24/11/2024

Cuộc “đổi màu” ngoạn mục của vùng đất “vàng đen”: Không ai bị bỏ lại phía sau

Cuộc “đổi màu” ngoạn mục của vùng đất “vàng đen”: Không ai bị bỏ lại phía sau

 

 

 

Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng /// ảnh: Lã Nghĩa Hiếu
Cao tốc Hạ Long – Hải Phòng  ẢNH: LÃ NGHĨA HIẾU
Không chỉ nổi lên như một “hiện tượng” về thu hút nguồn lực tư nhân vào phát triển hạ tầng, Quảng Ninh còn là điển hình thành công trong giải phóng mặt bằng – vốn là vấn nạn khiến nhiều dự án trọng điểm ở nhiều nơi đội vốn, trễ tiến độ…, nhờ có sự đồng lòng, ủng hộ của người dân.
Mấu chốt của thành công này đến từ chủ trương “không một ai bị bỏ lại phía sau” trong công cuộc chuyển đổi mô hình kinh tế từ “nâu” sang “xanh” của lãnh đạo tỉnh từ những năm 2011 – 2012.
Cuộc “đổi màu” ngoạn mục của vùng đất “vàng đen”: Không ai bị bỏ lại phía sau - ảnh 1

Ông Phạm Minh Chính chỉ đạo dự án quy hoạch tỉnh Quảng Ninh, năm 2014 ẢNH: CTV

Nâng tầm sản vật địa phương

Kết thúc chuyến team building 3 ngày 2 đêm ở Quảng Ninh, anh M.V, trưởng nhóm Công ty CP T.N (TP.HCM), quyết định chọn mua chả mực Hạ Long làm quà về TP.HCM. “Ở Sài Gòn cũng có đại lý bán đặc sản Hạ Long nhưng ra đây mua vẫn thích hơn. Họ hút chân không, đóng thùng xốp nên về đến nhà vẫn giữ nguyên chất lượng. Có mà mang qua Mỹ cũng được, tiện lắm”, anh M.V hồ hởi. Chị T.S, một công chức ở Hà Nội thì có sẵn số điện thoại của cơ sở sản xuất chả mực quen ở Quảng Ninh. Mỗi lần có dịp tới đây, chị gọi điện đặt trước số lượng, đóng gói từng phần theo nhu cầu “mang về cho cả cơ quan”, chị T.S giải thích về 2 thùng chả mực to đùng để sau cốp xe 7 chỗ của mình.

Hiện văn hóa làng chài vẫn được bảo tồn và trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo của vịnh Hạ Long; còn những người dân làng chài cũng đã có một cuộc sống ổn định trên bờ đúng với chủ trương “không để ai bị rớt lại phía sau” trong công cuộc chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh” của lãnh đạo chủ chốt tỉnh thời đó.

Ông Nguyễn Văn Thành, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

Vốn là món ăn quen thuộc của Quảng Ninh, nhưng để trở thành sản vật được du khách trên cả nước biết đến như hiện nay là từ khi chả mực Hạ Long được chọn vào chương trình OCOP của tỉnh năm 2013. Thực tế, mô hình này ra đời từ những năm 70 của thế kỷ trước do GS Hiramatsu, Chủ tịch tỉnh Oita (Nhật Bản), khởi xướng với tên gọi “One village, one product” (OVOP) – “Mỗi làng một sản phẩm”. Công cuộc công nghiệp hóa ở Nhật Bản thời điểm đó đã thu hút một lực lượng lớn lao động từ nông thôn về thành thị, dẫn đến tình trạng hoang tàn ở các làng quê mà Oita, một tỉnh nghèo của xứ sở hoa anh đào là điển hình. Với OVOP, những nông sản tuyệt hảo của Oita như nấm hương khô, chanh kabosu, rượu shouchu, lúa mạch, ngựa seiki… đã “cất cánh” rồi lan rộng ra cả nước, đem lại sự phát triển cân bằng cho Nhật Bản và trở thành bài học kinh nghiệm quý giá cho nhiều nước trên thế giới.

Quảng Ninh cũng tương tự, từ 21 sản phẩm đầu tiên năm 2012, danh mục OCOP của tỉnh hiện đã lên tới vài trăm sản phẩm, doanh thu hàng ngàn tỉ đồng, giúp hàng vạn nông dân thay đổi cuộc sống. Những chả mực Hạ Long, hàu Thái Bình Dương, lợn Móng Cái, gà Tiên Yên, trà hoa vàng Ba Chẽ… đã vươn ra ngoài tỉnh, đi khắp cả nước. Một số sản phẩm còn vượt biên giới ra nước ngoài… Ít ai biết rằng xuất phát điểm đầu tiên của OCOP Quảng Ninh cũng từ một chủ trương lớn và đầy tính nhân văn của lãnh đạo tỉnh thời đó.
Ông Nguyễn Văn Thành, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, kể năm 2012, khi Bộ Chính trị chính thức phê duyệt đề án chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, bên cạnh việc tập trung phát triển du lịch, dịch vụ, công nghiệp thì điều mà Bí thư tỉnh thời điểm đó băn khoăn nhất là giải quyết cuộc sống của người dân, nhất là người nông dân như thế nào. “Lãnh đạo chủ chốt lúc đó dẫn chứng nhiều mô hình phát triển trên thế giới cũng đạt được những kết quả, nhưng một bộ phận không nhỏ người dân bị bỏ lại phía sau thì niềm vui không trọn vẹn. Lúc đó cũng có nhiều ý kiến cho rằng nên tập trung vào các việc lớn, việc chính vì nông nghiệp chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, 5 – 7% trong cơ cấu kinh tế tỉnh. Nhưng Bí thư Tỉnh ủy lúc bấy giờ không đồng ý và nhấn mạnh “không để người dân nào bị bỏ lại phía sau” trong công cuộc chuyển đổi kinh tế của Quảng Ninh. Chương trình OCOP của tỉnh ra đời từ trăn trở đó và hiện đã trở thành chương trình quốc gia”, ông Thành nhớ lại.
Với lợi thế lớn về rừng, biển và là nơi giao thoa hội tụ văn hóa, Quảng Ninh có nhiều sản vật ngon, đặc trưng nhưng chỉ “lòng vòng” trong nội tỉnh. Để sản vật có thể bước ra khỏi địa giới hành chính tỉnh, chính quyền Quảng Ninh đã triển khai, liên kết 5 đầu việc gồm: xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, quy hoạch vùng nguyên liệu, doanh nghiệp cung ứng đầu vào, nhà khoa học (xác định chất lượng, mẫu mã bao bì) và ngân hàng hỗ trợ vốn. “Đó là cách Quảng Ninh thực hiện, phải có 5 cái đó OCOP mới sống được”, ông Thành nói.

