23/11/2024

Lan đột biến giá khủng chỉ để “câu” người mua

Lan đột biến giá khủng chỉ để “câu” người mua

Những giao dịch hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng một cây lan đột biến (lan VAR) tuỳ loại được chủ ý đẩy khắp mạng xã hội, kéo theo rất nhiều người lao vào trồng, đầu tư, mua bán, lừa lọc…
Giống lan phi điệp 5 cánh trắng Phú Thọ được rao bán giá tiền tỉ /// Ảnh: Phan Hậu
Giống lan phi điệp 5 cánh trắng Phú Thọ được rao bán giá tiền tỉ ẢNH: PHAN HẬU

Nhập nhèm giá công bố

Ngay sau vụ giao dịch cây lan VAR có giá lên đến 250 tỉ đồng ở Quảng Ninh gây xôn xao dư luận, Bộ Công an cũng như Công an tỉnh Quảng Ninh đã vào cuộc xác minh, làm rõ thực hư. Theo đó, thương vụ cây lan VAR tiền trăm tỉ trên diễn ra giữa ông Bùi Hữu Giang (32 tuổi, ở P.Kim Sơn, TX.Đông Triều) là chủ vườn lan tại khu Cổ Giản cùng ông Nguyễn Tiến Hưng (TP.Hải Phòng). Khi công an vào cuộc, hai cá nhân này “khai” chỉ ký biên bản thỏa thuận về giao dịch hoa lan, trong đó ông Giang sẽ cung cấp cho ông Hưng 5.000 cây giống lan VAR ngọc sơn cước trong vòng 1 năm, với tổng số tiền 250 tỉ đồng. Ông Hưng sẽ trả dần cho đến khi nhận đầy đủ số lượng cây giống như hai bên đã thỏa thuận. Tuy nhiên, cả hai bên mới chỉ thỏa thuận chứ chưa chuyển tiền cho nhau.

Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển: Quản lý nhà nước phải vào cuộc

Các thông tin này được quảng bá công khai trên internet nên trước hết cơ quan quản lý về truyền thông, mạng phải xác minh liệu có phải thông tin thật hay không. Chỉ cần mời 1 – 2 cá nhân để kiểm tra điển hình thì sẽ rõ ngay là thật hay ảo. Nếu đó là giao dịch thật thì chuyển sang cơ quan thuế để thu thuế theo quy định. Nếu các cá nhân đó từ chối và cho rằng chỉ quảng bá thì sẽ cảnh báo, nếu tái phạm nhiều lần thì phải xử lý về việc tung tin đồn nhảm, gây hoang mang. Điều này không quá khó nhưng các cơ quan quản lý nhà nước hiện nay vẫn còn thờ ơ với những hoạt động mang tính lừa đảo trên mạng. Chỉ khi có người dân bị hại, gửi đơn tố cáo thì cơ quan công an mới vào cuộc kiểm tra, xử lý thì sẽ không ngăn chặn được những hành vi cố tình lừa đảo.

Tương tự, giao dịch cây lan VAR có giá 1.400 tỉ đồng giữa hai nhà vườn ở Thái Bình và Hòa Bình cũng là con số “ảo”. Hai người này cũng trong nghề trồng và kinh doanh hoa lan đột biến ở Hòa Bình. Nói về con số 1.400 tỉ đồng cho vụ chuyển nhượng, ông Trần Thiêm, chủ vườn lan, thừa nhận không có giá đó mà thực tế chỉ có 1,4 tỉ đồng. Về con số lên đến 1.400 tỉ đồng lan truyền trên mạng xã hội là do lỗi của hàng in đã viết nhầm thêm các số 0. Số tiền 1,4 tỉ đồng là mua 2 kie lan VAR là hồng minh châu và hồng xòe. Bên bán lan là chị Chung Nguyễn cũng đã phải đăng tải lên trang cá nhân lời giải thích giá của 2 kie lan trên bạt sân khấu là do lỗi in ấn và giá trị thật chỉ có 1,4 tỉ đồng.

