qua vào năm 1986.
Đảo quốc Palau có dân số khoảng 21.000 người ẢNH: EURONEWS
|
Các lực lượng Mỹ hiện đang chịu áp lực phải rút bớt tại các căn cứ ở Okinawa (Nhật Bản) và đang tìm cách dàn trải khắp Thái Bình Dương. Năm ngoái, ông Mark Esper trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đầu tiên thăm Palau.
Từng là một chiến trường trọng điểm trong Thế chiến 2, Palau nằm trong “chuỗi đảo thứ 2” mà các chiến lược gia Mỹ định hình nhằm ngăn cản Trung Quốc thống trị Thái Bình Dương.
“Người Nhật khi đó thấy được tầm quan trọng chiến lược, và tôi nghĩ rằng điều đó ngày nay vẫn còn”, theo Tổng thống Whipps.
Tổng thống Surangel Whipps sinh tại Baltimore (bang Maryland, Mỹ) và học hành ở Mỹ. Cha ông là một doanh nhân Palau còn mẹ ông là người Mỹ. Ông đã từ bỏ quốc tịch Mỹ để trở thành một nghị sĩ Palau, trước khi được bầu làm tổng thống vào năm ngoái.
Palau hiện chưa ghi nhận ca mắc
Covid-19 nào và dự kiến sẽ tiêm vắc xin cho tất cả những người trưởng thành trước tháng 5, nhờ vắc xin do Mỹ cung cấp dưới Hiệp ước Liên kết tự do.
KHÁNH AN
TNO