Vô hiệu hoá sim, ‘bốc hơi’ tài khoản
Vô hiệu hoá sim, ‘bốc hơi’ tài khoản
Dù liên tục cảnh báo nhưng các kẻ lừa đảo vẫn liên tiếp đưa ra nhiều chiêu thức và người dùng đã bị sập bẫy.
Mất 50 triệu đồng sau cuộc điện thoại
Mới đây, chị P.T.P.T (ngụ TP.HCM) đã phản ánh lên Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) về việc bị chiếm đoạt hơn 30 triệu đồng.
Cụ thể ngày 20.2, chị nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 024.66704573, tự xưng là nhân viên MobiFone hỗ trợ nâng cấp sim điện thoại từ 3G lên 4G. Được giới thiệu là đổi sim miễn phí và giải thích rằng do dịch bệnh Covid-19, nên không thể gặp trực tiếp trao sim cho khách hàng. Không nghi ngờ, chị T. đã thực hiện nhắn tin theo cú pháp mà đối tượng lừa đảo hướng dẫn. Tuy nhiên, sau khi thực hiện các thao tác, sim điện thoại chị đang dùng bị mất tín hiệu và vô hiệu hóa.
Cùng lúc đó, chị nhận được thông báo gửi đến hộp thư điện tử Gmail về việc thay đổi mật khẩu thành công đối với ứng dụng Fe Credit. Nhận thấy bất thường, chị T. lập tức đến cửa hàng MobiFone trên đường Phan Đăng Lưu (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) để khóa và khôi phục sim. Sau khi sim được khôi phục, chị T. truy cập ngay ứng dụng Fe Credit để kiểm tra, thì hạn mức sử dụng thẻ tín dụng Fe Credit của chị chỉ còn 70.000 đồng. Gọi điện lên tổng đài chăm sóc khách hàng của Fe Credit, chị T. được thông báo đã phát sinh các giao dịch qua thẻ tín dụng với tổng số tiền hơn 31,19 triệu đồng chỉ trong vòng 30 phút kể từ khi sim điện thoại cũ của chị bị vô hiệu hóa.
Tương tự, chị N.T.H.M (ngụ TP.HCM) cũng bị lừa đảo, chiếm đoạt số tiền gần 50 triệu đồng. Ngày 18.1, chị M. được một người gọi điện, tự xưng là nhân viên của Vinaphone và thông báo chị đang dùng gói 3G, nên chuyển sang 4G. Thấy tiện, chị M. đồng ý. Ngay sau đó, người này hướng dẫn chị nhập dãy ký tự *938*…# trên điện thoại của chị và dặn tắt máy, 30 phút sau khởi động lại. Sau khi khởi động lại máy, chị M. nhận thấy sim của mình bị vô hiệu hóa, không có sóng.
Hai ngày sau mới khôi phục sim, chị M. nhận được tin nhắn từ Fe Credit thông báo dư nợ gần 50 triệu đồng dù trước đó chưa từng kích hoạt tài khoản tín dụng của Fe Credit. Ngay trong thời điểm sim của chị bị vô hiệu hóa thì thẻ tín dụng Fe Credit đã được kích hoạt, lấy mã OTP gửi đến số điện thoại mà kẻ gian đã lấy cắp của chị để sử dụng thanh toán cho các giao dịch phát sinh tại FPT Shop Q.10 (TP.HCM).
Dùng CMND giả đánh cắp tiền
Không chỉ gọi điện, nhắn tin lừa đảo thông thường mà bọn tội phạm còn thực hiện “tấn công” các ngân hàng, công ty tài chính vay tiền thông qua việc làm giấy chứng minh nhân dân (CMND) giả mạo.
Tuần qua, Công an tỉnh Thanh Hóa đã phá ổ nhóm sử dụng công nghệ cao để làm CMND giả mạo lừa đảo gần 500 triệu đồng của Công ty tài chính Fe Credit. Khám xét khẩn cấp nơi ở, Cơ quan CSĐT Công an TP.Thanh Hóa đã thu giữ 37 CMND giả với nhiều tên và địa chỉ ở các tỉnh thành khác nhau nhưng lại có gắn ảnh các đối tượng trên CMND; 27 thẻ sim điện thoại chưa sử dụng, 1 bộ máy tính, 1 máy in màu, 1 bộ máy dập quốc huy và công an hiệu, 1 máy ép plastic… là các dụng cụ bọn chúng dùng để làm CMND giả cùng nhiều tài liệu liên quan.
Trước đó, cơ quan công an nhận được tin báo của Bưu điện TP.Thanh Hóa đối tượng dùng CMND giả mạo để rút hơn 78 triệu đồng từ khoản vay của Fe Credit. Bọn tội phạm khai nhận do biết về tin học nên đã rủ nhau đánh cắp thông tin của những người dân như họ và tên, địa chỉ, số CMND… Từ đó, nhóm này làm giả CMND rồi dán ảnh của mình vào và đến các điểm cung cấp sim thẻ điện thoại của các nhà mạng như Viettel, Vinaphone để báo mất sim, số và đề nghị được cấp lại sim điện thoại.
Sau khi đã đánh cắp được số điện thoại từ các nhà mạng, các đối tượng tiếp tục sử dụng CMND giả và số điện thoại tiến hành làm hợp đồng vay tiền với hình thức “tín chấp” trên mạng xã hội của Fe Credit với các khoản vay từ 20 – 70 triệu đồng. Khi rút tiền thành công, bọn chúng liền hủy CMND giả và số điện thoại sim rác.
Cuối tháng 3, Công an TP.HCM cũng bắt giữ một vụ làm giả CMND quy mô lớn với gần 500 CMND giả, 44 giấy phép lái xe và 85 thẻ ATM các ngân hàng… Các đối tượng bị bắt trong vụ việc này là Lê Văn Nam (29 tuổi, thường trú Thanh Hóa); Phạm Văn Châu (30 tuổi, thường trú Hậu Giang) và Cao Thị Lệ Duyên (27 tuổi).
Thủ đoạn của nhóm này là Nam dùng CMND giả tên Lê Quốc Tín (cấp tại Công an tỉnh Phú Yên) đến chi nhánh ngân hàng ở khu dân cư Trung Sơn (H.Bình Chánh) mở tài khoản thanh toán, đề nghị chuyển 45 triệu đồng trong tài khoản cũ của Lê Quốc Tín sang tài khoản mới lập. Chủ tài khoản Lê Quốc Tín thấy tiền “bỗng dưng” biến mất liền phản ánh với ngân hàng, công an.
Đến cuối tháng 3, với thủ đoạn này, đối tượng tiếp tục sử dụng CMND giả tên Võ Hoàng Long (Công an tỉnh Đắk Lắk cấp) đến ngân hàng thì bị công an bắt. Sau khi điều tra, Châu và Duyên là người thuê Nam đi lập tài khoản, thu mua sim, thẻ ATM tài khoản để chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.
Ngoài ra, gần đây bọn tội phạm cũng thực hiện thủ đoạn tinh vi là chèn tin nhắn giả vào tin thương hiệu của ngân hàng để trộm tiền của khách hàng.
MAI PHƯƠNG – THANH XUÂN
TNO