Ông Đình Thi, một người chơi lan VAR tại TP.HCM xác nhận thời gian qua giá lan VAR có tăng. Bản thân ông cũng đầu tư một cây lan VAR đột biến và đã bán được 1 tỉ đồng. Tuy nhiên, những con số công bố về lan VAR có giá hàng chục, thậm chí hàng trăm tỉ đồng tất cả là ảo, bị thổi giá với mục đích lừa đảo, đánh bóng thương hiệu để “câu” các nhà đầu tư, những người mới biết chơi lan bỏ tiền mua lại các cây lan VAR để đầu tư với mong muốn kiếm lợi nhuận khổng lồ. “Đúng là hiện nay phong trào chơi lan VAR đang sốt. Tuy nhiên, đến mức như các giao dịch tiền chục tỉ, trăm tỉ, thậm chí cả ngàn tỉ cho một cây lan VAR chắc chắn là điều không có thật, chỉ là chiêu trò, thậm chí lừa đảo của các chủ vườn lan”, ông Thi khẳng định.
Lan đột biến giá khủng chỉ để “câu” người mua

Lãi suất lớn, được thổi giá “khủng”, lan đột biến đang thu hút rất nhiều người đầu tư ẢNH: PHAN HẬU

Không ai điên bỏ tiền tỉ mua lan về… ngắm

Bước vào chơi và kinh doanh cây cảnh khoảng 3 năm nay, L.A.T, trú tại H.Phúc Thọ (Hà Nội) nói thẳng, không có cơ sở nào để định giá lan VAR bởi “vàng thì có giá, hàng lá vô cùng”. Một cây lan VAR đã là hiếm rồi nhưng lan var lại có hàng trăm ngàn kiểu hoa khác nhau, thị hiếu của người chơi đa dạng và có thay đổi giống như các thú chơi khác nên giá một cây lan var cũng thay đổi. Cá nhân T. từng bán được những cây lan trên 1 tỉ đồng. Gần đây nhất, T. trực tiếp dự công bố giao dịch cây lan VAR giống phi điệp hồng phù hoa là 8,8 tỉ đồng. “Cá nhân mình từng giao dịch đến cả tỉ rồi, còn những thương vụ công bố hàng chục tỉ, hàng trăm tỉ như vừa qua mình cũng không biết được đó là thật hay ảo”, T. nói.

Luật sư Nguyễn Quốc Toản,  Giám đốc Hãng luật IAM: Nếu lừa đảo mức cao nhất có thể bị tù chung thân

Các thương vụ hoa lan đột biến với số tiền giao dịch khủng lên đến hàng trăm tỉ đồng nếu không phải là giao dịch thật, cơ quan chức năng cần làm rõ động cơ mục đích của các đối tượng giao dịch ở đây là gì. Liệu có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của người khác không? Nếu có dấu hiệu giả mạo thông tin để người khác tin, giao tiền cho đối tượng thì có pháp luật xử lý chứ sao để các thông tin thất thiệt này xuất hiện lâu vậy. Chẳng hạn, đưa thông tin giả để lừa người mua trả số tiền từ 2 triệu đồng trở lên, đối tượng sẽ bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 174 bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Nếu số tiền chiếm đoạt từ 500 triệu đồng trở lên, các đối tượng có hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác sẽ phải chịu mức phạt tù từ 12 – 20 năm hoặc tù chung thân. Các quy định xử phạt có và rất nặng, không hiểu sao cơ quan chức năng chưa vào cuộc để dập tắt các thông tin này, trả lại sự yên bình, tin tưởng cho người dân.
M.Phương – N.Nga

Cũng theo T., trong giới buôn bán, kinh doanh lan VAR, để kiểm chứng một giao dịch lên tới hàng chục tỉ như thế rất khó. T. nêu dẫn chứng, khi có một cây định giá theo thị trường là 10 đồng nhưng nếu bán cho người trong nhà 5 – 6 đồng, bán cho bạn bè được 7 – 8 đồng, tùy tình cảm, mối quan hệ… nhưng khi giá công bố ra ngoài thì thường vẫn báo 10 đồng. “Nếu mình mà công bố giá bán cho anh em thấp thì sẽ ảnh hưởng đến người khác và cả thị trường chung”, T. nói.

