26/12/2024

Liệu có ‘bong bóng’ chứng khoán?

Liệu có ‘bong bóng’ chứng khoán?

Không chỉ bất động sản, giá hàng loạt cổ phiếu cũng đang “lên đồng” với mức tăng vài chục đến cả trăm lần trong những tháng qua, dù doanh nghiệp chỉ làm ăn thường thường…
TTCK tăng mạnh từ đầu năm đến nay và chỉ số VN-Index liên tiếp lập đỉnh mới /// ẢNH: Ngọc Thắng
TTCK tăng mạnh từ đầu năm đến nay và chỉ số VN-Index liên tiếp lập đỉnh mới  ẢNH: NGỌC THẮNG

Lỗ liên tiếp, cổ phiếu vẫn tăng hàng chục lần

Trong phiên giao dịch 7.4, cổ phiếu RGC của Công ty cổ phần (CTCP) đầu tư PV – Inconess đang giao dịch xoay quanh giá 23.000 đồng/cổ phiếu. Trước đó, mã này có 6 phiên liên tiếp tăng trần lên đỉnh cao 24.700 đồng. So với giá chỉ 3.200 đồng vào đầu năm nay, chỉ trong vòng 3 tháng RGC đã nhảy vọt với mức tăng hơn 700%. Doanh nghiệp (DN) này hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh sân golf và các dịch vụ golf, kinh doanh nhà nghỉ, dịch vụ du lịch sinh thái nhà vườn, dịch vụ ăn uống, giải khát và dịch vụ khác phục vụ vui chơi, giải trí… Năm 2020 ghi nhận mức lỗ gần 14 tỉ đồng và cũng là năm thứ 2 liên tiếp thua lỗ.

Thị trường có thể diễn ra điều chỉnh nhưng hiện nay sẽ khó lao dốc mạnh

Ông Huỳnh Phước Nghĩa, Công ty tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu

Cổ phiếu đang giữ quán quân về mức tăng giá trong quý đầu năm nay là SPI của CTCP đá Spilit cũng đã tăng gấp 10 lần từ đầu năm 2021 đến nay khi từ 1.900 đạt 19.400 đồng. Tuy nhiên, giao dịch khá kịch tính lại thuộc về RIC của CTCP Quốc tế Hoàng Gia. Từ mức giá 5.000 đồng/cổ phiếu vào đầu năm nay, từ giữa tháng 1 cổ phiếu RIC bất ngờ nhảy vọt với chuỗi 34 phiên tăng trần liên tiếp và giá lên trên 46.000 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 3, tương ứng tăng hơn 9 lần. Sau chuỗi dài tăng trần, RIC lại rơi vào chuỗi dài giảm sàn 14 phiên, đưa cổ phiếu này giảm xuống còn 15.750 đồng/cổ phiếu, bốc hơi hơn 2/3 giá trị chỉ trong vòng nửa tháng. Nhưng cơn kịch tính của RIC vẫn chưa chấm dứt bởi sau cơn giảm sàn thì cổ phiếu này quay đầu tăng trần 9 phiên liên tiếp từ giữa tháng 3 đến nay và đưa giá tăng lên lại 28.650 đồng. Dù vẫn giảm gần một nửa so với đỉnh nhưng giá cổ phiếu này vẫn cao hơn gấp 5 lần giá đầu năm.

Việc tăng trần giảm sàn liên tục của RIC hầu như không có một nguyên nhân nào cụ thể trong khi kết thúc năm 2020, RIC đạt gần 126 tỉ đồng doanh thu, giảm 37% so với năm 2019 và ghi nhận lỗ 81,5 tỉ đồng, cao hơn cả số lỗ 73 tỉ đồng trong năm 2019, nâng tổng lỗ lũy kế đến hết năm 2020 lên gần 310 tỉ đồng.
Ngoài ra, số cổ phiếu tăng giá gấp đôi, gấp ba lần trong quý đầu năm còn rất nhiều dù DN vẫn hoạt động bình thường, thậm chí nhiều công ty vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh quý 1/2021.

“Bong bóng” của thị trường chứng khoán?

