“Chốt” lịch thi tốt nghiệp THPT
Theo văn bản của
Bộ GD-ĐT vừa ban hành, kỳ thi này sẽ diễn ra trong 2 ngày 7 – 8.7 với 4 buổi thi. Môn ngữ văn thi đầu tiên vào sáng 7.7. Đây là môn duy nhất thi theo hình thức tự luận với thời gian 120 phút.
Công bố kết quả thi ngày 26.7
Hướng dẫn của Bộ GD-ĐT nêu rõ, trước ngày 15.6, phải hoàn thành việc in và trả giấy báo dự thi cho TS; công tác chấm thi, đối sánh kết quả thi hoàn thành chậm nhất ngày 24.7. Việc công bố kết quả thi đến TS được ấn định vào ngày 26.7. Chậm nhất ngày 2.8, các cơ sở
giáo dục phải in và gửi giấy chứng nhận kết quả thi; cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, trả học bạ và các loại giấy chứng nhận (bản chính) cho TS.
Trước đó, chiều 6.7, thí sinh (TS) phải có mặt tại phòng thi để làm thủ tục dự thi, đính chính sai sót (nếu có) và nghe phổ biến quy chế thi, lịch thi.
TS THPT phải làm đủ 4 bài thi gồm: ngữ văn, toán, ngoại ngữ và 1 bài thi tổ hợp tự chọn trong 2 bài thi khoa học xã hội hoặc khoa học tự nhiên. Bài thi khoa học xã hội gồm các môn: lịch sử, địa lý, giáo dục công dân; bài thi khoa học tự nhiên là vật lý, hóa học, sinh học.
Bộ GD-ĐT quy định: TS dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT chỉ được đăng ký dự 1 bài thi tổ hợp (khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội). Với bài thi ngoại ngữ, TS được chọn dự thi một trong 7 ngôn ngữ là Anh, Nga, Pháp,
Trung Quốc, Đức, Nhật và tiếng Hàn. Đây là năm đầu tiên tiếng Hàn trở thành một ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Bộ GD-ĐT cũng cho phép TS được đăng ký thi môn ngoại ngữ khác với môn ngoại ngữ đang học tại trường phổ thông; TS là học viên GDTX được đăng ký bài thi ngoại ngữ để lấy kết quả xét
tuyển sinh ĐH, CĐ.
Các trường hợp TS được miễn thi bài thi ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp THPT gồm: thành viên đội tuyển quốc gia dự thi olympic quốc tế môn ngoại ngữ theo quyết định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT; TS có một trong các chứng chỉ ngoại ngữ (giống hoặc khác với môn ngoại ngữ đang học tại trường phổ thông) hợp lệ, có giá trị sử dụng ít nhất đến ngày 6.7.2021 và đạt mức điểm tối thiểu theo hướng dẫn cụ thể của Bộ GD-ĐT.
Không đổi môn thi sau thời hạn đăng ký dự thi
Cũng theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT: từ ngày 27.4 – 11.5, các đơn vị đăng ký dự thi thu hồ sơ đăng ký dự thi và bản photocopy căn cước công dân của TS.
Camera giám sát 24/24
Số lượng, vị trí camera giám sát ghi hình tại các phòng bảo quản bài thi, phòng chấm bài thi trắc nghiệm, phòng chấm bài thi tự luận phải bao quát được toàn bộ hoạt động trong phòng; camera không được kết nối internet và chỉ được kết nối có dây tới màn hình hiển thị (nếu có); phải có bộ lưu điện dự phòng, bảo đảm hoạt động liên tục kể cả khi mất điện lưới; dung lượng lưu trữ dữ liệu của camera tối thiểu là 21 ngày.
Hằng ngày, trưởng ban chấm thi phối hợp với lực lượng công an và thanh tra kiểm tra tình trạng hoạt động của camera. Trong trường hợp hệ thống camera có màn hình hiển thị thì màn hình phải được đặt ngay tại vị trí dễ quan sát trong phòng bảo quản bài thi và phòng chấm bài thi hoặc phòng của trưởng ban chấm thi tự luận, trắc nghiệm.
Ngay sau khi kết thúc công tác chấm thi, thiết bị lưu trữ dữ liệu (ổ cứng, thẻ nhớ) của camera được niêm phong dưới sự chứng kiến của trưởng ban chấm thi tự luận, trắc nghiệm, công an, thanh tra và được giám đốc sở GD-ĐT lưu giữ.
