23/01/2025

Để học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ học hiệu quả

Để học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ học hiệu quả

Thông tư 32 cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ học  đã làm nóng lên câu chuyện về chiếc điện thoại và cũng là chủ đề bàn luận trong kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khoá XIV hồi tuần trước.
Giáo viên cùng học sinh tại TP.HCM trong một giờ học có sử dụng điện thoại di động và máy tính bảng /// TRUNG DUNG
Giáo viên cùng học sinh tại TP.HCM trong một giờ học có sử dụng điện thoại di động và máy tính bảng TRUNG DUNG
Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT về Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, trong đó có điểm mới là “học sinh (HS) THCS, THPT được dùng điện thoại trong giờ học để phục vụ học tập khi được giáo viên cho phép. Đồng thời, giáo viên không còn bị cấm sử dụng điện thoại di động khi đang dạy trên lớp”.
Thông tư 32 thật sự đã làm nóng lên câu chuyện về chiếc điện thoại trong thời gian qua, và cũng là chủ đề bàn luận trong kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa XIV hồi tuần trước. Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết nhiều ý kiến cử tri phản ảnh về việc sử dụng điện thoại di động trong lớp học có nên hay không.
Một số ý kiến của thầy cô giáo, phụ huynh, HS đồng tình, tuy nhiên cũng không ít thầy cô, phụ huynh phản đối.
Là giáo viên, tôi xin được chia sẻ những suy nghĩ cùng đồng nghiệp, phụ huynh và các em HS để có thêm góc nhìn về câu chuyện xung quanh “chiếc điện thoại”.
Việc Bộ GD-ĐT cho phép HS được sử dụng điện thoại trong giờ học phục vụ việc học là một tất yếu khách quan, nhu cầu thực tế cần được khuyến khích, giúp HS nhanh chóng cập nhật tiếp cận tri thức. Tuy nhiên, việc sử dụng thành tựu của khoa học kỹ thuật nhằm vào mục đích gì mới là điều quan trọng nên nếu HS sử dụng điện thoại vào việc tra cứu tìm kiếm thông tin phục vụ cho bài học thì rất bổ ích.
Vậy để giúp các em có kỹ năng sử dụng điện thoại khai thác kiến thức trong giờ học và giải tỏa băn khoăn của thầy cô, phụ huynh, Bộ GD-ĐT nên có hướng dẫn quy định thực hiện việc này một cách thống nhất trong cả nước.
Trước hết, thầy cô cần xem xét mục đích yêu cầu của bài học để xác định phương pháp giảng dạy, phương tiện thực hiện, nội dung bài học có cần sử dụng điện thoại không, tránh HS lạm dụng điện thoại trong giờ học. Khi sử dụng điện thoại, nên tổ chức theo phương pháp thảo luận nhóm, giáo viên dễ dàng kiểm soát việc sử dụng của HS, tránh cho HS sử dụng điện thoại một cách tràn lan và cũng không yêu cầu tất cả HS đều phải có điện thoại.
Khi thảo luận nhóm cần sử dụng điện thoại, giáo viên phải quy định thời gian cụ thể, 5 hay 7 phút (vì thời lượng tiết học có 45 phút). Khi hết thời gian sử dụng nhất định, các nhóm phải báo cáo kết quả thảo luận, tìm kiếm nội dung yêu cầu của thầy cô.
Nếu HS nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc, HS nào thực hiện đúng được khen thưởng để giúp các em dần hình thành thói quen văn hóa sử dụng điện thoại trong giờ học.

Nguyễn Văn Lực

(Giáo viên Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa)

TNO