Đưa người dân làng chài lên bờ

Chủ trương “không bỏ ai lại phía sau” cũng là động lực để lãnh đạo Quảng Ninh di dời hàng ngàn người dân làng chài, vốn quen cuộc sống bao đời trên vịnh lên bờ. “Nhà này giờ cũng 700 triệu đồng nhưng nhà nước không cho bán, tôi cũng không bán. Hồi ở trên vịnh hết cấp 1 là hết lớp để học rồi. Ở đây đi học lên cấp 2, cấp 3…”, người phụ nữ bán hàng tại P.Hà Phong (TP.Hạ Long, Quảng Ninh) nói và cho biết chồng và con trai chị vẫn bám biển, chỉ có chị ở nhà kiếm thêm thu nhập bằng cách bán hàng.
6 năm trước, hàng ngàn nhân khẩu ở phường Hà Phong hiện nay thuộc 7 làng chài trên vịnh Hạ Long. Đã có nhiều chương trình, đề án di dời nhưng không thực hiện được dù UNESCO đã 2 lần khuyến nghị dân số vùng lõi vịnh phát triển quá nhanh, ảnh hưởng đến di sản. Ông Nguyễn Văn Thành kể khi mới xuống nhận nhiệm vụ ở Quảng Ninh khoảng 1 tuần, ông Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh ủy thời đó (ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức T.Ư – PV), đã dành nhiều ngày chủ nhật đi khảo sát các làng chài và nhận thấy quá nhiều bất cập. Từ việc chặt chém du kháchô nhiễm môi trường, không tiếp cận được giáo dục cho đến… “chết oan”. “Đau ruột thừa, tràn dịch màng phổi nếu ở đất liền vào viện là cứu được ngay nhưng ở trên vịnh thì không kịp. Đồng chí Bí thư chỉ rõ”, ông Thành kể.
Thực trạng đó khiến lãnh đạo Quảng Ninh quyết định lập hẳn một khu dân cư mới, cấp nhà cho người dân làng chài, đồng thời quy hoạch lại hệ thống hạ tầng kỹ thuật với điện, đường, cấp thoát nước, nhà văn hóa, trường học, nhà trẻ, chợ đầu mối… “Đặc biệt, đồng chí Bí thư chỉ đạo xây luôn một bến tàu để họ sống trên bờ nhưng tổ chức lại sản xuất dưới biển. Có lẽ đây chính là điểm mấu chốt giúp Quảng Ninh di dời thành công hàng ngàn nhân khẩu đã sinh sống bao đời trên biển lên đất liền”, ông Thành nói.
Tương tự, việc kéo điện lưới ra huyện đảo Cô Tô, công trình vẫn được ví von là “tay không bắt giặc, biến không thành có, biến khó thành dễ” bởi ước mơ nhiều đời của người dân huyện đảo đã được thực hiện trong 11 tháng. Đây là động lực để lãnh đạo Quảng Ninh quyết liệt thực hiện rất nhiều việc “tưởng không bao giờ làm được” trên chặng đường chuyển đổi từ “nâu” sang “xanh” sau đó. Công trình khởi công cuối năm 2012, khi kinh tế trong nước hết sức khó khăn và niên độ phân bổ tài chính cũng đã hết. Tiền không có, công nghệ không có (thời điểm này Việt Nam chưa tiếp cận được công nghệ kéo điện lưới ra đảo), trong khi để thực hiện, cần tới gần 1.200 tỉ đồng, một con số rất lớn thời điểm đó. Nhưng với quyết tâm thỏa nguyện niềm mong đợi, khát khao bao đời nay của người dân huyện đảo này cũng như đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh tại vùng đông bắc Tổ quốc, “Lãnh đạo chủ chốt tỉnh lúc bấy giờ hạ quyết tâm tiết kiệm chi thường xuyên tối đa và kêu gọi người dân đóng góp bất cứ cái gì, gạo cũng lấy, rau cũng lấy…; một số tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu cũng hỗ trợ mỗi nơi một ít…; cuối cùng cũng đủ”, ông Thành nhớ lại.
18 giờ ngày 16.10.2013, không chỉ người dân huyện đảo Cô Tô, rất nhiều lãnh đạo chính quyền Quảng Ninh đã trào nước mắt khi dòng điện lưới quốc gia vượt gần 60 km, qua các đảo đá và biển cả mênh mông, chính thức thắp sáng huyện đảo tiền tiêu này của Tổ quốc. Đó là thời khắc lịch sử, mở ra một giai đoạn phát triển mới của Cô Tô và Vân Đồn sau đó.
NGUYÊN KHANH
TNO