25/12/2024

‘Lúa gạo Việt Nam đã xác lập mặt bằng mới chứ không phải ăn may’

‘Lúa gạo Việt Nam đã xác lập mặt bằng mới chứ không phải ăn may’

Ông Phạm Thái Bình – chủ một doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo lớn ở ĐBSCL – cho rằng giá lúa gạo Việt Nam cao cho thấy đã xác lập mặt bằng giá mới, phải thích nghi chứ không phải may mắn mới bán được giá cao

 

Lúa gạo Việt Nam đã xác lập mặt bằng mới chứ không phải ăn may - Ảnh 1.

Ông Phạm Thái Bình phát biểu tại hội nghị – Ảnh: CHÍ QUỐC

Phát biểu tại hội nghị sơ kết vụ lúa đông xuân 2020-2021 do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức ở TP Cần Thơ sáng 24-3, ông Phạm Thái Bình – tổng giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An – cho rằng đây là vụ “được mùa được giá” với nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo ông Bình, dù chưa hết vụ lúa đông xuân nhưng hiện tại nông dân đã bán hết lúa, với giá từ 6.700 đồng đến 7.000 đồng/kg.

“Lúa gạo Việt Nam bây giờ xác lập mặt bằng giá mới nên chúng ta phải thích nghi, chứ không phải may mắn nhờ dịch COVID-19 mà bán được giá. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, của Chính phủ, đặc biệt là từ khi có nghị quyết 120 năm 2017 của Chính phủ, lúa gạo Việt Nam có tiến bộ thì phải hưởng giá mới. Tôi nghĩ đây là vấn đề mà chúng ta phải công nhận với nhau, để đi theo hướng này, nâng chất lượng lên và bán với giá thật, đúng với công sức của nông dân”, ông Bình nói.

Tuy nhiên, ông Bình lưu ý dù gạo bán được giá tốt, nông dân có thu nhập cao nhưng để không bị động, không “ăn may”, đảm bảo có tính bền vững thì cần tiếp tục đi sâu vào liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, “để khi hết dịch, khi thị trường có này có kia thì chúng ta vẫn bền vững, không bị động mà muốn không bị động thì phải nâng chất lượng lúa gạo lên”.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và nông thôn Lê Quốc Doanh cũng “đặc biệt lưu ý” về ý kiến của ông Bình và giao cho Cục Trồng trọt phối hợp với các địa phương tiếp tục bàn sâu về vấn đề này. Theo ông Doanh, ứng dụng khoa học công nghệ và tổ chức lại sản xuất, trong đó có liên kết sản xuất là hai vấn đề lớn của đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được triển khai từ lâu.

Ông Lê Thanh Tùng, phó cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết vụ lúa đông xuân, vùng ĐBSCL gieo trồng trên diện tích khoảng 1,51 triệu ha, giảm khoảng 27.000ha so với kế hoạch, nhưng năng suất đạt 7,05 tấn/ha, cao nhất trong 5 năm gần đây và “đó là sự cố gắng rất lớn của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long”. Đáng chú ý, trong vụ lúa đông xuân, lúa thơm chiếm 21-22%, lúa chất lượng cao chiếm 60% trong cơ cấu giống.

Ông Tùng cho rằng có “điểm nhấn” trong vụ lúa này là tình hình hạn mặn vẫn gay gắt, kéo dài ở nhiều vùng, nhưng do sự chủ động, kích hoạt ứng phó hạn, mặn từ rất sớm nên đến nay không có diện tích lúa, cây ăn trái nào bị thiệt hại. “Bến Tre năm ngoái có thể thiếu nước cho vùng cây ăn trái nhưng năm nay có gần 1.000 ao chứa nước. Rất nhiều địa phương cũng như thế”, ông Tùng nói.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cũng cho rằng đây là vụ lúa có nhiều thuận lợi nhất, sản xuất tốt nhất, chất lượng cao, giảm được giá thành, vì vậy lợi nhuận của người trồng lúa nhìn chung đạt trên 45%.

Mùa mưa năm nay đến sớm hơn trung bình nhiều năm

Tại hội nghị, đại diện Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho rằng do có những cơn mưa trái mùa xuất hiện ở khu vực thượng nguồn và ở ĐBSCL thời gian qua, cộng với gió chướng yếu nên xâm nhập mặn năm nay không quá gay gắt như dự báo trước đó.

Theo dự báo, mùa mưa năm nay đến sớm hơn trung bình nhiều năm (khoảng đầu tháng 5), đỉnh lũ năm nay xoay quanh mức 4m, vì vậy, “hi vọng năm nay ĐBSCL có nước tương đối tốt”.

CHÍ QUỐC
TTO