25/12/2024

Tù mù chất lượng vắc xin Covid-19 của Trung Quốc

Tù mù chất lượng vắc xin Covid-19 của Trung Quốc

Dù được viện trợ cho khá nhiều nước, nhưng vắc xin Covid-19 của Trung Quốc vẫn bị đặt câu hỏi về chất lượng thực sự, thậm chí Singapore được tặng mà không dám dùng để tiêm chủng cho người dân.
Sinovac.jpg - Singapore đã tiếp nhận vắc xin Covid-19 của Sinovac nhưng chưa sử dụng vì cần thêm dữ liệu /// AFP
Sinovac.jpg – Singapore đã tiếp nhận vắc xin Covid-19 của Sinovac nhưng chưa sử dụng vì cần thêm dữ liệu AFP

Có cũng chưa dám tiêm

Theo tờ The Washington Post, cuối tháng 2, Singapore tiếp nhận một lô vắc-xin Covid-19 của Sinovac (Trung Quốc) do Bắc Kinh gửi tặng. Thế nhưng, số vắc xin này đến nay vẫn còn nằm trong kho bảo quản và Singapore chưa có kế hoạch dùng để tiêm chủng cho dân chúng.

Trong khi đó, chính quyền của đảo quốc sư tử đang tiêm các loại vắc xin của Pfizer-BioNTech và Moderna để phòng ngừa Covid-19. Bởi các quan chức sở tại cho rằng Sinovac cần cung cấp thêm dữ liệu, thì Singapore mới tính đến việc tổ chức tiêm chủng loại vắc xin của Sinovac.

Cụ thể hơn, tờ The Washington Post dẫn thông tin từ Cơ quan Y tế Singapore cho biết đã bắt đầu xem xét dữ liệu mà Sinovac đã gửi, nhưng vẫn cần thêm thông tin từ nhà cung cấp này.

Thực tế, sự lo ngại của Singapore là hợp lý, bởi đã có dấu hiệu cho thấy vắc-xin Covid-19 của 2 nhà cung cấp Trung Quốc là Sinovac và Sinopharm kém hiệu quả, dù Bắc Kinh đang muốn ngày càng có nhiều người nước ngoài tiêm chích 2 loại vắc xin vừa nêu để Trung Quốc có thể sớm mở cửa ngành du lịch.

Mới đây, một nhà phân phối của Sinopharm tại UAE cho biết “một số lượng” người được khuyến nghị phải tiêm thêm liều thứ 3 của vắc-xin do Sinopharm cung cấp sau khi không đủ đáp ứng kháng thể từ 2 liều đầu tiên. Trong khi đó, hầu hết các loại vắc xin Covid-19 của các nước phương Tây thì chỉ tiêm 2 liều.

Ngày 20.3, Bộ trưởng Y tế Pakistan Faisal Sultan xác nhận Thủ tướng nước này Imran Khan cùng phu nhân đã dương tính với Covid-19 chỉ 2 ngày sau khi ông Imran được tiêm liều đầu tiên của vắc xin do SinoPharm cung cấp. Ngoài ra, tại Hồng Kông, đã có nhiều ca nhập viện sau khi tiêm vắc xin Covid-19 của Trung Quốc.

Ông Peter English, một chuyên gia người Anh trong lĩnh vực kiểm soát bệnh truyền nhiễm, cho rằng việc sử dụng rộng rãi loại vắc xin mà chưa được đánh giá đầy đủ thì “thật sự bất thường”.

Theo ông, các nhà sản xuất vắc xin thường công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng một cách minh bạch để xây dựng lòng tin của công chúng. Điều này đặc biệt quan trọng trong thời kỳ đại dịch, khi công chúng đang do dự về việc có nên tiêm vắc-xin hay không.

Thiếu minh bạch kết quả

Thực tế, Sinovac và Sinopharm là những nhà sản xuất sớm nhất đưa vắc xin Covid-19 thử nghiệm lâm sàn trên thế giới. Việc thử nghiệm đã được thực hiện từ năm ngoái, nhưng đến nay thì cả Sinovac lẫn Sinopharm đều chưa công bố dữ liệu từ các nghiên cứu, dù vắc xin của 2 công ty này đã được chính phủ nhiều nước phê chuẩn có thể dùng trong trường hợp khẩn cấp.

Tù mù chất lượng vắc xin Covid-19 của Trung Quốc - ảnh 1

Sinopharm được cho là chưa cung cấp đủ dữ liệu về vắc xin ngừa Covid-19 của hãng này  GT

Sinopharm đã tự công bố việc sử dụng vắc xin Covid-19 của công ty này đạt hiệu quả 79%. Còn Sinovac thì có tỷ lệ hiệu quả nhỏ hơn và thử nghiệm tại Brazil chỉ đạt 50,4%, trong khi kết quả ở Thổ Nhĩ Kỳ là trên 80%.

Trong khi nhiều nước đang phát triển đặt mua hoặc tiếp nhận vắc xin Covid-19 của Trung Quốc, thì phần lớn các nước giàu chỉ đặt hàng các loại vắc xin của Moderna (Mỹ) và liên danh Pfizer – BioNTech (Mỹ – Đức).

Ông Chong Ja Ian, Phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng Singapore không từ chối vắc xin Sinovac vì ngại làm ảnh hưởng quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, nhưng nhà chức trách của Singapore cũng không thể chấp nhận việc tổ chức loại vắc xin mà thiếu dữ liệu để đánh giá. “Singapore có các lựa chọn, không giống như một số nước đã nhận được vắc xin của Sinovac”, ông Chong Ja Ian nhận xét.

Lâu nay, các nhà sản xuất vắc xin thường công bố thông tin chi tiết về các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 trên các tạp chí được bình duyệt trước khi vắc xin được phê duyệt theo quy định. Điển hình, Pfizer-BioNTech và Moderna đã công bố kết quả nghiên cứu trên một tạp chí uy tín về y học vào tháng 12.2020.

Trong khi đó, Sinopharm và Sinovac đã tự báo cáo một số kết quả thử nghiệm, chưa công bố dữ liệu cơ bản trên một tạp chí khoa học chuyên ngành. Vì thế, điều này sẽ cần đến sự kiểm tra của các chuyên gia bên thứ ba, thì các loại vắc xin Covid-19 của Trung Quốc mới có thể thuyết phục hơn về hiệu quả.

PHÁT TIẾN

TNO