23/12/2024

150 thương hiệu toàn cầu có thể vi phạm nhân quyền ở Tân Cương

150 thương hiệu toàn cầu có thể vi phạm nhân quyền ở Tân Cương

Hàng loạt công ty tại Trung Quốc và ở nước ngoài sản xuất “các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu” có thể liên quan đến các vi phạm nhân quyền khác ở khu vực Tân Cương, Trung Quốc, theo một nhóm làm việc cho Liên Hiệp Quốc ngày 29-3.

 

150 thương hiệu toàn cầu có thể vi phạm nhân quyền ở Tân Cương - Ảnh 1.

Công nhân thu hoạch bông trên một cánh đồng ở Tân Cương, Trung Quốc – Ảnh: AFP

“Nhiều chuyên gia, do Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc chỉ định, nói họ nhận được thông tin rằng hơn 150 công ty quốc nội Trung Quốc và các công ty ở nước ngoài liên quan đến các cáo buộc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đối với người Duy Ngô Nhĩ”, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR) cho biết.

Các chuyên gia của Nhóm công tác về doanh nghiệp và nhân quyền của OHCHR không nêu tên các công ty vi phạm, nhưng cho biết người lao động Duy Ngô Nhĩ đã bị “giam giữ tùy tiện, buôn người, cưỡng bức lao động và nô dịch” trong các lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp, công nghệ, ôtô và dệt may.

Ngoài ra, các nguồn tin độc lập của nhóm chuyên gia Liên Hiệp Quốc cho biết “hàng trăm ngàn thành viên trong cộng đồng thiểu số Duy Ngô Nhĩ bị giam trong các trại cải tạo”, và “nhiều người bị buộc lao động trong các nhà máy ở khu vực tự trị Tân Cương và các tỉnh khác của Trung Quốc”.

Các thành viên của nhóm chuyên gia Liên Hiệp Quốc cho biết đã viết thư cho Chính phủ Trung Quốc, các doanh nghiệp có chuỗi cung ứng liên quan đến các công ty ở Tân Cương, chính phủ của 13 nước có các công ty này đặt trụ sở.

Nhóm nói muốn thông tin đầy đủ cho các chính phủ và doanh nghiệp về các vấn đề nhân quyền liên quan đến hoạt động kinh doanh của họ, theo báo South China Morning Post. Nhóm cũng khẳng định sẵn sàng đối thoại với Chính phủ Trung Quốc về vấn đề nhân quyền.

Điều tra riêng của báo South China Morning Post cho thấy các chuỗi cung ứng toàn cầu không chỉ liên quan đến bông ở Tân Cương. Khu vực này còn tạo ra các sản phẩm dựa vào sợi tổng hợp và phát triển năng lượng tuabin gió.

Hiện nay, nhãn hàng thời trang H&M (Thụy Điển), Burberry (Anh), hãng sản xuất giày thể thao Nike (Mỹ) và Adidas (Đức)… đang bị tẩy chay ở Trung Quốc vì tuyên bố không sử dụng bông ở Tân Cương.

Các nước phương Tây đang kêu gọi Trung Quốc giải quyết các báo cáo vi phạm nhân quyền tại Tân Cương. Tuần trước, Mỹ, Canada và các nước châu Âu đã áp đặt lệnh trừng phạt với Bắc Kinh vì vấn đề Tân Cương.

Bắc Kinh bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền, nói các nước phương Tây đã bịa đặt và bắt nạt nước này. Đồng thời, Trung Quốc đã áp các biện pháp trả đũa lại một số nước. Trung Quốc khẳng định giới chức Tân Cương chỉ đang điều hành các trung tâm đào tạo nghề nhằm chống lại chủ nghĩa khủng bố.

ANH THƯ
TTO