Thanh khoản tăng mạnh, lượng tài khoản giao dịch mới trên thị trường chứng khoán (TTCK) liên tục tăng trong những tháng qua khiến nhiều nhà đầu tư (NĐT) phấn khởi. Thị trường dường như đang trở lại thời kỳ 2006 – 2007 khi nhà nhà, người người đều nhắc đến việc mua cổ phiếu gì, bán cổ phiếu nào. Điều đó đẩy VN-Index lập đỉnh lịch sử vào tháng 3.2007 ở 1.170,67 điểm. Nhưng cơn hoảng loạn bắt đầu xảy ra khi chuỗi ngày lao dốc của hàng loạt cổ phiếu kéo dài gần 2 năm.
Tổng cộng trong quý 1/2021, giao dịch bình quân toàn TTCK đạt 882 triệu đơn vị/phiên, tăng 48% so với quý 4/2020. Giá trị giao dịch bình quân đạt 19.022 tỉ đồng/phiên, tăng 64% so với quý 4/2020. Chỉ số VN-Index cũng liên tục lập đỉnh mới và chốt phiên hôm qua 7.4 ở mức 1.242,38 điểm, tăng 12,5% và HNX-Index đạt 292,84 điểm, tăng 44% so với cuối năm 2020. Điều này cũng đưa quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu VN đến cuối tháng 3 đạt hơn 5,88 triệu tỉ đồng, tăng 11% so với cuối năm 2020.

Đến tháng 2.2009 VN-Index chỉ còn khoảng 240 điểm, bốc hơi gần 80% so với đỉnh và nhiều NĐT đã bị cháy tài khoản, mất hết tiền… Kịch bản này khá giống với thị trường bất động sản (BĐS), giai đoạn 2006 – 2008 cũng tăng vọt khắp nơi. Đến cuối năm 2008, thị trường đã sụt giảm thê thảm và đóng băng kéo dài đến hơn 5 năm sau.

Ông Huỳnh Phước Nghĩa, chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC), phân tích hiện các chỉ số kinh tế chưa có căn cơ đủ để tạo ra những cơn sốt đất ở một số địa phương. Có yếu tố kỳ vọng phát triển hạ tầng cục bộ, đón đầu kinh tế hồi phục sau đại dịch Covid-19… nhưng chủ yếu do kỹ thuật làm giá. Còn TTCK đang thu hút vốn nguồn vốn mới, chủ yếu từ các NĐT cá nhân là do một phần lãi suất tiền gửi ở mức thấp, không đủ dòng vốn lớn tham gia vào BĐS.
Bên cạnh đó, theo ông Nghĩa, có một phần dòng vốn từ ngân hàng, từ hoạt động tái cho vay chảy vào TTCK khiến giao dịch sôi động. Nhưng hiện tại nhiều DN vẫn còn chìm đắm trong thua lỗ, kinh doanh khó khăn do tác động từ dịch Covid-19 nên việc tăng quá nóng cổ phiếu là không tương xứng với giá trị DN. Do đó thị trường sẽ có sự điều chỉnh sau khi NĐT giảm kỳ vọng.
Tuy nhiên ông Huỳnh Phước Nghĩa cho rằng, hiện nay với độ lớn của nền kinh tế, số lượng DN niêm yết trên sàn chứng khoán và có sự kiểm soát chặt từ phía ngân hàng trung ương, nhiều DN cũng tham gia đầu tư nên VN-Index chỉ trên mức 1.200 điểm cũng chưa thể tạo ra bong bóng. “Thị trường có thể diễn ra điều chỉnh nhưng hiện nay sẽ khó lao dốc mạnh”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Giám đốc một quỹ đầu tư chứng khoán tại TP.HCM cũng cho rằng về nguyên tắc đầu tư thì dòng tiền sẽ chạy qua lại giữa chứng khoán và BĐS. Nhiều người đánh chứng khoán lời thì chuyển vốn đầu tư vào BĐS. Nhưng cũng có trường hợp ngược lại, sau khi có lợi nhuận ở BĐS thì chuyển sang đầu tư ngắn hạn vào chứng khoán. Bên cạnh đó, xu hướng trong đại dịch Covid-19, tâm lý người gửi tiền thấy lãi suất thấp nên chuyển dịch dần sang các kênh đầu tư. Người có nhiều tiền sẽ xem xét rót vốn vào BĐS, người ít hơn thì đầu tư vào chứng khoán. Nhìn chung TTCK hiện nay vẫn phụ thuộc vào dòng tiền trên thị trường rất nhiều nhưng vẫn chưa thể gọi là bong bóng. Chỉ cần lãi suất tăng lên sẽ hạn chế sự dịch chuyển dòng tiền vào thị trường này.
MAI PHƯƠNG- THANH XUÂN
TNO