24/11/2024

Philippines chỉ trích Trung Quốc ‘xâm nhập’, yêu cầu rút 220 tàu dân quân biển

Philippines chỉ trích Trung Quốc ‘xâm nhập’, yêu cầu rút 220 tàu dân quân biển

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana mô tả hành động của tàu Trung Quốc là “khiêu khích” và khẳng định đây là các tàu thuộc lực lượng dân quân biển. Ông yêu cầu Bắc Kinh rút tàu ngay và cảnh báo sẽ có “hành động thích hợp”.

 

 

 

Philippines chỉ trích Trung Quốc xâm nhập, yêu cầu rút 220 tàu dân quân biển - Ảnh 1.

Cận cảnh các tàu Trung Quốc dàn đội hình neo đậu tại một khu vực trên Biển Đông – Ảnh chụp màn hình

Tuyên bố của ông Lorenzana được đưa ra sau khi truyền thông Philippines công bố các hình ảnh khoảng 220 tàu Trung Quốc neo đậu tại một khu vực trên Biển Đông.

Trong tuyên bố chiều 21-3, ông Lorenzana khẳng định các tàu này đang nằm trong “vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines”. Do đó, theo ông Lorenzana, việc tàu Trung Quốc dàn đội hình trong vùng biển này là một “hành động khiêu khích”.

“Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc chấm dứt xâm nhập và rút ngay lập tức các tàu đang vi phạm quyền hàng hải và xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Philippines”, Hãng tin Reuters trích tuyên bố của bộ trưởng quốc phòng Philippines.

Theo mô tả của truyền thông Philippines, các tàu Trung Quốc có vẻ ngoài giống tàu cá thông thường. Tuy nhiên, nhóm tàu này dường như “không thực sự đang đánh bắt hải sản” mà chỉ tập trung dàn đội hình san sát nhau theo chiều ngang và bật đèn màu trắng suốt đêm khi trời tối.

Ngay sau tuyên bố của ông Lorenzana, lực lượng vũ trang Philippines (AFP) cũng ra tuyên bố, nhấn mạnh sẽ “tăng cường tuần tra hàng hải” để bảo vệ ngư dân. Lực lượng này nhấn mạnh an toàn của ngư dân Philippines sẽ là ưu tiên hàng đầu.

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin kế đó xác nhận ông đã gởi công hàm ngoại giao phản đối tới Trung Quốc. Ông Locsin trước đó tuyên bố sẽ chỉ gởi công hàm sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Lorenzana và AFP xác nhận thông tin.

Việc tàu cá Trung Quốc tập trung với số lượng lớn trong vùng biển không phải của Trung Quốc không phải là điều hiếm gặp. Tuy nhiên, truyền thông Philippines nghi ngờ 220 tàu cá trên là tàu của dân quân biển, một trong những công cụ Bắc Kinh thường xuyên sử dụng để thúc đẩy các yêu sách vô lý trên Biển Đông.

Theo nhà nghiên cứu Andrew S. Erickson (Mỹ), Chính phủ Trung Quốc là nguồn hỗ trợ tài chính cho dân quân biển. Không chỉ Biển Đông, lực lượng này còn “vươn vòi” đến các vùng biển khác xung quanh Trung Quốc.

Hồi tháng 8-2020, khoảng 100 tàu dân quân biển ngụy trang tàu cá đã xâm nhập quần đảo Điếu Ngư/Senkaku mà Nhật Bản và Trung Quốc đang tranh chấp trên biển Hoa Đông. Theo ông Erickson, Chính phủ Trung Quốc đã thuê và đóng mới các tàu cho dân quân biển, trang bị cho các thành viên của lực lượng này các thiết bị liên lạc, định vị hiện đại và vũ khí hạng nhẹ.

BẢO DUY
TTO