19/11/2024

Khi nào phải tiêm 3 liều vắc xin COVID-19, lúc nào chỉ 1 liều là đủ?

Khi nào phải tiêm 3 liều vắc xin COVID-19, lúc nào chỉ 1 liều là đủ?

Tại Anh, Chính phủ Anh dự kiến cung cấp liều vắc xin thứ ba. Còn TS Nicholas Brousseau ở Viện Y tế công cộng quốc gia tại Québec nói người mắc COVID-19 tiêm đủ 2 liều cũng không có gì nguy hiểm, không cần thiết phải liều thứ 2…

 

Khi nào phải tiêm 3 liều vắc xin COVID-19, lúc nào chỉ 1 liều là đủ? - Ảnh 1.

Thủ tướng Anh Boris Johnson tiêm vắc xin AstraZeneca ngày 19-3 – Ảnh: AFP

Kết quả nghiên cứu trên đã được công bố trên tạp chí Nature Medicine (Anh) ngày 26-3. Nghiên cứu do Viện Pasteur (Pháp) hợp tác với các bệnh viện thực hiện.

Cần liều thứ 3 để vô hiệu hóa biến thể

Các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu máu của 60 người mắc COVID-19 và 30 người được tiêm vắc xin COVID-19. Tất cả đều đã sản sinh kháng thể ở nhiều nồng độ khác nhau.

Sau đó, họ quan sát xem các biến thể ở Anh và Nam Phi phản ứng thế nào với các mẫu máu.

Đối với nhóm mắc COVID-19, kháng thể phản ứng với biến thể ở Anh tương tự như với virus SARS-CoV-2 gốc.

95% số mẫu trung hòa được biến thể Anh, bất kể nồng độ kháng thể bao nhiêu. Nhưng với biến thể Nam Phi, nồng độ kháng thể phải cao gấp 6 lần mới có thể vô hiệu hóa được nó.

Đối với nhóm đã tiêm vắc xin, kháng thể cũng phản ứng tương tự. Bốn tuần sau lần tiêm vắc xin đầu tiên, 80% số mẫu vô hiệu hóa được virus gốc và biến thể ở Anh, nhưng chỉ 60% cần nồng độ kháng thể cao mới vô hiệu hóa biến thể Nam Phi.

Khi nào phải tiêm 3 liều vắc xin COVID-19, lúc nào chỉ 1 liều là đủ? - Ảnh 2.

Từ ngày 26-3 đến 4h chiều 28-3, người nước ngoài có thể đến Serbia tiêm vắc xin AstraZeneca miễn phí. Dòng người nối đuôi nhau chờ tiêm tại Belgrade ngày 27-3 – Ảnh: AP

Không phải trường hợp nào cũng tiêm hai liều vắc xin. Có khi phải tiêm liều thứ ba để ngăn ngừa các biến thể mới hoặc người đã nhiễm COVID-19 chỉ cần tiêm một liều.

Các nhà nghiên cứu kết luận một người mắc COVID-19 có ít kháng thể hoặc kháng thể dần dần mất hết vẫn có thể được miễn dịch, nhưng mức độ bảo vệ thấp hơn nếu từng nhiễm biến thể Nam Phi.

Hiện nay, các hãng dược phẩm Pfizer và Moderna đang nghiên cứu phát triển liều vắc xin thứ ba nhằm ngăn ngừa biến thể Nam Phi. Nghiên cứu đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.

Những người đã tiêm đủ hai liều vắc xin sẽ phải tiêm thêm liều nhắc lại thứ ba để củng cố hệ miễn dịch đối với biến thể.

Tại Anh, Chính phủ Anh đã dự kiến cung cấp thêm liều vắc xin thứ ba.

Ngày 27-3, Bộ trưởng phụ trách tiêm chủng Nadhim Zahawi trả lời báo The Daily Telegraph rằng từ tháng 9-2021, những người từ 70 tuổi trở lên, nhân viên y tế và một số người có nguy cơ cao có thể được tiêm thêm một loại vắc xin thứ ba tăng cường.