Khi chúng tôi đặt vấn đề những giao dịch lan VAR hàng chục tỉ như thế thì có hợp đồng với nhau không, bảo hành thế nào, thực tế có giao dịch nào công bố hàng chục tỉ nhưng sau đó thỏa thuận ngầm, hủy giao dịch không, T. trả lời: “Những giao dịch mình trực tiếp đi thì nhìn thấy tiền “chồng” ra là thật đấy nhưng đằng sau đó, họ có những thỏa thuận thế nào thì cũng không thể biết được. Cái này chỉ có người trong cuộc mới rõ…”, T. nói.
Cũng trong giới chơi và giao dịch lan VAR, ông H., một chủ vườn lan ở H.Sóc Sơn, Hà Nội khẳng định: “Không ai “điên” đi bỏ ra cả chục, cả trăm tỉ để mua mầm lan về chăm sóc đợi ngắm hoa cả”. Nhưng vì thị trường này giao dịch sôi động, tính thanh khoản và lợi nhuận cao nên chủ yếu là giới đầu tư, đủ thành phần trong xã hội tham gia, “người đi sau nhìn người đi trước lao vào đầu tư”. “Giới chơi lan rất nhiều thành phần, từ bộ đội, giáo viên, người dân bình thường, thậm chí có cả nhiều doanh nghiệp, các tiệm kinh doanh cầm đồ, kinh doanh dịch vụ tài chính nhưng nay đều chuyển hết sang đầu tư lan VAR!”, H. nói.
H. cho rằng cũng không loại trừ khả năng các nhà vườn bắt tay “thổi giá” bởi: “Giá lan VAR do thị trường hoặc các vườn lớn giao dịch. Nếu họ mua bán cây gì mạnh hoặc nhiều người chơi tìm mua thì tự nhiên cây đấy giá sẽ cao và chỉ có các nhà vườn uy tín mới bán được cây giá cao”.
Cũng theo H., các giao dịch từng chứng kiến đều thấy giao nhận cây thật, tiền thật và chủ yếu “dựa vào niềm tin và uy tín chủ vườn”. Chỉ có các giao dịch giá trị lớn hàng chục tỉ thì nhà vườn mới có hợp đồng. Còn nhỏ hơn thì thường chỉ có quay video, bảo hành cây, bảo hành mặt hoa.
Dù giá trị giao dịch mà những người nói trên “giảm” xuống rất nhiều so với con số hàng chục, hàng trăm tỉ đồng các thương vụ giao dịch lan đột biến được quảng bá trên mạng thời gian qua, tuy nhiên theo các chuyên gia, con số này vẫn là ảo.

Không có giá trị về mặt khoa học

Về giá trị khoa học, trao đổi với Thanh Niên, TS Nguyễn Xuân Trường, Viện trưởng Viện Sinh học nông nghiệp, cho rằng tỷ lệ đột biến rất thấp, có khi hàng triệu cây mới có một cây đột biến ngoài tự nhiên, qua bao nhiêu thế hệ lai chéo mới tạo ra màu sắc, hình thái mới. Quá trình lai tạo ngoài tự nhiên mới được gọi là đột biến, mới quý hiếm. Còn những loại lan VAR giao dịch rầm rộ, nhan nhản trên mạng xã hội vừa qua thì rất khó xác định có thực sự là đột biến trong tự nhiên hay có phải hàng quý hiếm hay không. Chỉ có một nhóm người giao dịch với nhau thì không chứng minh được giá trị về mặt khoa học.
“Nếu thực sự một ai đó tìm được trong tự nhiên một giống hoa lan đột biến hoàn toàn mới, trước đây chưa bao giờ có thì cá nhân đó có thể đăng ký giống mới đặc hữu của Việt Namđể được bảo hộ, đăng ký bản quyền sở hữu đối với giống mới này. Bản quyền này không chỉ ở Việt Nammà cả thế giới cũng bảo hộ, công nhận thì khi đó giá trị kinh tế khai thác là rất lớn”, TS Trường nói.
Cũng theo TS Trường, Việt Namcó khoảng 1.000 loài lan nhưng ngay cả đến giống lan hài hồng (paphiopedilum delenatii) được cả thế giới công nhận, là loài đặc hữu chỉ có duy nhất ở Cao Bằng (VN), cũng chưa bao giờ có giao dịch lớn như những giao dịch lan VAR lan truyền trên mạng vừa qua.
Một lãnh đạo của Hiệp hội Hoa Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), cũng là chuyên gia trong ngành lan, khẳng định giao dịch lan VAR hiện nay có nhiều dấu hiệu bất thường, rủi ro cho người chơi. Trong giới chơi lan chỉ có một số người sưu tầm các dòng lan đột biến nhưng giá giao dịch không lên đến tiền tỉ, hàng chục tỉ như hiện nay. Mục đích của sưu tầm, họ chấp nhận mua giá cao hơn dòng thông thường là để sở hữu loài hoa đẹp và sau đó nhân giống bán gỡ vốn, kiếm lời và cuối cùng giới thiệu cho thị trường một dòng hoa mới. Nhưng hiện nay, lan VAR đang bị đẩy lên mức giá không tưởng. Nhìn vào những giao dịch này thì thấy tính chất để hợp thức hóa dòng tiền, rửa tiền nhiều hơn là xác lập một giá trị mới, bền vững cho ngành hoa lan.
PHAN HẬU – ĐÌNH SƠN
TNO