Các trường phổ thông hướng dẫn TS chuẩn bị hồ sơ và điền vào phiếu đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ đầy đủ và đúng các thông tin; rà soát hồ sơ đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT để bảo đảm độ chính xác thông tin TS điền vào phiếu đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT, đặc biệt là thông tin về diện ưu tiên để được cộng điểm ưu tiên (nếu có); xem xét và quyết định điều kiện dự thi của TS; không tiếp nhận hồ sơ không hợp lệ.
Hướng dẫn của Bộ GD-ĐT nêu rõ: “Sau khi kết thúc thời hạn đăng ký dự thi, TS không được thay các thông tin về bài thi/môn thi đã đăng ký”.
Chậm nhất ngày 14.5, các đơn vị phải hoàn thành việc nhập hồ sơ đăng ký dự thi cho TS; sở GD-ĐT hoàn thành việc rà soát điểm bảo lưu của TS và chỉnh sửa sai sót hồ sơ đăng ký dự thi (nếu có) trước ngày 27.5.
Những TS muốn điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển sinh ĐH, CĐ thì phải đăng ký số điện thoại, email của mình khi đăng ký dự thi. Bộ GD-ĐT cũng lưu ý TS đã đăng ký sơ tuyển phải dùng căn cước công dân thống nhất khi đăng ký dự thi và đăng ký sơ tuyển.
Sau khi nộp phiếu đăng ký dự thi, TS sẽ được đơn vị đăng ký dự thi cấp một tài khoản và mật khẩu để đăng nhập vào hệ thống quản lý thi qua internet tại địa chỉ
http://thisinh.thitotnghiepthpt.edu.vn để đăng ký dự thi, xem kết quả thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT, xét tuyển sinh ĐH, CĐ.
Tùy từng thời điểm, khi đăng nhập vào hệ thống quản lý thi, TS có thể biết được các thông tin như: thông tin đăng ký dự thi (phản hồi các sai sót nếu có trên hệ thống quản lý thi trước ngày 12.5); thông tin xét công nhận tốt nghiệp THPT (phản hồi các sai sót nếu có trên hệ thống quản lý thi trước ngày 1.6); giấy báo dự thi; kết quả thi; kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT. Mọi hồ sơ, chứng nhận hưởng ưu tiên, khuyến khích liên quan đến xét công nhận tốt nghiệp THPT phải được TS nộp cho điểm đăng ký dự thi trước ngày 4.6.
Chấm kiểm tra bài thi tự luận
Trong quá trình chấm thi trắc nghiệm, Bộ GD-ĐT quy định rõ về việc sửa lỗi bài thi để đảm bảo quyền lợi cho TS. Cụ thể, một số lỗi phổ biến cần xử lý như: không tô, tô sai hoặc tô trùng số báo danh; không tô mã đề, tô sai mã đề, tô trùng mã đề; lỗi do quét bài dẫn đến phiếu trả lời trắc nghiệm bị biến dạng khiến phần mềm không nhận dạng được số báo danh và mã đề thi; thông tin về dữ liệu môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp do hội đồng thi cung cấp không chính xác với việc tô phiếu trả lời trắc nghiệm của TS.
Với phần bài làm của TS, hướng dẫn nêu rõ, để đảm bảo quyền lợi cho TS, phần mềm sẽ cảnh báo tất cả các câu không nhận diện được đáp án TS lựa chọn (do TS tô quá mờ, tô nhiều đáp án trong cùng một câu, bỏ trắng câu…). Cán bộ xử lý phải kiểm tra và xử lý từng lỗi (nếu có). Quy trình tiến hành sửa lỗi phần bài làm được quy định chi tiết nhằm đảm bảo sự minh bạch của công đoạn này.
Với bài thi tự luận ,
Bộ GD-ĐT yêu cầu có khâu chấm kiểm tra bài thi tự luận. Theo đó, mục đích của chấm kiểm tra là giúp trưởng ban chấm thi tự luận phát hiện, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình chấm thi. Tổ trưởng tổ chấm kiểm tra xây dựng phương án chấm kiểm tra bảo đảm các yêu cầu về chấm thi trong Quy chế thi (ưu tiên chấm kiểm tra những bài thi đã được chấm lần thứ hai). Lãnh đạo ban chấm thi lựa chọn ngẫu nhiên một số bài đã chấm (có thể chọn cả túi) hoặc chọn những bài có nghi vấn (được 2 cán bộ chấm thi cho điểm chênh lệch nhau nhiều trước khi thống nhất điểm) hoặc chọn các bài thi có điểm cao trong hội đồng thi (trên cơ sở thống nhất với chủ tịch hội đồng thi).