Ông cho biết dự kiến đến mùa thu, Anh sẽ có 8 loại vắc xin và các trung tâm tiêm chủng cho người ngồi trên ô tô sẽ mở cửa hoạt động.

Canada: người đã nhiễm chỉ cần tiêm một liều

Khi nào phải tiêm 3 liều vắc xin COVID-19, lúc nào chỉ 1 liều là đủ? - Ảnh 3.

Trung tâm tiêm chủng vắc xin COVID-19 ở Ontario (Canada) – Ảnh: lapresse.ca

Theo Radio Canada, Bộ Y tế công cộng Canada thông báo những người đã mắc COVID-19 chỉ cần tiêm một liều vắc xin là đủ miễn dịch. Bộ khuyến cáo không đặt lịch hẹn tiêm liều thứ hai với những người này, và người đã chữa khỏi nên đợi ba tháng trước khi đi tiêm vắc xin.

Cơ quan này cho biết chỉ tiêm đủ hai liều vắc xin trong một số trường hợp nhất định đã khỏi COVID-19 như các ca mắc COVID-19 không được xác định qua xét nghiệm, người bị ức chế miễn dịch (hệ miễn dịch giảm hiệu quả), hoặc người đã nhiễm COVID-19 nhưng vẫn muốn tiêm đủ hai liều.

TS Nicholas Brousseau ở Viện Y tế công cộng quốc gia tại Québec giải thích: “COVID-19 được coi là liều đầu tiên, sau đó tiêm vắc xin là liều thứ hai”. Ông cho biết người đã mắc COVID-19 tiêm đủ hai liều cũng không có gì nguy hiểm, nhưng không cần thiết phải tiêm liều thứ hai.

TS vi sinh Andrés Finzi ở Đại học Montréal nhận xét: “Phản ứng miễn dịch phát sinh sau liều vắc xin thứ nhất cực kỳ tốt ở người đã nhiễm COVID-19”. Nghiên cứu của ông mới được công bố trên trang web khoa học BioRxiv kết luận người đã mắc COVID-19 được tiêm một liều có hệ miễn dịch mạnh tương đương người không nhiễm tiêm đủ hai liều.

Một nghiên cứu khác ở Tây Ban Nha và Mỹ mới được công bố trên trang BioRxiv khẳng định liều vắc xin thứ hai không cải thiện khả năng bảo vệ miễn dịch nơi người đã mắc COVID-19. Nhóm nghiên cứu còn đề nghị do vắc xin chưa đủ, nên xét nghiệm trước khi tiêm chủng để phân biệt ai đã có miễn dịch tự nhiên và không nên tiêm liều thứ hai không cần thiết.

Ở Bỉ, Viện Dịch tễ học bệnh nhiễm đang nghiên cứu tính khả thi của chiến lược chỉ tiêm một liều cho người đã mắc COVID-19.

Thật ra vấn đề này còn phải được Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đồng ý. EMA chỉ phê duyệt sử dụng vắc xin COVID-19 với hai liều, trừ vắc xin Johnson & Johnson.

Nếu quốc gia nào đồng ý tiêm một liều, sau này người được tiêm không được cấp “hộ chiếu vắc xin” và như vậy khỏi đi du lịch luôn.

Brazil công bố vắc xin COVID-19 trong nước sản xuất

Ngày 26-3, Viện nghiên cứu Butantan (Brazil) thông báo ButanVac là vắc xin COVID-19 được phát triển và sản xuất hoàn toàn tại Brazil mà không cần nhập khẩu hoạt chất.

Sau khi thử nghiệm tiền lâm sàng đạt hiệu quả, Brazil bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vào tháng 4, sản xuất vào tháng 5, phân phối từ tháng 7-2021 và dự kiến đến cuối năm đạt sản lượng 40 triệu liều.

Viện nghiên cứu Butantan cho biết 85% dự án được thực hiện ở Brazil, còn 15% ở Việt Nam và Thái Lan.

vắc xin ba liều ảnh 4

Ông João Doria – thống đốc bang São Paulo – giới thiệu vắc xin ButanVac tại cuộc họp báo ngày 26-3 – Ảnh: nexojornal.com.br

HOÀNG DUY LONG
TTO